54% doanh nghiệp Việt gặp rào cản kỹ thuật khi đo lường và báo cáo phát thải
Báo cáo phát triển bền vững thường niên 'Green IMPACT Gap' vừa công bố đã chỉ ra những lực cản đáng kể đối với doanh nghiệp Việt trong việc hiện thực hóa cam kết giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Báo cáo phát triển bền vững thường niên “Green IMPACT Gap” năm 2024 do Schneider Electric thực hiện tại thị trường Việt Nam, có đến 96% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã bắt đầu làm quen với Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ, văn bản quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng thực hiện lại cho thấy còn nhiều khoảng trống đáng kể.
Cụ thể, 54% doanh nghiệp thừa nhận gặp khó khăn trong việc đo lường và báo cáo phát thải do thiếu chuyên môn kỹ thuật, trong khi 46% vấp phải rào cản về tài chính và nguồn lực để triển khai các biện pháp tuân thủ quy định.
Dù đối mặt với nhiều thách thức, phần lớn doanh nghiệp không né tránh. Báo cáo cho thấy 58% doanh nghiệp tin rằng các quy định về phát thải sẽ là động lực thúc đẩy họ áp dụng các thực tiễn bền vững, ngay cả khi điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận trong ngắn hạn.

Khoảng cách “Green IMPACT Gap” của Việt Nam đã thu hẹp từ 52% năm 2023 xuống còn 45% năm 2024
Tín hiệu tích cực là Việt Nam đang thu hẹp khoảng cách “Green IMPACT Gap”, khoảng chênh lệch giữa cam kết và hành động thực tiễn từ 52% năm 2023 xuống còn 45% trong năm 2024. Điều này phản ánh nỗ lực đáng ghi nhận trong việc chuyển hóa kế hoạch bền vững thành hành động cụ thể.
Trong số 99% doanh nghiệp tham gia khảo sát tuyên bố đã đặt ra các mục tiêu phát triển bền vững, có 54% đã xây dựng chiến lược và chính sách rõ ràng, mang tính toàn diện, một bước tiến rõ rệt trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng đòi hỏi sự thích ứng linh hoạt và có trách nhiệm.
Báo cáo cũng chỉ ra một xu thế rõ nét trong khu vực: Phát triển bền vững đang trở thành ưu tiên chiến lược tại nhiều quốc gia châu Á. Tại Việt Nam, 73% lãnh đạo doanh nghiệp xác định đây là ưu tiên hàng đầu, vượt qua Indonesia (71%) và chỉ đứng sau Thái Lan (83%).
Tuy nhiên, vẫn còn những lực cản lớn. 62% doanh nghiệp Việt đánh giá bất ổn kinh tế là thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi xanh, cho thấy sự cần thiết của chính sách hỗ trợ và khung pháp lý ổn định để đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ở thời điểm mà phát triển bền vững không còn là lựa chọn mà đã trở thành bắt buộc, các doanh nghiệp tiên phong tại Việt Nam đang chứng minh rằng cam kết môi trường không mâu thuẫn với hiệu quả kinh doanh. Khi chuyển đổi xanh được thực hiện một cách bài bản và có chiến lược, lợi ích lâu dài sẽ vượt xa chi phí ban đầu.
Báo cáo Phát triển bền vững thường niên “Green IMPACT Gap” 2024 được thực hiện thông qua việc phỏng vấn 4.500 lãnh đạo doanh nghiệp tại 9 quốc gia, gồm: Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam. Trong đó có 500 đại diện từ Việt Nam.
Báo cáo này nhằm thu thập góc nhìn của các nhà lãnh đạo trong khu vực châu Á về tính bền vững và các vấn đề môi trường. Đối tượng tham gia khảo sát gồm có các giám đốc điều hành cấp trung và cấp cao trong khối tư nhân, trả lời 30 câu hỏi liên quan đến tác động của phát triển bền vững đối với hoạt động kinh doanh.