50 năm giải phóng miền Nam: Bài học lịch sử trong công cuộc kiến thiết kinh tế

Từ Đại thắng Mùa Xuân 1975 đến hôm nay, hành trình dựng xây đất nước đã có những chuyển đổi lớn. Tuy nhiên, bài học cốt lõi vẫn còn nguyên giá trị: độc lập trong tư duy, tự chủ trong hành động, và khát vọng vươn lên bằng chính nội lực dân tộc.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, kết thúc cuộc kháng chiến vĩ đại, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự do và phát triển. Đại thắng Mùa Xuân 1975 không chỉ mang ý nghĩa quân sự, chính trị to lớn mà còn để lại những bài học quý báu cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và vai trò của lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân.

Thành công của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt nguồn từ tinh thần tự chủ, tự lực, dám nghĩ, dám làm và dám chiến thắng. Đó là bài học đầu tiên mà công cuộc phát triển kinh tế hôm nay phải khắc ghi: chỉ có con đường phát huy nội lực, lấy tự cường làm nền tảng, thì mới có thể vượt qua thử thách và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, từ chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu đến bất ổn chuỗi cung ứng và chuyển đổi số, việc phát huy sức mạnh nội sinh của nền kinh tế, mà hạt nhân là cộng đồng doanh nghiệp trở thành yêu cầu tất yếu. Không thể phụ thuộc hoàn toàn vào dòng vốn ngoại hay tài nguyên thô, Việt Nam chỉ có thể vươn lên bằng đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp và sự hội nhập chủ động.

Chiến thắng năm 1975 là minh chứng cho tư duy chiến lược sắc bén của Đảng và sự vận hành tổ chức hiệu quả từ Trung ương đến địa phương. Trong phát triển kinh tế ngày nay, bài học này thể hiện qua việc cần có chính sách kinh tế nhất quán, đồng thời nâng cao năng lực quản trị quốc gia, cải cách thể chế, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển.

Doanh nghiệp không thể thành công nếu vướng rào cản hành chính hay thiếu cơ chế minh bạch. Do đó, vai trò của Nhà nước cần chuyển từ “quản lý” sang “kiến tạo”, đồng hành cùng doanh nhân như một đối tác chiến lược. Đây chính là sự tiếp nối tư duy linh hoạt, hiệu quả từng được vận dụng thành công trong chiến tranh sang công cuộc xây dựng thời bình.

Một trong những yếu tố quyết định của chiến thắng 1975 là khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong xây dựng kinh tế hôm nay, doanh nhân chính là lực lượng tiên phong, là “chiến sĩ thời bình” góp phần dựng xây đất nước. Sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, từ những người khởi nghiệp trẻ đến các tập đoàn tư nhân hàng đầu đã và đang góp phần chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tạo việc làm, thúc đẩy đổi mới và nâng tầm vị thế quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: "Doanh nhân là một trong những lực lượng trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước thời kỳ mới." Câu nói này không chỉ mang tính định hướng mà còn là sự khích lệ to lớn, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng về vai trò của kinh tế tư nhân và doanh nhân trong tiến trình vươn mình của dân tộc.

Trên mặt trận kinh tế, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cần phát huy vai trò “người lính thời bình”, dũng cảm, đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm xã hội để cùng đất nước bước vào thời kỳ phát triển nhanh, bền vững, toàn diện. Đó chính là cách để viết tiếp tinh thần 30/4 hào hùng bằng hành động cụ thể trong hiện tại và tương lai.

AV

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/50-nam-giai-phong-mien-nam-bai-hoc-lich-su-trong-cong-cuoc-kien-thiet-kinh-te-317321.html
Zalo