50 năm chiến thắng Xuân Lộc - Giải phóng Long Khánh (21-4) 'Ngã ba vĩnh biệt' ngày ấy
Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam, ở chiến trường miền Nam có nhiều địa danh gắn liền với những chiến tích vang dội, từng gây cho kẻ thù nỗi hoảng sợ, khiếp đảm, kinh hoàng... mà mỗi lần nhắc tới là thêm sự thán phục về trí thông minh, lòng dũng cảm của quân và dân ta. 'Ngã ba vĩnh biệt' - tức ngã ba Bảo Vinh A (phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh) là một địa danh như thế.

Tranh bột màu của họa sĩ ĐÀO TẤN HƯNG.
50 năm qua rồi - kể từ năm 1970, cái tên “đầy ấn tượng và bi thảm” ấy vẫn không hề phai mờ trong trí nhớ của những người dân nơi đây. Thật vậy, đến phường Bảo Vinh bây giờ khó mà nhận ra những ngôi nhà, những hàng quán, những hàng cây cũ xưa, thậm chí cả đường đi, lối rẽ cũng đã khác xưa ngàn lần. Nhưng duy nhất có một hình ảnh dù có khác đi vẻ bề ngoài của nó đến đâu người ta vẫn nhận ra, vẫn gọi tên mỗi ngày. Đó là ngã ba Bảo Vinh A - cái ngã ba không lớn lắm, là đầu mối giao thông ra các phường nội ô thành phố, phía tay phải rẽ về cầu Bốn Thước đi xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) và phía tay trái rẽ về dốc Đồn và ấp 18 Gia Đình (xã Bảo Quang), qua ấp 18 Gia Đình vài ba trăm mét nữa là xã Xuân Bắc, thuộc huyện Xuân Lộc.
Ngược dòng thời gian hơn nửa thế kỷ, trong thời kỳ kháng chiến, ngã ba này lúc bấy giờ còn là những lối mòn rất hẹp, không bằng nửa sải tay, còn giữa ngã ba ấy rộng chỉ vừa hai bánh xe bò qua lại, hai bên đường là cây cỏ, rẫy lúa bắp, rải rác vài cây ăn trái như xoài, chôm chôm, dừa, ổi…
Bên trong ngã ba (nơi bây giờ là bia tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trên đất Bảo Vinh) là một chỗ trũng làm thành bãi lầy trâu đằm của đồng bào dân tộc Chơro. Nhà dân thì rất ít, thưa thớt chủ yếu là chòi lá, còn quán xá thì tạm bợ, nghèo nàn. Mãi cho đến đầu thập niên 1960 mới có một vài ngôi nhà cấp bốn mọc lên, trong đó có quán tạp hóa của ông Hai Phúc nằm ở bên phải đường vô cầu Bốn Thước. Vì thế, người dân vùng này cũng quen gọi đây là “ngã ba ông Phúc”. Còn cái quán chị Ba Thọ nơi lính thường lui tới, bị du kích của ta đánh tạc đạn thì lúc ấy cũng chỉ là những bàn tre cũ kỹ với mấy trái dưa bán cho khách qua đường. Đến thập niên 1970 mới có vài chiếc xe lam chạy ra, chạy vô nội ô Long Khánh... và cái tên “ngã ba vĩnh biệt” cũng bắt đầu từ đây!
Nhìn vào vị trí ở ngã ba này, địch đã bố trí một gọng kềm rất chặt. Lối về cầu Bốn Thước có một đồn bót kiểm soát nghiêm ngặt; lối vào khu 18 Gia Đình có đồn A (ngay trên đỉnh dốc, gọi tên là dốc Đồn) và lối ra thị xã Long Khánh có đồn Hoàng Diệu. Cạnh đó là đồn Bảo Vinh B (chúng gọi là đồn B) ở ấp B nằm trong vòng không đầy 1km đường chim bay. Có thể nói, với cách bố trí như vậy, ngã ba Bảo Vinh A bị “bó chặt” trong vòng vây của địch. Chính chúng cũng đã nhiều lần huênh hoang rằng “VC” chẳng làm gì được; đồng thời “mượn” ngã ba này làm nơi trú quân mở đầu cho những trận càn vào sâu trong nương rẫy với âm mưu bình định, đánh phá các căn cứ cách mạng - nhất là khi Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh năm 1969.
Để đối phó với âm mưu của địch, Chi bộ Đảng ở Bảo Vinh đã tăng cường sự lãnh đạo, bổ sung lực lượng du kích, tự vệ mật, khẩn trương đi sâu sát, kịp thời chỉ đạo quần chúng đấu tranh tấn công địch nhiều mặt, kết hợp với phương châm “2 chân 3 mũi” kiên quyết, táo bạo, vững chắc, chỉ riêng mũi quân sự, ta đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề ngay tại ngã ba này.
Để ghi nhớ một địa danh lịch sử, ghi nhớ công lao, xương máu những người con đã sống, chiến đấu, hy sinh anh dũng, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30-4-1995 tại ngã ba Bảo Vinh A chính quyền địa phương đã cho xây dựng một bia tưởng niệm, ghi công 143 liệt sĩ.
Tháng 3-1970, du kích Bảo Vinh A đã anh dũng chặn đánh một tốp lính Sư đoàn 18 của địch đi càn ở khu 18 Gia Đình, bị du kích của ta diệt gọn 8 tên lính. Đây là trận đầu tiên có sử dụng mìn ĐH.10 do Công binh xưởng của ta chế tạo. Sau đó mấy ngày, thêm một trận đánh cũng bằng mìn ĐH.10 làm 20 tên địch chết và bị thương. Từ các trận đánh bằng mìn ĐH.10 này, địch thiệt hại nặng, ngã ba Bảo Vinh dần dần là nỗi ám ảnh chết chóc cho quân địch ở Long Khánh mỗi khi vào đây, còn bọn tề ấp thì lo sợ.
Tháng 11-1971, đồng chí N.M.H (H.5) - một du kích trẻ ở Bảo Vinh A đã dùng tạc đạn diệt tên T.V.H tình báo an ninh, làm bị thương một tên khác khi chúng tập trung tại quán chị Ba Thọ. Tháng 12-1971, du kích và biệt động thị xã Long Khánh đã phối hợp chặn đánh một tốp lính vừa đỗ xe tới ngã ba này. Một quả B40 của các chiến sĩ biệt động Long Khánh đã nổ ngay trên chiếc xe GMC, làm gần 30 tên địch bị thương vong.
Chưa hết, táo bạo và bất ngờ nhất là hai trận đánh đầu năm 1972. Vào chiều ngày 11-1-1972, một du kích trẻ là N.N.B - thừa lúc bọn địch vừa đi càn về tập trung ở ngã ba này, đã tung một quả lựu đạn làm chết và bị thương gần 20 tên. Tiếp mấy ngày sau, cũng tại nơi này cơ sở cách mạng đã phục vụ cho đội biệt động thị xã Long Khánh diệt tên B.N.
Từ những trận diệt ác, đánh đột kích bất ngờ này gây thương vong cao, bọn ngụy ở Long Khánh và ấp Bảo Vinh A không xiết kinh hoàng. Mỗi khi ngồi với nhau chúng gọi ngã ba này là “Ngã ba vĩnh biệt !” bởi chỉ có “đi mà không có về”...
50 năm trôi qua, quê hương sạch bóng quân thù. Giờ đây “ngã ba vĩnh biệt” đã đi vào huyền thoại của những trận đánh mưu trí, táo bạo của lớp du kích trẻ, của các chiến sĩ biệt động Long Khánh. Đêm về, ngã ba Bảo Vinh A sáng rực đèn điện, hàng quán đông đúc, xe cộ nối đuôi nhau xuôi ngược... “Ngã ba vĩnh biệt” - cái tên mà kẻ thù tự đặt như một dấu ấn kinh hoàng của hơn 50 năm trước giờ đã là ngã ba của sự phồn vinh, giàu đẹp...