50 năm thống nhất đất nước: Ngày 29/3/1975 - Giải phóng thành phố Đà Nẵng
Đến 15 giờ ngày 29/3/1975, lá cờ 'Quyết chiến, Quyết thắng' của quân và dân ta tung bay trên nóc Tòa thị chính và trụ sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy quyền Sài Gòn.

Xe tăng của Lữ đoàn 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975). (Ảnh: Hoàng Giang/TTXVN)
5 giờ 30 phút ngày 29/3/1975, cuộc tiến công giải phóng thành phố Đà Nẵng bắt đầu. Các cánh quân chủ lực của ta theo các hướng tiến vào thành phố.
Trên hướng Đường 1, Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 ngồi trên xe ô tô được 6 xe tăng của Ðại đội 4 dẫn đầu, tiến đánh tuyến phòng thủ của Lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ trên đèo Hải Vân. Bất ngờ và hoảng sợ trước lối đánh của ta, quân địch tại đây bỏ trận địa tháo chạy vào rừng. Ðến 8 giờ, khi lực lượng đi đầu của Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 xuống gần chân đèo Hải Vân thì gặp quân địch hành quân bằng cơ giới lên chi viện cho đồng bọn. Trong thế áp đảo, quân ta nhanh chóng tiêu diệt cánh quân này, sau đó phát triển tiến công chiếm kho xăng Liên Chiểu.
10 giờ cùng ngày, đội hình hành tiến của Sư đoàn 325 đã tiến tới trung tâm thành phố Đà Nẵng, tiếp tục vượt cầu Trịnh Minh Thế tiến công địch. Tới 11 giờ 30 phút, quân ta chiếm gọn khu vực cảng, bắt giữ hơn 100 tàu, xuồng địch, bịt đường rút chạy của địch. Sau đó, quân ta tiến công chiếm gọn khu viễn thông rađa, khu kho liên hợp và Bộ chỉ huy yểm trợ hành quân của Quân đoàn 1 ngụy.
Cùng lúc đó, trên các hướng khác, Sư đoàn 304 Quân đoàn 2 và các lực lượng của Quân khu 5 cũng dồn dập tiến công và thu nhiều thắng lợi.
- Trên hướng Tây Bắc, 12 giờ 30 phút ngày 29/3/1975, Trung đoàn 9 Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 và lực lượng tăng cường hành quân cơ giới theo trục Đường 14, phá vỡ tuyến ngăn chặn của Sư đoàn 3 ngụy, vượt qua núi Phước Tường, Hòa Khánh, Sở chỉ huy Sư đoàn 3 ngụy, chiếm tòa thị chính. Từ đây, Trung đoàn 9 đưa một bộ phận vào chiếm giữ trung tâm thành phố.
- Trên trên hướng Tây Nam, 12 giờ 30 phút cùng ngày, hai Trung đoàn 66 và 24, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 đánh tan lực lượng địch ngăn chặn ở Ái Nghĩa và cùng lực lượng Quân khu 5 chiếm trung tâm huấn luyện Hòa Cầm, sân bay Ðà Nẵng, khu nhà hành chính và một số mục tiêu quan trọng khác.
- Trên hướng Nam và Ðông, cũng trong buổi sáng cùng ngày, các lực lượng Quân khu 5 bỏ qua các mục tiêu bên ngoài nhanh chóng phát triển vào thành phố đánh chiếm sân bay Ðà Nẵng, sân bay Nước Mặn và các mục tiêu quan trọng khác.
Phối hợp chặt chẽ với quân chủ lực, lực lượng biệt động và tự vệ mật Đà Nẵng cùng nhân dân đã tiến công chiếm ty cảnh sát. Bộ đội tỉnh Quảng Đà cũng nhanh chóng đánh chiếm thị xã Hội An, vùng 5 Hòa Đa, khu vực Non Nước, sân bay Nước Mặn, hệ thống kho An Đồn và phát triển ra hợp điểm với chủ lực Binh đoàn Hương Giang tiến công bán đảo Sơn Trà.
Ðến 13 giờ 30 phút, Trung đoàn 18 làm chủ bán đảo Sơn Trà hoàn thành nhiệm vụ thọc sâu của chiến dịch.
Đến 15 giờ, quân ta làm chủ toàn bộ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng - bán đảo Sơn Trà. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân và dân ta tung bay trên nóc Tòa thị chính và trụ sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại: Thành phố Đà Nẵng hoàn toàn được giải phóng.
Như vậy, tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở miền Trung bị đánh tan, lực lượng quân ngụy còn lại rơi vào tình trạng hỗn loạn, không còn khả năng tổ chức kháng cự. Hàng vạn binh lính ngụy quân ra hàng, ta thu giữ một lượng lớn vũ khí, xe tăng, máy bay và nhiều trang bị quân sự khác.
Chiến dịch Huế-Đà Nẵng (21-29/3/1975) kết thúc thắng lợi, góp phần làm thay đổi thế và lực trên chiến trường, tạo sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta, tạo điều kiện và thời cơ thuận lợi để ta đẩy mạnh cuộc tổng tiến công chiến lược cuối cùng tại sào huyệt địch ở Sài Gòn.
Ngay trong đêm ngày 29/3/1975, khi Đà Nẵng vừa được giải phóng, các hãng tin phương Tây nhận định: “Sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn chỉ còn tính bằng ngày và giờ."

Quân giải phóng làm chủ các cơ quan của ngụy quyền trong thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quang Thành/TTXVN)