50 công trình tiêu biểu ở TP.HCM được vinh danh
50 công trình tiêu biểu ở TP.HCM vừa được vinh danh phải đáp ứng nhiều tiêu chí như: Công trình xây dựng gắn liền với hình ảnh TP.HCM được trao tặng các giải thưởng uy tín trong nước và thế giới, có sự tham gia, đóng góp, cống hiến của nhiều tầng lớp nhân dân, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học...
Ngày 26-4, Thành ủy TP.HCM tổ chức lễ công bố, vinh danh và giao lưu 50 công trình, cụm công trình xây dựng tiêu biểu của TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ HĐND TP.HCM trao hoa và biểu trưng cho đại diện cho các chủ đầu tư xây dựng công trình tiêu biểu. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Trải qua ba đợt xét chọn kỹ lưỡng từ Hội đồng Bình chọn cấp TP, 50 công trình, cụm công trình được vinh danh ở các nhóm với số lượng cụ thể: Công trình, cụm công trình dân dụng – công nghiệp (năm); công trình, cụm công trình văn hóa - giáo dục (17); công trình,cụm công trình hạ tầng - giao thông (15); công trình, cụm công trình nhà ở - khu đô thị (năm).
Xây dựng nhiều công trình y tế hiện đại
Chương trình đã diễn ra buổi giao lưu các đại diện của năm nhóm công trình, cụm công trình xây dựng tiêu biểu của TP.

Giao lưu các đại diện của năm nhóm công trình, cụm công trình xây dựng tiêu biểu của TP. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Với công trình tiêu biểu bệnh viện Nhi Đồng TP, ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp chia sẻ, bệnh viện Nhi Đồng TP được đặt trong cụm 54 ha cụm y tế Tân Kiên, vị trí giao giữa Quốc lộ 1, Đại lộ Đông Tây, đường Vành Đai 2, cao tốc TP.HCM- Trung Lương.
Điều này cho thấy bệnh viện chăm sóc sức khỏe không chỉ riêng cho người dân TP.HCM mà còn tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe cho các cháu thiếu nhi ở các tỉnh như Long An, Tây Ninh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay với diện tích rộng tạo sự thông thoáng cho các bệnh nhi đến thăm khám. Ngoài ra bệnh viện còn trồng cây xanh, hoa và trang trí nhiều hình ảnh khiến các cháu thiếu nhi cảm thấy thân thiện, gần gũi.
"Bệnh viện được đầu tư cơ sở kỹ thuật hiện đại tương xứng với các bệnh viện trên thế giới, đặc biệt là khoa "y học nhanh" với chức năng chăm sóc điều trị ung thư chuyên biệt cho nhi, đây là một trong những điểm đặc biệt của bệnh viện.
Trong quá trình thiết kế chủ đầu tư và các đơn vị tham gia đặt hết tâm trí, sức lực từng chi tiết để thực hiện. Trong quá trình thiết kế chúng tôi quan tâm đến từng cầu thang, hành lang, lối đi, nhà vệ sinh để phục vụ cho trẻ em...", ông Lê Văn Dũng nói.
Tại buổi giao lưu, TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP (Cơ sở 2) cho biết bệnh viện với quy mô 1.000 giường theo tiêu chuẩn quốc tế. Cơ sở này được khởi công vào năm 2016. Đến năm 2020, khu khám bệnh đi vào hoạt động nhằm giải quyết tình trạng quá tải tại cơ sở 1. Bệnh viện với hệ thống thiết bị và phòng xét nghiệm hiện đại.

Bệnh viện Ung Bướu TP (Cơ sở 2). Ảnh: THẢO PHƯƠNG
"Có thể nói đây là công trình mơ ước của anh em bệnh viện và ngành y tế. Bệnh viện với không gian xanh và có thiết kế sân tập thể dục thể thao cho người đi khám bệnh. Có sân chơi cho bệnh nhi, căn tin rộng rãi. Công trình này có thêm sân bay trực thăng, hy vọng sau này giúp cấp cứu hàng không phía Nam. Công trình này kết nối hệ thống metro, bến xe miền Đông nên thuận cho quá trình di chuyển của người dân" - TS.BS Diệp Bảo Tuấn đánh giá.
Kiểm soát chất lượng chặt chẽ từng công trình
Ông Lê Khắc Hồng, Trưởng Ban quản lý dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cho biết công trình vừa được khánh thành vào ngày 19-4.
Điểm nhấn nhà ga này là ứng dụng công nghệ sinh trắc học toàn trình và cho phép hành khách đặt vé, làm thủ tục check-in và lên máy bay bằng nhận diện khuôn mặt thông qua ứng dụng VNeID.

Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: NGUYỆT NHI
"Dù có sân bay Long Thành hay không thì sân bay Tân Sơn Nhất phải đạt năng suất phục vụ 50 triệu khách/năm, vừa rồi cơ bản hoàn thành thành công suất 50 triệu khách/năm"- ông Lê Khắc Hồng nói.
Tại buổi giao lưu ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh chia sẻ về công trình cầu Ba Son. Ông đánh giá cầu là công trình trọng điểm kết nối trực tiếp các khu về khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cầu Ba Son, khi triển khai thực hiện dự án đã kiểm soát chất lượng chặt chẽ.

Công trình cầu Ba Son. Ảnh: ĐÀO TRANG
Ông Nguyễn Đình Thọ, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đánh giá công trình tiêu biểu khu đô thị Phú Mỹ Hưng được triển khai từ năm 1993. Khi quy hoạch phải kết nối đồng bộ hạ tầng khu vực, tránh manh mún nhỏ lẻ, ảnh hưởng cộng đồng cư dân và quản lý xã hội.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP trao hoa và biểu trưng cho đại diện cho các chủ đầu tư xây dựng công trình tiêu biểu. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
"Ngay từ khi thực hiện công trình, chúng tôi cùng các đơn vị tư vấn lập quy hoạch làm rõ không gian sống, tiện ích sống. Với 50% diện tích là cây xanh, mặt nước phục vụ dân cư, môi trường trong lành, gần thiên nhiên. Khi lập quy hoạch chúng tôi cũng phân khu chức năng rõ và nối kết đồng bộ giữa nơi ở, y tế, giáo dục, thương mại, tài chính…"- Ông Nguyễn Đình Thọ nói.
Bốn tiêu chí làm căn cứ thực hiện bình chọn
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thông tin có bốn tiêu chí để làm căn cứ thực hiện bình chọn 50 công trình xây dựng tiêu biểu của thành phố. Thứ nhất, công trình xây dựng có quy mô nhóm B trở lên, không phân biệt phương thức đầu tư, đã hoàn thành hoặc đã khởi công xây dựng trong 50 năm qua, không gặp vướng mắc phải dừng thi công, không thuộc đối tượng được các cơ quan có thẩm quyền kết luận có sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện;
Thứ hai, công trình xây dựng được xác định đầu tư tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố qua các thời kỳ;
Thứ ba, công trình xây dựng gắn liền với hình ảnh TP.HCM được trao tặng các giải thưởng uy tín trong nước và thế giới, có sự tham gia, đóng góp, cống hiến của nhiều tầng lớp nhân dân, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu...
Thứ tư, công trình xây dựng có tính chất liên kết vùng, tạo động lực lớn cho phát triển TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.