500 triệu USD tài trợ thúc đẩy giáo dục cho các quốc gia thu nhập trung bình thấp
Theo đại diện IFFEd, đầu tư cho giáo dục và kỹ năng ở các quốc gia thu nhập trung bình thấp là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Thông tin mới cập nhật, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ký một thỏa thuận với Quỹ Tài chính cho Giáo dục Quốc tế (IFFEd) - thỏa thuận này sẽ mang lại ít nhất 500 triệu USD nguồn vốn tài trợ giáo dục ưu đãi mới cho các quốc gia thu nhập trung bình thấp (LMIC) tại châu Á và Thái Bình Dương.
Trong khuôn khổ quan hệ đối tác tài trợ này, IFFEd – một quỹ Thụy Sĩ được thành lập năm 2023 với sự hậu thuẫn từ các chính phủ, để đầu tư vào giáo dục và kỹ năng tại các quốc gia thu nhập trung bình thấp – sẽ bảo lãnh 125 triệu USD rủi ro khoản vay qua kênh tài trợ chính phủ của ADB trên tất cả các lĩnh vực, được gọi là danh mục đầu tư tổng hợp, và cung cấp một khoản viện trợ ban đầu trị giá 50 triệu USD.
Bằng cách kết hợp bảo lãnh của IFFEd với các khoản viện trợ bằng 10% của mỗi khoản vay, thỏa thuận này giúp ADB tăng gấp bốn lần số vốn có thể cho vay, đồng thời giảm chi phí vay cho các quốc gia thành viên đang phát triển.
Bà Fatima Yasmin - Phó Chủ tịch ADB phụ trách các lĩnh vực và chủ đề, chia sẻ: "Giáo dục là nền tảng của các xã hội hiện đại, thịnh vượng và bao trùm. Chúng tôi rất vui mừng công bố quan hệ đối tác này với IFFEd. Sáng kiến này sẽ giúp các quốc gia thành viên đang phát triển mở rộng đầu tư cho giáo dục và kỹ năng – những yếu tố cốt lõi để xây dựng nền kinh tế tri thức – song hành với các lĩnh vực khác."
Các quốc gia thu nhập trung bình thấp đang đối mặt với khủng hoảng giáo dục, khi hơn 50% học sinh 10 tuổi tại các quốc gia này không thể đọc trôi chảy một văn bản đơn giản dù đã đi học, và sinh viên tốt nghiệp thiếu kỹ năng tìm việc, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động.
Khi các quốc gia chuyển từ thu nhập thấp lên trung bình thấp, họ rơi vào "vùng trống tài chính," không còn đủ điều kiện nhận viện trợ nhưng cũng không đủ khả năng vay vốn không ưu đãi, buộc phải đưa ra quyết định khó khăn trong đầu tư. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn bởi hạn chế về tài chính trong nước.
Quan hệ đối tác ADB-IFFEd mang tính đổi mới ở chỗ, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, nó giúp các quốc gia thành viên đang phát triển chuẩn bị cho tương lai với các thách thức như chuyển đổi số, biến đổi khí hậu, chuyển dịch dân số và đô thị hóa nhanh chóng.
IFFEd được tài trợ bởi các chính phủ Canada, Thụy Điển và Vương quốc Anh, cùng các quỹ như Atlassian, Jacobs, Porticus, Rockefeller và Quỹ Phát triển Kinh tế Soros. Với xếp hạng tín dụng cao, IFFEd sẽ tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi, thông qua hợp tác với các ngân hàng phát triển đa phương (MDB).
Ông Karthik Krishnan - Tổng Giám đốc điều hành sáng lập IFFEd nhấn mạnh: "Đầu tư vào giáo dục và kỹ năng tại các quốc gia thu nhập trung bình thấp – nơi sinh sống của gần một nửa trẻ em và thanh thiếu niên toàn cầu – là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn và đạt được tiến bộ về sức khỏe, khí hậu và công bằng toàn cầu".
"Theo Đánh giá Khung về Tính đầy đủ vốn của các ngân hàng phát triển đa phương do G20 thực hiện, IFFEd đã được công nhận là một trong những sáng kiến tài chính phát triển quan trọng nhất trong thập kỷ qua, tạo tác động cao gấp bảy lần so với các khoản viện trợ truyền thống. ADB đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình công cụ IFFEd và với tư cách là đối tác MDB sáng lập đầu tiên, ADB thể hiện cam kết liên tục trong nỗ lực xóa nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại châu Á và Thái Bình Dương", ông Krishnan cho biết thêm.
Hiện tại, các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB đủ điều kiện nhận tài trợ từ IFFEd bao gồm: Bangladesh, Ấn Độ, Mông Cổ, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Sri Lanka, Timor-Leste, Uzbekistan và Việt Nam.
Các dự án giáo dục được IFFEd tài trợ sẽ hỗ trợ các chương trình của ADB ở mọi cấp của hệ thống giáo dục, từ mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng, đến giáo dục đại học.