5 tháng thần tốc, Khánh Hòa hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát
Sau 5 tháng triển khai thần tốc, Khánh Hòa đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 1.300 hộ nghèo và cận nghèo. Không chỉ mang lại mái ấm cho hộ nghèo và cận nghèo, chương trình còn khơi dậy tinh thần sẻ chia, tạo động lực cho họ vươn lên trong cuộc sống, đúng dịp lễ lớn của đất nước.
Ở tổ 7, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang, ông Nguyễn Thanh Hiên, một tài xế thu nhập bấp bênh vẫn chưa quên những tháng ngày cha con ông sống trong căn nhà dột nát, nước mưa lênh láng, nắng thì nóng hầm hập, bão đến lại cuống cuồng chạy lánh nạn. Bây giờ, điều đó đối với ông Hiên đã trở thành quá khứ.
“Xây mới căn nhà hết 400 triệu, Nhà nước hỗ trợ 75 triệu, vốn đối ứng trong nhà không bao nhiêu. Huy động chung tay của anh em, bạn, bè, con cháu. Bây giờ, nhà đã hoàn thành, ở rất thích, đúng là căn nhà mơ ước”, ông Nguyễn Thanh Hiên chia sẻ.

Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể giám sát quá trình thi công nhà cho các hộ dân
Rất nhiều câu chuyện như gia đình ông Hiên trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Khánh Hòa. Với hộ nghèo, hộ đơn thân hay gia đình neo người, việc có được một căn nhà vững chãi là giấc mơ tưởng chừng xa vời. Bà Lê Thị Dũng, tổ 2 Trường Sơn, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang xúc động kể, nhiều năm, gia đình phải sống trong căn nhà tạm chênh vênh vách núi, đối mặt sạt lở mỗi khi mưa, gió: “Trước đây, mưa gió phải xuống trường học ở tạm để khỏi sạt lở. Tỉnh hỗ trợ và nhiều người cho 15 triệu, tổng cộng 75 triệu. Xây hết hơn 150 triệu, bây giờ tôi còn nợ và sẽ làm trả dần. Đã có cái nhà ở là được, vui lắm”.
Đối với nhiều người nghèo, cận nghèo ở tỉnh Khánh Hòa, một mái ấm vững vàng không chỉ là nơi che mưa, chắn gió mà còn là điểm tựa để ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, nuôi dạy con cái. Đây cũng là điều mà chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát hướng tới không chỉ là “xóa”, mà là “xây” niềm tin, hy vọng.

Chương trình xóa nhà tạm được triển khai quyết liệt, đồng loạt tại nhiều địa phương
Tại huyện miền núi Khánh Sơn, nơi đồng bào dân tộc Raglai chiếm đến 70% dân số, chương trình được triển khai sáng tạo, linh hoạt. Dù gặp khó khăn về đất ở, nhân công và vốn đối ứng của người dân, nhưng huyện đã chủ động huy động mọi nguồn lực chung tay giúp đỡ. Huyện cũng áp dụng tốt phương châm: “Người có công góp công, người có của góp của, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều”, tạo ra sự lan tỏa sâu rộng. Tinh thần đổi mới, sáng tạo trong cách làm đã giúp huyện miền núi Khánh Sơn vượt khó, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả chương trình. Hai hình thức thi công được áp dụng song song: hộ dân tự làm hoặc giao địa phương tổ chức xây dựng.
Ông Bùi Hoài Nam, Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Đến nay, đã hoàn thành sửa chữa, xây mới gần 400 căn nhà. Cả 2 phương thức này đều có sự giám sát của UBND huyện, làm sao để đúng tiến độ, đúng chất lượng. Vận động các cơ sở cung cấp nguyên vật liệu đồng tình, ủng hộ chủ trương lớn của các xã, thị trấn. Các địa phương thành lập các đội xung kích hỗ trợ các hộ dân như vận chuyển nguyên vật liệu, phát dọn cảnh quan, nhân công. Qua đó, đảm bảo tiến độ cho bà con ổn định, an cư”, ông Bùi Hoài Nam nói.

Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ dân đủ điều kiện
Không chỉ địa phương năng động, mà toàn tỉnh cũng đã vào cuộc đồng bộ. Sau lễ phát động từ cuối năm 2024, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập, do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Tất cả 100% huyện, xã, phường đều có Ban Chỉ đạo cơ sở, tổ chức triển khai quyết liệt. Các sở ngành cũng phối hợp rà soát, hồ sơ hóa danh sách hộ cần hỗ trợ, công khai tại trụ sở UBND xã, đến việc huy động nguồn lực xã hội hóa. Qua rà soát, toàn tỉnh còn hơn 1.300 hộ ở nhà tạm, nhà dột nát đủ điều kiện hỗ trợ, trong đó 450 căn xây mới, 850 căn sửa chữa. Mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là 60 triệu đồng/căn xây mới, 30 triệu đồng/căn sửa chữa.
Trong năm 2024, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã vận động được hơn 72 tỷ đồng. Sau Tết Nguyên đán 2025, tỉnh Khánh Hòa khẩn trương xây mới số căn còn lại. Tới nay, toàn bộ chương trình đã hoàn tất. Tổng kinh phí thực hiện hơn 65,3 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đóng góp hơn 53,6 tỷ đồng, phần còn lại là đối ứng của hộ dân. Mỗi căn nhà được xây dựng đạt chuẩn “3 cứng” - nền cứng, khung cứng, mái cứng - diện tích tối thiểu 30m², tuổi thọ hơn 20 năm, đảm bảo an toàn, phù hợp với điều kiện sinh hoạt cơ bản.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (trái), ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (phải) chúc mừng người dân thị xã Ninh Hòa về nhà mới
Kết quả ấy cũng cho thấy cách làm quyết liệt, bài bản từ khâu rà soát đến triển khai, giám sát chất lượng. Những đội xung kích, những cán bộ bám cơ sở và cả cộng đồng cùng góp công, góp của đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy chương trình về đích sớm hơn so với yêu cầu của Chính phủ.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Người già có mái ấm thoáng đẹp, trẻ em yên tâm học tập, người lao động có động lực sản xuất. Từ nền tảng ấy, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều chương trình hỗ trợ dân sinh, trong đó xóa nhà tạm chỉ là khởi đầu cho một quá trình an cư, lập nghiệp bền vững.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau, chúng ta kiên quyết có những chương trình để tiếp tục triển khai. Các địa phương thống kê các gia đình có nhà tạm, nhà dột nát nhưng vừa qua chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Sắp đến, có những cách thức để đa dạng hóa nguồn lực, triển khai xóa nhà tạm trong thời gian tới. Quan trọng nhất là tập trung phát triển kinh tế, tạo sinh kế ổn định, có công việc, bền vững cho người dân, đó mới là quan trọng”, ông Nghiêm Xuân Thành nói.