5 năm chỉ có thêm 13 GS,PGS, Chủ tịch HĐGS ngành Luyện kim đề xuất mở rộng ngành
Ngành Luyện kim là ngành truyền thống, có ít cơ sở đào tạo nên số lượng ứng viên tham gia xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư rất hạn chế.
Thời gian qua, công tác xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư đang nhận được nhiều sự quan tâm của giới học thuật và dư luận xã hội.
Trong những năm gần đây, số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận giữa các ngành/lĩnh vực có sự chênh lệch rất lớn. Năm 2023, trong khi có ngành có gần 100 giáo sư, phó giáo sư thì có những ngành số lượng chỉ từ 2 – 3 người. Thậm chí một số ngành còn “trắng” giáo sư.
Bên cạnh các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì các ngành Dược học, Cơ học, Luyện kim, Thủy lợi cũng có rất ít giáo sư, phó giáo sư được công nhận.
Đối với ngành Luyện kim, năm 2023 có 1 giáo sư, 2 phó giáo sư. Trong khi cả hai năm trước đó đều “trắng” giáo sư (năm 2021 có 3 phó giáo sư, năm 2022 có 1 phó giáo sư).
Xoay quanh vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải – Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Luyện kim cho biết, các tiêu chí và yêu cầu trong công tác xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư với ngành Luyện kim không quá khó khăn.
Tuy nhiên, lý do số lượng giáo sư, phó giáo ít bởi vì đây là ngành công nghiệp nặng, một ngành truyền thống, không như một số ngành mới, có xu hướng phát triển nhanh thì số lượng tân giáo sư, phó giáo sư sẽ nhiều hơn.
“Ngành truyền thống như Luyện kim đã nghiên cứu cả thế kỷ nay rồi, vì thế để tìm kiếm được những cái mới, những cái hay không phải là điều dễ dàng.
Đây cũng không phải ngành mũi nhọn, không phát triển nhanh như các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, kinh tế, hóa học, tự động hóa,…
Một nguyên nhân nữa là số lượng những cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Luyện kim nói riêng và lĩnh vực Vật liệu nói chung cũng rất hạn chế.
Nếu riêng đào tạo chuyên về ngành Luyện kim chỉ có ở Đại học Bách khoa Hà Nội (Luyện kim đen, luyện kim màu, luyện kim bột), còn một số ngành công nghiệp vật liệu kim loại như đúc, nhiệt luyện, rèn dập,… thì ở Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn là đào tạo những ngành riêng, còn ở các trường khác đều gộp lại chung là ngành Công nghiệp vật liệu.
Vì thế, nguồn ứng viên đăng ký hồ sơ xét chức danh giáo sư, phó giáo sư là rất ít, và chủ yếu các ứng viên từ Đại học Bách khoa Hà Nội”, Giáo sư Nguyễn Hồng Hải thông tin.
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Luyện kim, trong nhiệm kỳ vừa qua (từ năm 2018 – 2023), ngành Luyện Kim tuy số lượng các giáo sư, phó giáo sư ít nhưng năm nào cũng có. Nguồn ứng viên đa số từ Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trong 5 năm qua, ngành Luyện kim có 13 người được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (trong đó có 2 giáo sư) thì có 11 giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Giáo sư Nguyễn Hồng Hải cho biết, hiện, Hội đồng giáo sư ngành Luyện kim đang có một số đề xuất với Hội đồng giáo sư Nhà nước về việc mở rộng từ ngành Luyện kim sang ngành Luyện kim và Công nghệ vật liệu.
Hiện nay, ngành Luyện kim cũng có nhiều chuyên ngành trong đó. Luyện kim là chuyên nghiên cứu về kim loại, nhưng có thể mở rộng lĩnh vực Khoa học vật liệu, bao gồm kim loại và những vật liệu khác.
Khi đó, tên hội đồng ngành cũng thay đổi theo ngành rộng hơn là Luyện kim và Công nghệ vật liệu, thời gian tới nên mở rộng ngành này, kết hợp luyện kim với những khối vật liệu khác (như nghiên cứu về polime, composite, vật liệu bán dẫn điện tử, gốm, …). Còn nếu chỉ giữ tên ngành Luyện kim thì chỉ bó hẹp nghiên cứu về vật liệu kim loại.
Mở rộng từ ngành luyện kim sang Luyện kim và Công nghệ vật liệu, khi đó mới tập trung và thu hút được được số lượng ứng viên nhiều hơn.
“Một vấn đề nữa là hiện nay, với lĩnh vực Công nghệ vật liệu, có một số chuyên ngành lại nằm ở những Hội đồng khác nhau, nghĩa là các hội đồng khác nhau lại có cùng 1 chuyên ngành.
Hội đồng giáo sư nhà nước hiện cũng có chủ trương là mỗi một chuyên ngành ở trong một hội đồng, không để một chuyên ngành trong nhiều hội đồng khác nhau, vì vậy, cần thiết đưa các chuyên ngành khoa học vật liệu về Hội đồng Luyện kim và Công nghệ vật liệu, như vậy sẽ mang tính tập trung hơn”, Giáo sư Hải đề xuất
Về tiêu chuẩn, tiêu chí xét chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Giáo sư Nguyễn Hồng Hải cho rằng, đây là những ngành đặc thù nên có thể áp dụng tiêu chí khác với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Ví dụ, theo yêu cầu chung hiện nay, ứng viên giáo sư cần có tối thiểu 5 bài báo khoa học quốc tế uy tín, ứng viên phó giáo sư cần 3 bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín, thì nên giảm tiêu chí này với các ngành đặc thù của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Về số lượng giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư tăng giảm thất thường và không tăng đáng kể qua các năm, Giáo sư Nguyễn Hồng Hải cho rằng, không nhất thiết phải đặt vấn đề về số lượng giáo sư, phó giáo sư hằng năm mà phải chú ý nhiều hơn về chất lượng đội ngũ.
Những năm gần đây đang nổi lên vấn đề về liêm chính khoa học, vì vậy, cần đưa ra quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo liêm chính trong nghiên cứu, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư.