50 năm bức mật lệnh 'Thần tốc, thần tốc hơn nữa...'
50 năm trước, ngày 7/4/1975, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh ra Mệnh lệnh số 157 lệnh cho các đơn vị: 'Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!'
Mệnh lệnh lịch sử này là sự nhanh nhạy, bản lĩnh, quyết đoán, trí tuệ nắm thời cơ, quyết đánh và quyết thắng của Đảng ta để làm nên mốc son chói lọi vào ngày 30/4/1975, giải phóng miền Nam, giang sơn thu về một mối, cả nước đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Biểu tượng của chiến thắng, vinh quang, của tinh thần yêu nước
50 năm đã trôi qua, nhưng ông Nguyễn Bá Lứu, Lữ đoàn 205, Binh chủng Thông tin Liên lạc vẫn không khỏi bàng hoàng vì trọng trách và vinh dự mà ông được nhận. Gắn bó ở đơn vị suốt 12 năm làm báo vụ viên, ông không thể nhớ đã chuyển bao nhiêu bức điện bằng những âm thanh mã hóa mà bản thân ông cũng không rõ nội dung.
Ông không thể hình dung bức điện ông được giao vào sáng ngày 7/4/1975, lại là một bức điện quyết định lịch sử của dân tộc. Vì tính bảo mật tuyệt đối của việc điện tín, nên chỉ đến sau ngày giải phóng miền Nam 30/4, ông mới biết chính ông là người trực tiếp chuyển đi bức điện nội lực mạnh mẽ này:
“Đơn vị giao cho tôi đánh bức điện đó đi. Chỉ biết là bức điện đó rất quan trọng, phải tập trung chuyển cho miền Nam. Chúng tôi cố gắng phấn đấu các tín hiệu, các thứ phải tròn trĩnh, sáng tạo, bằng tín hiệu moóc. Xác định thông tin phải chính xác kịp thời, nhưng còn nội dung của bức điện nó như thế nào thì về sau chúng tôi mới biết. Tôi rất vinh dự, tự hào. Trong kháng chiến chống Mỹ mọi người đều phải xác định làm tốt thông tin liên lạc, phục vụ cho chỉ huy lãnh đạo, những bức điện phát đi chúng tôi rất cẩn thận và rất thận trọng”, ông Nguyễn Bá Lứu nhớ lại.
Trong những ngày tháng lịch sử đó, các đơn vị và các mặt trận luôn nhận được những quyết định, kế hoạch chiến lược, chiến dịch, những mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam để biến các nghị quyết đúng đắn của Đảng thành sức mạnh chiến đấu và chiến thắng trên các chiến trường. Tất cả được mã hóa, đảm bảo bí mật, được thông tin thông suốt nhanh, gọn, chính xác, kịp thời, đã góp phần đảm bảo thống nhất về mặt chỉ huy và hiệp đồng tác chiến cho tất cả các lượng tham gia chiến dịch.
Bảo đảm thông tin phục vụ cho chỉ đạo và chiến đấu được ví như mạch máu quan trọng, thiết yếu, Đại tá, TS Nguyễn Quốc Thanh, Chủ nhiệm Khoa Chiến dịch, Học viện Quốc phòng cho biết: "Ta đã hình thành một hệ thống gồm mạng thông tin chiến lược và chiến dịch. Huy động một lực lượng lớn thông tin chưa từng thấy, từ thông tin hữu tuyến điện cho đến vô tuyến điện, đến thông tin vận động, bảo đảm cho sự chỉ đạo chiến lược, chỉ huy chiến dịch thông suốt nhanh chóng từ đầu đến cuộc tổng tiến công và đến kết thúc cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Đặc biệt là đường dây thông tin hữu tuyến kéo dài đến tận Lộc Ninh. Từ Hà Nội có thể chỉ đạo trực tiếp tới nhiều chiến trường, truyền lệnh đến các cánh quân trên các hướng trong quá trình cơ động chiến đấu”.
Mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!” tức khắc được chuyển đến đến đảng viên, chiến sĩ” ngay trong sáng 7/4, là “kim chỉ nam” là lời hịch, tiếp sức mạnh cho các tướng sỹ để các cánh quân tiến thẳng vào sào huyệt của kẻ thù giải phóng miền Nam trước mùa mưa. Theo mệnh lệnh thần tốc, các đơn vị từ thần tốc công tác chuẩn bị, vừa đi vừa chuẩn bị, vừa đánh vừa chuẩn bị, thần tốc hành quân, cho tới thần tốc tác chiến. Các quân đoàn lập tức hành quân trên nhiều hướng để tập trung lực lượng, cơ động tiếp cận với Sài Gòn với thế trận bao vây tạo nên một thế hiểm và mạnh, để sẵn sàng cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Trong ký ức của Thượng tướng, Viện sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Quân đoàn 1 đang đứng chân ở Ninh Bình, chỉ 12 ngày đêm hành quân thần tốc, hơn 30.000 người đã vượt chặng đường hơn 1.700km để tập kết ở Đồng Xoài, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tác chiến.
“Lúc đó đất bazan mùa khô bụi mù có thể nói lúc đó tất cả cán bộ, chiến sỹ phủ kín như tuyết, chỉ còn cái mắt, cái miệng thôi. Anh em rất mệt nhọc, nhưng khi nhận được mệnh lệnh này của đại tướng phổ biến đến anh em, thì tinh thần anh em thay đổi, quên hết mọi mệt nhọc và tiếp tục cuộc hành quân ngày đêm, để vượt qua 1.700 km vào đúng điểm tập kết theo mệnh lệnh của chiến dịch”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết.
Bức điện “Thần tốc” ra đời vào mùa Xuân năm 1975. Sau đòn sấm sét bất ngờ Buôn Ma Thuột dẫn đến cả Tây Nguyên thất thủ, tiếp đến toàn bộ lực lượng Quân khu 1 và một phần Quân khu 2 của địch ở đồng bằng Trung bộ từ Huế đến Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết tan rã và đổ vỡ, Đảng ta liên tiếp bổ sung những chỉ đạo chiến lược với quyết tâm giành thắng lợi lớn nhất trong thời gian nhanh nhất. Những chuyển biến ở chiến trường nhanh đến mức nhiều tấm bản đồ vẽ không kịp bước đoàn quân đi. Khí thế cách mạng đã phát triển với nhịp độ một ngày bằng 20 năm.
Mặc dù cuối năm 1974, Bộ Chính trị quyết định phương án giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976, nhưng trước tốc độ thần tốc của chiến trường, Bộ Chính trị đã nhanh chóng quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trước mùa mưa năm 1975. Ra đời trong khí thế đó, bức "mật lệnh Thần tốc", chớp thời cơ, rất kịp thời.
GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định nếu như mùa xuân năm 1975 chúng ta không giải phóng miền Nam có thể cuộc chiến sẽ còn kéo dài chưa biết khi nào kết thúc.
“Điều phi thường nhất là phải thể hiện ý chí, quyết tâm để vung lên một sức mạnh tối đa đè bẹp đối phương trong một thời gian tương đối ngắn. Bởi vì xét trong bối cảnh thế giới và lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ, thời cơ đến cho chúng ta kết thúc hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước chỉ đến 1 lần và đến trong một thời gian ngắn”, GS.TS Phạm Hồng Tung phân tích.
Bức điện “Thần tốc, thần tốc hơn nữa!” là một biểu tượng của sự quyết tâm và tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đây vừa là một chỉ thị quân sự, vừa là một thông điệp mạnh mẽ về sự nhanh chóng, kiên định và không khoan nhượng trong chiến tranh. Chính sự thần tốc này đã giúp quân ta nhanh chóng tiến vào Sài Gòn kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài hơn 30 năm, giành chiến thắng vẻ vang đưa đất nước bước sang trang sử mới.