50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Một nền văn học nghệ thuật dũng cảm, bền bỉ và giàu bản sắc

Tôi sinh ra sau ngày đất nước thống nhất. Tuổi thơ của tôi không có bom rơi đạn lạc, nhưng lại đầy ắp những câu chuyện từ cha mẹ, từ ông bà, về những năm tháng cả nước như một cơ thể bị chia đôi, và rồi đã liền lại bằng máu, bằng nước mắt, bằng lòng yêu nước và cả bằng những trang thơ, khúc nhạc. Tôi lớn lên trong những đêm đèn dầu nghe đọc truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, xem những bộ phim như Bao giờ cho đến tháng Mười hay Mẹ vắng nhà, rồi thổn thức với từng nốt nhạc của Trịnh Công Sơn, từng khúc dân ca từ Đoàn Chuẩn, Văn Cao... Có lẽ vì thế mà với tôi, văn học nghệ thuật không bao giờ là xa xỉ. Nó hiện hữu trong cách tôi học nói, học nghĩ, học sống, trong những lựa chọn nghề nghiệp, và sau này, trong cả cách tôi nhìn nhận vai trò của chính sách văn hóa.

 Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tham qua triển lãm thành tựu 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước. Ảnh Hồ Long

Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tham qua triển lãm thành tựu 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước. Ảnh Hồ Long

Khi nhìn lại chặng đường 50 năm ấy, tôi luôn cảm thấy một điều vừa tự hào, vừa day dứt. Tự hào vì chúng ta có một nền văn học nghệ thuật dũng cảm, bền bỉ và giàu bản sắc. Day dứt vì vẫn còn đó những cơ chế chưa thật sự thuận lợi để văn nghệ sĩ có thể bay xa như tiềm năng họ vốn có. Nhưng trước hết, xin nói về sự bền bỉ. Ngay sau ngày 30.4.1975, cả nước bước vào hành trình hồi sinh. Đó không chỉ là hồi sinh vật chất - mà còn là phát triển hơn nữa đời sống tinh thần. Văn học, nghệ thuật, bằng sự chân thành và tận tụy của những người cầm bút, cầm máy quay, cầm cọ, đã khắc họa đời sống mới với những thiếu thốn, những khát vọng và cả những tổn thương chưa thể gọi tên. Từ Mùa lá rụng trong vườn đến Những đứa con của làng, từ những bài thơ của Nguyễn Duy đến các vở kịch của Xuân Trình, tất cả đều là những nỗ lực lặng lẽ để nối nhịp giữa con người với nhau, giữa con người với đất nước.

Khi công cuộc Đổi mới bắt đầu, văn học, nghệ thuật cũng bừng nở như thể tìm được không khí mới để hít thở. Tôi luôn coi đó là một giai đoạn mà nghệ thuật Việt Nam đã "trưởng thành" theo đúng nghĩa: phản ánh hiện thực, đi sâu vào những vết nứt tâm lý, đặt lại câu hỏi về những điều tưởng như bất biến. Tác phẩm như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh không chỉ là tiểu thuyết, mà là một tuyên ngôn nghệ thuật về sự thật, về mất mát, và về nỗi đau không dễ gọi thành tên. Cũng trong thời gian này, điện ảnh có Gánh xiếc rong, Cô gái trên sông - những bộ phim không né tránh hiện thực, mà ôm lấy nó bằng ánh nhìn thấu cảm và trách nhiệm.

Tôi vẫn nhớ cảm giác lần đầu xem phim Đập cánh giữa không trung - và gần đây là Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Mỗi tác phẩm một cách kể chuyện khác nhau, nhưng cùng cho tôi cảm giác rằng: nghệ thuật Việt Nam vẫn đang sống, đang theo nhịp thời đại, đang tìm cách kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai. Địa đạo không chỉ là câu chuyện chiến tranh, mà là bản tuyên ngôn về con người Việt Nam trong bóng tối vẫn giữ được ánh sáng của ý chí và tình yêu. Không phải ngẫu nhiên mà bộ phim đã tạo nên hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, được khán giả đón nhận và giới chuyên môn đánh giá cao. Đó là minh chứng cho thấy, khi nghệ thuật được đầu tư nghiêm túc, có định hướng rõ ràng, thì nó hoàn toàn có thể vừa chạm tới cảm xúc đại chúng, vừa giữ được chiều sâu tư tưởng.

 Cảnh trong phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ra mắt dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: ĐPCC

Cảnh trong phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ra mắt dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: ĐPCC

Tương tự, MV Bắc Bling - hiện tượng âm nhạc những tháng đầu năm 2025 - là ví dụ sinh động cho khả năng làm mới văn hóa truyền thống bằng ngôn ngữ âm nhạc hiện đại. Một sản phẩm có sự kết hợp giữa âm nhạc dân gian Bắc Bộ, âm nhạc điện tử, màu sắc biểu tượng dân tộc và xu hướng thị trường đã làm nên điều tưởng chừng như khó: khiến giới trẻ tự hào về di sản mà họ tưởng như xa lạ. Tôi nghĩ, khi một MV ca nhạc có thể tạo ra hàng trăm tour du lịch về làng cổ, khi một giai điệu truyền thống có thể lọt top 1 YouTube toàn cầu, thì không còn lý do gì để ta không tin rằng văn hóa dân tộc nếu được đầu tư bài bản sẽ có sức lan tỏa không giới hạn.

“Động lực mềm” của phát triển bền vững

Nhưng nói như vậy không có nghĩa mọi thứ đang hoàn toàn thuận lợi. Là người làm chính sách, tôi hiểu sâu sắc những khó khăn của giới nghệ sĩ, từ kinh phí đến môi trường sáng tạo, từ vấn đề bản quyền đến sự thiếu liên kết giữa các thiết chế văn hóa. Không ít người trẻ tài năng nhưng loay hoay vì không tìm được bệ đỡ. Không ít tác phẩm hay bị chìm trong im lặng vì thiếu truyền thông. Và không ít chính sách, dù đã được ban hành, nhưng đi vào cuộc sống một cách chậm chạp.

Tôi nghĩ đã đến lúc cần thay đổi cách nhìn về văn học, nghệ thuật. Nó không phải là thứ để làm đẹp các báo cáo tổng kết, hay là phần phụ trang trí cho những dịp lễ. Nó là bản chất, là linh hồn, là động lực mềm của phát triển bền vững. Đầu tư cho văn học, nghệ thuật là đầu tư cho nền tảng con người. Một đất nước có thể mạnh về kinh tế, nhưng nếu yếu về văn hóa, thì sức đề kháng tinh thần trước khủng hoảng - sẽ rất mong manh. Nhìn ra thế giới, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức… đều không ngẫu nhiên trở thành những cường quốc mềm. Họ làm điều đó từ chính sách, từ giáo dục, từ sự tôn trọng nghệ sĩ như những nhà trí thức đích thực.

 Thành công của MV "Bắc Bling" cho thấy, văn hóa dân tộc nếu được đầu tư bài bản sẽ có sức lan tỏa không giới hạn

Thành công của MV "Bắc Bling" cho thấy, văn hóa dân tộc nếu được đầu tư bài bản sẽ có sức lan tỏa không giới hạn

Chúng ta cũng cần điều đó. Cần cơ chế đặt hàng nghệ thuật công bằng, minh bạch. Cần có quỹ sáng tạo văn hóa không bị bó hẹp bởi hành chính. Cần đưa văn học nghệ thuật vào giáo dục một cách hấp dẫn, gần gũi và sinh động hơn. Cần truyền thông mạnh mẽ để những tác phẩm tốt được biết đến rộng rãi. Và cần tạo điều kiện để nghệ sĩ được sáng tạo trong một không gian tự do nhưng có định hướng.

50 năm là một chặng đường đủ dài để thấy rõ vai trò của văn học, nghệ thuật không chỉ là kể chuyện mà là kiến tạo tâm hồn, dựng xây niềm tin, hun đúc bản lĩnh. Nhìn lại và tri ân chặng đường ấy là điều cần làm. Nhưng sẽ ý nghĩa hơn nếu từ đó, chúng ta cùng nhau viết tiếp những chương mới, nơi nghệ thuật không chỉ là tiếng vọng của quá khứ, mà là tiếng nói chủ động của hiện tại và ánh sáng dẫn đường cho tương lai.

Với tư cách một đại biểu Quốc hội, tôi luôn mong mình được dấn thân tiếp tục đồng hành với các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, những người làm công tác văn hóa để thúc đẩy một môi trường sáng tạo thuận lợi hơn. Nhưng hơn cả, với tư cách một người được nuôi dưỡng bởi văn học, nghệ thuật, tôi muốn nói lời cảm ơn chân thành đến những người đã, đang và sẽ thắp sáng tâm hồn dân tộc bằng câu chữ, giai điệu, hình ảnh và khát vọng không mỏi mệt. Đó chính là ngọn lửa, là sợi chỉ đỏ dẫn chúng ta đi qua chiến tranh, hòa bình, đổi mới và giờ đây - là kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

PG.TS. Bùi Hoài Sơn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/50-nam-van-hoc-nghe-thuat-dong-hanh-voi-dat-nuoc-post411395.html
Zalo