5 lý do khiến người già hay gặp táo bón

Táo bón là một rối loạn tiêu hóa khá phổ biến, hay gặp ở người cao tuổi, ước tính khoảng 28% số người từ 60 tuổi trở lên bị mắc. Tình trạng táo bón sẽ gây khó khăn trong sinh hoạt, dẫn đến chán ăn, sút cân, ảnh hưởng tới sức khỏe của người cao tuổi.

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, người cao tuổi có nguy cơ mắc táo bón cao gấp 5 lần so với các lứa tuổi khác. Đây là độ tuổi nhạy cảm và dễ gặp các vấn đề về sức khỏe.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn có thể dẫn đến táo bón ở người già. Trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là:

- Do người cao tuổi ít vận động

Người cao tuổi thường ít vận động hơn bởi các chức năng trong cơ thể bị suy giảm. Đặc biệt đây là độ tuổi rất hay gặp các bệnh lý về xương khớp như loãng xương, đau nhức xương khớp, chân tay yếu… nên sẽ cản trở quá trình hoạt động.

Việc ít vận động sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn, giảm nhu động ruột và mất đi cảm giác buồn đi đại tiện. Vì vậy, sẽ làm giảm khả năng tiêu hóa của cơ thể, dẫn đến tình trạng táo bón ở người cao tuổi.

- Do chế độ dinh dưỡng không hợp lý

Chế độ dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng táo bón ở người lớn tuổi.

Uống quá ít nước do các bệnh lý liên quan đến hệ tiết niệu cũng là một trong những nguyên nhân rất hay gặp ở người già. Việc uống ít nước sẽ làm cho phân khô và cứng, khó đào thải ra ngoài.

Chế độ ăn ít chất xơ, ít ăn rau củ quả, ăn nhiều dầu mỡ hay ăn quá nhiều chất bổ, chất đạm sẽ khiến hệ tiêu hóa của những người lớn tuổi khó chuyển hóa và hấp thụ hết.

- Do người cao tuổi suy giảm các chức năng trong cơ thể

Quá trình lão hóa bắt đầu xuất hiện từ năm 30 tuổi và sẽ diễn ra liên tục. Theo thời gian các cơ quan đều suy giảm chức năng, cường độ hoạt động. Điều đó sẽ dẫn đến các tình trạng rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.

Ở người già khi hệ tiêu hóa kém hoạt động sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn. Dạ dày giảm co bóp và lượng enzym tiết ra ít hơn khiến thức ăn được tiêu hóa chậm. Bên cạnh đó nhu động ruột giảm khiến thời gian lưu thức ăn ở trong ruột tăng lên, từ đó rất dễ xuất hiện tình trạng táo bón.

Táo bón là một rối loạn tiêu hóa khá phổ biến, hay gặp ở người cao tuổi.

Táo bón là một rối loạn tiêu hóa khá phổ biến, hay gặp ở người cao tuổi.

- Do thiếu ngủ, căng thẳng, mệt mỏi

Thiếu ngủ là một tình trạng rất hay gặp ở người lớn tuổi, từ đó dẫn đến căng thẳng thần kinh, lo lắng (stress) kéo dài. Khi căng thẳng kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh, theo cơ chế hoạt động của cơ thể, khi đó hệ thần kinh sẽ được ưu tiên hơn, làm chậm hoạt động chức năng của hệ tiêu hóa. Ngoài ra, stress lâu ngày làm mất cân bằng hệ vi khuẩn chí đường ruột, từ đó gây ra tình trạng táo bón.

- Do các tác dụng phụ của thuốc

Thông thường người cao tuổi hay mắc các bệnh mạn tính nên phải sử dụng thuốc, việc sử dụng quá nhiều các thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc chống trầm cảm, thuốc chứa tanin như Codein, Ibuprofen… sẽ làm giảm nhu động ruột và chậm khả năng tiêu hóa. Điều này dễ dẫn đến táo bón.

Những dấu hiệu nhận biết táo bón ở người già

Tình trạng táo bón ở người già thường có các biểu hiện sau đây:

Đại tiện dưới 3 lần/tuần;
Giảm sút cân;
Phân rắn, khô cứng, phân dê hoặc khuôn to;
Khó đi đại tiện;
Không có cảm giác buồn đi hoặc phải rặn khi đi vệ sinh;
Có cảm giác đau, khó chịu khi đi đại tiện;
Cảm giác đầy bụng kèm theo đau bụng khó chịu.
Thậm chí một số người đi ngoài có thể kèm theo máu.

Cần làm gì khi người già bị táo bón?

Các giải pháp cải thiện táo bón cho người già hiệu quả bao gồm thay đổi chế độ ăn, tập luyện, nghỉ ngơi và dùng thuốc.

- Cải thiện chế độ ăn uống

Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp tình trạng táo bón ở người già cải thiện rất tốt. Việc điều chỉnh cân bằng lại dinh dưỡng trong các khẩu phần ăn sẽ giúp người cao tuổi dễ tiêu hóa và hấp thu hơn. Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người cao tuổi bị táo bón cần lưu ý:

Nước: 1,5 – 2 lít/ngày.
Chất xơ: 25 – 30 gam/ngày.
Protein: 60 – 70 gam/ngày, trong đó đạm động vật chiếm 30% lượng protein nạp trong cơ thể.
Chất béo: Nên sử dụng cả đạm động vật và thực vật. Tuy nhiên, cần hạn chế không ăn quá nhiều.

- Không nhịn đi đại tiện

Hạn chế tối đa việc nhịn đi đại tiện để hệ tiêu hóa không bị ảnh hưởng và hoạt động bình thường. Điều đó sẽ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn, hạn chế táo bón.

Tập đi đại tiện cố định vào một thời gian nhất định. Như vậy sẽ hình thành thói quen cho đường ruột, giúp đi vệ sinh dễ dàng hơn.

- Chế độ sinh hoạt phù hợp

Người cao tuổi nên lựa chọn những hình thức vận động phù hợp như đi bộ, tập những bài thể dục dưỡng sinh, khiêu vũ… Điều đó rất tốt cho sức khỏe, giúp người già thêm dẻo dai, kích thích hệ tiêu hóa hoạt động.

- Biện pháp dùng thuốc

Dùng thuốc là một trong những giải pháp được rất nhiều bệnh nhân sử dụng. Tuy nhiên, đây sẽ là biện pháp tạm thời và nếu như không sử dụng đúng cách, có thể gây ra những tác dụng không mong muốn. Vì thế hãy tham khảo ý kiến và chỉ định của bác sĩ trước khi sử dụng.

Tóm lại: Táo bón ở người già là một tình trạng rất phổ biến và hay gặp, bởi đây là độ tuổi nhạy cảm của sức khỏe cũng như sự suy giảm hoạt động chức năng trong cơ thể. Để dự phòng táo bón ở người cao tuổi cần tập thói quen đi đại tiện vào đúng một giờ nhất định, tốt nhất là vào buổi sáng.

Cần tạo một chế độ ăn đầy đủ về lượng, đảm bảo nhiều chất xơ như rau xanh, nguồn vitamin từ rau củ quả tươi, uống đủ lượng nước theo nhu cầu.

Vào buổi sáng khi dạ dày rỗng thì nên uống nước ấm để kích thích nhu động ruột. Lượng nước uống có thể nhiều hơn bình thường một chút và không chờ có cảm giác khát mới uống, do ở người cao tuổi cảm giác khát có thể bị suy giảm.

BS Nguyễn Nga

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-ly-do-khien-nguoi-gia-hay-gap-tao-bon-16924082509264627.htm
Zalo