5 sai lầm nghiêm trọng có thể khiến bạn 'tiền mất tật mang' khi mua xe lần đầu

Khoảnh khắc cầm chìa khóa, khởi động xe và tự mình cầm lái chiếc ô tô đầu tiên luôn là một trải nghiệm đáng nhớ. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, bạn cũng có thể đối mặt với nhiều rủi ro và những bài học đắt giá.

Sở hữu chiếc ô tô đầu tiên là một cột mốc quan trọng đối với nhiều người. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực sự hài lòng với lựa chọn ban đầu. Thậm chí, không ít người cảm thấy thất vọng và phải bán xe lỗ chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.

Sở hữu chiếc xe đầu tiên luôn rất đáng nhớ với chủ nhân. Ảnh: Thế Bằng

Sở hữu chiếc xe đầu tiên luôn rất đáng nhớ với chủ nhân. Ảnh: Thế Bằng

Trao đổi với VietNamNet, anh Dương Trung Kiên – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ô tô Kiên Phong, người có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực mua bán ô tô – cho rằng những người mua xe lần đầu thường thiếu kinh nghiệm, dễ chọn nhầm xe không phù hợp với nhu cầu thực tế. Chẳng hạn, nhiều người ham thích SUV cỡ lớn dù chủ yếu di chuyển trong đô thị chật hẹp, gây bất tiện khi sử dụng.

Bên cạnh đó, không ít người chi mua xe vượt ngân sách mà chưa lường trước các chi phí phát sinh như nhiên liệu, bảo hiểm, bảo dưỡng và bãi đỗ xe…, dẫn đến áp lực tài chính. Một sai lầm phổ biến khác là quyết định vội vàng mà không lái thử xe, khiến họ hụt hẫng khi nhận ra chiếc xe không như kỳ vọng.

“Mỗi người có điều kiện tài chính, sở thích, mục đích sử dụng và mức độ hiểu biết khác nhau về các dòng xe. Vì vậy, không thể lấy tiêu chí của người này để áp dụng cho người khác. Quan trọng nhất, người mua xe lần đầu cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ và lập kế hoạch tài chính hợp lý để đưa ra quyết định đúng đắn,” anh Kiên chia sẻ.

Những người mua xe lần đầu thường thiếu kinh nghiệm lựa chọn cũng như sử dụng xe. Ảnh: Hoàng Hiệp

Những người mua xe lần đầu thường thiếu kinh nghiệm lựa chọn cũng như sử dụng xe. Ảnh: Hoàng Hiệp

Với kinh nghiệm của mình, anh Kiên chỉ ra 5 lỗi phổ biến mà người mua xe lần đầu thường gặp và cách tránh để có lựa chọn phù hợp nhất:

1. Chọn xe không phù hợp với nhu cầu sử dụng

Nhiều người mua xe theo sở thích hoặc chạy theo xu hướng mà không đánh giá đúng nhu cầu thực tế. Ví dụ, một gia đình ít người sống ở khu vực chật hẹp, khó khăn về chỗ đỗ xe lại chọn chiếc SUV cồng kềnh thay vì một mẫu xe nhỏ gọn, tiết kiệm nhiên liệu.

Cách phòng tránh: Hãy xác định rõ mục đích sử dụng: đi lại trong thành phố, phục vụ gia đình hay kinh doanh? Nếu chủ yếu chạy phố, ít đi ngoại tỉnh thì một chiếc sedan hoặc hatchback là lựa chọn hợp lý. Nếu cần không gian rộng rãi cho gia đình, SUV hoặc MPV sẽ phù hợp hơn.

2. Không tính toán kỹ chi phí sử dụng, dính vào "bẫy" tài chính

Những người chưa từng sở hữu ô tô sẽ khó có thể tính toán hết các chi phí "nuôi" xe hàng tháng. Ngoài tiền mua ban đầu, chủ xe còn phải cho thêm tiền nhiên liệu, bảo dưỡng, bảo hiểm, phí đường bộ, bãi đỗ xe và thậm chí là tiền nộp phạt nếu không may vi phạm giao thông. Điều này khiến người dùng dễ dính vào "bẫy" tài chính, chiếc xe trở thành gánh nặng cho bản thân và gia đình.

Cách phòng tránh: Trước khi mua xe, hãy lập danh sách các khoản chi phí định kỳ và ước tính tổng số tiền phải chi mỗi tháng. Chọn xe có mức tiêu hao nhiên liệu thấp và chi phí bảo dưỡng hợp lý để tránh áp lực tài chính về sau.

3. Chỉ quan tâm đến xe mới, bỏ qua xe cũ

Nhiều người cố gắng tậu một chiếc xe mới cho lần mua xe đầu tiên vì nghĩ rằng xe cũ dễ hỏng hóc, không đáng tin cậy. Nhưng thực tế, một chiếc xe đã qua sử dụng nhưng được chủ nhân chăm chút, bảo dưỡng định kỳ vẫn là lựa chọn tốt để sử dụng lâu dài. Đồng thời, mua xe cũ có thể tiết kiệm được kha khá tiền, do vậy đây cũng là một lựa chọn cho những người có tài chính không quá dư dả.

Cách phòng tránh: Nếu ngân sách hạn chế, hãy cân nhắc xe cũ từ các địa chỉ uy tín. Nên nhờ người có chuyên môn kiểm tra kỹ tình trạng xe và đàm phán để có mức giá hợp lý.

So với ô tô mới, việc mua xe cũ giúp tiết kiệm chi phí đáng kể nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Ảnh: Hoàng Hiệp

So với ô tô mới, việc mua xe cũ giúp tiết kiệm chi phí đáng kể nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Ảnh: Hoàng Hiệp

4. Mua phải xe lỗi, xe gặp vấn đề về pháp lý

Một trong những rủi ro lớn nhất khi mua ô tô, đặc biệt đối với xe cũ là mua phải xe lỗi hoặc xe có vấn đề pháp lý. Thực tế, một số xe bị lỗi sản phẩm, từng bị tai nạn, ngập nước, tua ngược số km hoặc xe nhập lậu, thế chấp ngân hàng,... nhưng vẫn được rao bán với giá hấp dẫn. Nếu không kiểm tra kỹ, người mua dễ rơi vào "bẫy" và phải tốn kém sửa chữa về sau, đồng thời kéo theo rắc rối pháp lý không đáng có.

Cách phòng tránh: Luôn kiểm tra, lái thử trước khi quyết định mua để đánh giá cảm giác lái, độ êm ái, tầm quan sát và các tính năng an toàn. Đồng thời kiểm tra đầy đủ lịch sử xe qua giấy đăng ký, số khung số máy, tra cứu phạt nguội,... Có thể sử dụng các dịch vụ "check xe" ở hãng hoặc những địa chỉ uy tín để nắm được tình trạng kỹ thuật và pháp lý của xe.

5. Chọn sai thời điểm mua xe

Dù là xe mới hay xe cũ, thời điểm mua ảnh hưởng rất nhiều đến giá cả. Nhiều người mua xe vào lúc thị trường đang nóng (như thời điểm cận Tết), sẽ phải chấp nhận mua với giá cao, ít khuyến mại và thậm chí phải "kèm lạc" để có xe dùng ngay.

Cách phòng tránh: Theo dõi thị trường, mua xe vào thời điểm có khuyến mãi mạnh hoặc thấp điểm (lúc được hỗ trợ lệ phí trước bạ, tháng Ngâu, khi hãng cần xả kho xe đời cũ,...). Đừng ngại thương lượng để có giá tốt hơn hoặc nhận thêm ưu đãi như bảo hiểm, phụ kiện miễn phí.

Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận hoặc chia sẻ về Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Hoàng Hiệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/5-sai-lam-nghiem-trong-co-the-khien-ban-tien-mat-tat-mang-khi-mua-xe-lan-dau-2385990.html
Zalo