50 năm sau giải phóng, người Đà Nẵng đang viết tiếp những trang sử mới

Thành phố Đà Nẵng, một vùng đất anh dũng, kiên trường trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc và sau 50 năm sống trong hòa bình, xây dựng quê hương, người Đà Nẵng đã và đang viết tiếp những trang sử mới chói lọi.

Cách đây 50 năm, ngày 29/3/1975, lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của quân và dân ta đã tung bay trên nóc Tòa Thị chính, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại - giải phóng thành phố Đà Nẵng. 50 năm sau Ngày giải phóng và gần 30 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã bứt phá mạnh mẽ, vươn lên trở thành đô thị đầu tàu ở khu vực miền Trung. Khát vọng xây dựng một thành phố “văn minh, hiện đại, thân thiện, an bình, hấp dẫn và đáng sống” của chính quyền và người dân Đà Nẵng đang dần hiện thực.

Đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương, người Đà Nẵng lại ghi thêm một mốc son về sự đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Cầu Quảng Đà bắc qua sông Yên nối liền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam được thông tuyến. Cây cầu được xem là biểu trong hợp tác đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội giữa Quảng Nam và Đà Nẵng. Cầu Quảng Đà góp phần kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả Đà Nẵng và Quảng Nam, một điểm nhấn kiến trúc ở cửa ngõ phía Nam vào trung tâm thành phố.

Cầu Quảng Đà: biểu tượng nghĩa tình, đoàn kết giữa Quảng Nam và Đà Nẵng

Cầu Quảng Đà: biểu tượng nghĩa tình, đoàn kết giữa Quảng Nam và Đà Nẵng

Vào những ngày này, khắp nơi rộn ràng không khí kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương. Ông Nguyễn Hữu Hiền và bà con hàng xóm ở thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang đi qua cây cầu nghĩa tình này thấy lòng vui phơi phới: “Trước đây, ở đây không có cầu, người dân phải qua đò ngang, còn bây giờ quá sướng. Dọc sông này có cầu sông Yên, cầu Quảng Đà, bà con đi lại quá sướng, mừng lắm”.

Những ngày này, thành phố Đà Nẵng rợp trời sắc đỏ cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu mừng 50 năm Ngày giải phóng quê hương. Trong kháng chiến cứu nước, Đà Nẵng đi đầu trong cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải 1858-1860 và đã đi đầu trên vành đai diệt Mỹ Hòa Vang 1965-1973; đã góp phần cùng đất Quảng Nam “Trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. Thời kỳ phát triển và hội nhập, Đà Nẵng cũng đi đầu trong chỉnh trang đô thị, thay đổi diện mạo đô thị, sớm trở thành một thành phố năng động bậc nhất cả nước. Từ một thành phố đổ nát sau chiến tranh, 50 năm sau ngày giải phóng và gần 30 năm tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành đô thị văn minh, hiện đại bậc nhất miền Trung. Đà Nẵng trở thành hình mẫu trong vượt khó đi lên.

Cầu Rồng bắc qua sông Hàn về đêm. Ảnh Nguyễn Trình

Cầu Rồng bắc qua sông Hàn về đêm. Ảnh Nguyễn Trình

Cuộc “cách mạng” về chỉnh trang đô thị vào những ngày đầu mới chia tách đã biến thành phố này thành một đại công trường. Hơn 100.000 hộ dân đồng thuận giải tỏa vì một Đà Nẵng tươi mới. Cầu quay Sông Hàn, nối đôi bờ Đông - Tây sông Hàn được khánh thành vào năm 2000 là cú hích mạnh mẽ, tạo bước đột phá trong chủ trương “mở rộng không gian đô thị” của Đà Nẵng. Từ chỗ “quay lưng” với biển, Đà Nẵng đã hướng ra biển. Diện tích đô thị nay đã tăng lên gấp 5 lần. Quyết tâm “xóa sổ khu nhà chồ” bên bờ Đông Sông Hàn vào những năm đầu chia tách được xem là cuộc di dân lịch sử và mang lại thành công lớn trong công cuộc chỉnh trang đô thị. Hàng ngàn người dân nghèo sống lay lắt trên những căn nhà chồ làm sơ sài mấy tấm ván, tôn rách tạm bợ trên mặt sông được đưa lên bờ, bố trí vào ở ổn định tại các khu chung cư hoặc khu dân cư.

Khu nhà chồ tạm bợ bên bờ Đông Sông Hàn trước khi được giải tỏa. Ảnh: tư liệu

Khu nhà chồ tạm bợ bên bờ Đông Sông Hàn trước khi được giải tỏa. Ảnh: tư liệu

Thành công của Đà Nẵng trong đền bù giải tỏa cũng là bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương khác. Ông Bùi Công Minh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho rằng, thành công của Đà Nẵng hôm nay nhờ có những con người táo bạo, có khát vọng lớn. Tinh thần dám nghĩ, dám làm, với tầm nhìn chiến lược, các thế hệ lãnh đạo thành phố đã đưa ra những quyết sách táo bạo, góp phần tạo nên một thương hiệu "Thành phố đáng sống": “Đà Nẵng từng có người mang khát vọng lớn cả trong đời sống và thể hiện trong quyết nghị chung của thành phố. Ngày đó, thành phố chỉ có mỗi cây cầu Trần Thị Lý bắc qua Sông Hàn, vì vậy mong muốn phải có một cây cầu dân sinh nối 2 bờ Đông-Tây, không còn cảnh quận Ba (Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn) lạc hậu như thế - "con gái quận Ba không bằng bà già quận Nhất". Lúc bấy giờ nói chuyện xây cầu nhiều người băn khoăn tiền đâu, sức đâu?.Nhưng đến hôm nay nhìn lại, cây cầu quay sông Hàn là biểu tượng của ý chí lòng dân”.

Những khu nhà chồ bên bờ Đông sông Hàn được thay thế bằng khu đô thị mới. Ảnh: Nguyễn Trình

Những khu nhà chồ bên bờ Đông sông Hàn được thay thế bằng khu đô thị mới. Ảnh: Nguyễn Trình

Trong hành trình phát triển, thành phố Đà Nẵng luôn gắn kết với “người anh em” Quảng Nam để cùng phát triển. Hai địa phương có chương trình hợp tác liên kết trong đầu tư, đặc biệt là trên lĩnh vực hạ tầng, liên kết du lịch...Dự án khơi thông sông Cổ Cò nối từ Đà Nẵng đến Hội An, xây dựng cầu Quảng Đà nối liền 2 địa phương được xem là biểu tượng trong phối hợp đầu tư giữa Đà Nẵng và Quảng Nam.

Nói đến Đà Nẵng không thể không nhắc đến những chương trình mang đậm tính nhân văn, riêng có như chương trình “thành phố 5 không”, “3 có”, “thành phố 4 an” được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt, chương trình "thành phố 5 không" cho thấy không phải là một khẩu hiệu, mà là hành động quyết liệt để giải quyết các vấn đề bức thiết trong xã hội. Thành phố này cũng ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội riêng có, nhân văn, tất cả đều hướng về người dân. Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng từng được xem là biểu tượng của tình người có tính nhân văn sâu sắc.

Cầu quay Sông Hàn khánh thành vào năm 2000 tạo bước đột phá trong chủ trương “mở rộng không gian đô thị” của Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Trình

Cầu quay Sông Hàn khánh thành vào năm 2000 tạo bước đột phá trong chủ trương “mở rộng không gian đô thị” của Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Trình

Thành phố Đà Nẵng sở hữu nhiều giải thưởng như: thành phố môi trường, là điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu Châu Á…Trong 13 năm liên tục (từ năm 2009 đến 2022), thành phố này dẫn đầu bảng xếp hạng khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Việt Nam ICT Index); năm thứ tư liên tiếp đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam; năm thứ ba liên tiếp (2020-2022) xếp Nhất các tỉnh thành về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh...

Những thành tựu này đã làm nổi bật “thương hiệu Đà Nẵng”, hình ảnh của một thành phố đáng sống. Tại cuộc làm việc mới đây với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng khi thành phố có cách làm hay, sáng tạo với nhiều chương trình, chính sách an sinh xã hội vượt trội: “Đà Nẵng cũng có nhiều sáng tạo, chương trình “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”, “thành phố 4 an”. Đây là sáng kiến rất hay, rất đơn giản nhưng rất thiết thực. Đây cũng là di sản quý báu của Đà Nẵng phải tiếp tục phát huy, đẩy mạnh lên nữa”.

Lễ hội pháo hoa quốc tế góp phần định vị thương hiệu du lịch Đà Nẵng

Lễ hội pháo hoa quốc tế góp phần định vị thương hiệu du lịch Đà Nẵng

Những thành tựu của Đà Nẵng được đánh giá cao, cả nước ghi nhận và được xem là mô hình trong thời kỳ phát triển mới. Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng luôn được Trung ương đầu tư, ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận quan trọng, tạo cơ sở chính trị, động lực mới cho Đà Nẵng tiếp tục bứt phá, vươn lên. Điển hình là Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 136/2024 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Các Nghị quyết quan trọng này đều nêu rõ mục tiêu hướng đến xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội (KT-XH) lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ. Việc Trung ương cho phép Đà Nẵng thành lập Khu Thương mại tự do đầu tiên cả nước và Trung tâm Tài chính khu vực tại Đà Nẵng đã tiếp tục trao cơ hội để Đà Nẵng phát huy tính tiên phong trong triển khai các chủ trương, chính sách mới, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của người Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Đà Nẵng tập trung thực hiện là đầu tư phát triển văn hóa, con người ngang tầm với phát triển kinh tế, đưa hình ảnh thành phố Đà Nẵng văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế; xây dựng “nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, phát triển con người Đà Nẵng toàn diện. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: "Thành phố được Trung ương ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Thành phố cũng đang tiếp tục báo cáo với cấp có thẩm quyền một số các cơ chế đặc thù khác để phát triển thành phố theo hướng văn minh, hiện đại hơn. Ví dụ như phát triển trên không gian biển. Tới đây, thành phố có chủ trương sẽ nghiên cứu xây dựng một thành phố mới trên vịnh Đà Nẵng; phối hợp với tỉnh Quảng Nam phát triển hệ thống đường sắt đô thị kết nối từ Đà Nẵng vào đô thị Hội An vào Tam Kỳ và hướng tới Chu Lai.”.

Thành phố Đà Nẵng, một vùng đất anh dũng, kiên trường trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc và sau 50 năm sống trong hòa bình, xây dựng quê hương, người Đà Nẵng đã và đang viết tiếp những trang sử mới chói lọi trong lịch sử phát triển của quê hương mình.

Đình Thiệu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/50-nam-sau-giai-phong-nguoi-da-nang-dang-viet-tiep-nhung-trang-su-moi-post1187776.vov
Zalo