5 lưu ý giúp học sinh ôn tập, làm tốt bài thi Giáo dục kinh tế và pháp luật
Cô Dương Thị Hằng, Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) lưu ý HS học, ôn tập, làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Giờ học tại Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên).
Theo cô Dương Thị Hằng, ở THPT, môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và phát triển sự quan tâm, hứng thú của học sinh đối với các ngành nghề liên quan đến giáo dục chính trị, kinh tế, hành chính và pháp luật.
Đồng thời, môn học cũng cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, ứng dụng về kinh tế và pháp luật, giúp học sinh có cái nhìn toàn diện về xã hội và cuộc sống.
Năm học 2024 -2025 là năm học đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018, bài thi môn Giáo dục kinh tế và pháp luật là một trong những bài thi tự chọn.
Để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới, cô Dương Thị Hằng lưu ý học sinh cần quan tâm những vấn đề sau trong quá trình học, ôn tập và làm bài thi môn học này.
Thứ nhất: Bám sát yêu cầu cần đạt, chương trình, sách giáo khoa của bộ môn. Học sinh cần chủ động học tập, cập nhật những kiến thức cơ bản về kinh tế, pháp luật, quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước để có thể vận dụng vào nội dung bài học và hiểu sâu hơn vấn đề.
Thứ hai: Trong quá trình học và ôn tập, học sinh nên sử dụng sơ đồ tư duy và các từ khóa cơ bản để hệ thống hóa kiến thức. Việc này giúp học sinh hiểu và ghi nhớ kiến thức một cách khoa học, chính xác.
“Trong quá trình dạy học trên lớp tôi luôn hướng dẫn học sinh tóm tắt nội dung từng bài, từng chủ đề theo hướng này đặc biệt ở các tiết ôn tập để học sinh tổng kết lại kiến thức đã học”, cô Dương Thị Hằng chia sẻ.
Thứ ba: Khi làm bài, học sinh cần đọc kỹ đề, đặc biệt là những thông tin đưa ra ở phần câu hỏi; xác định đúng các dữ liệu đề cung cấp, yêu cầu của đề thi và mối liên hệ với kiến thức đã học để đưa ra lựa chọn đáp án đúng. Đây là yếu tố rất quan trọng và cần thiết vì kiến thức pháp luật đòi hỏi từ ngữ có độ chính xác cao.
Thứ tư: Dựa vào đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT đã công bố, học sinh cần nắm được kiến thức cả lớp 10, 11, 12. Trong đó số lượng câu hỏi tập trung ở lớp 12 là 70%, 20% là kiến thức lớp 11, 10% kiến thức lớp 10. Từ đó học sinh phân bố thời lượng ôn tập từng đơn vị kiến thức, từng bài cho phù hợp, hiệu quả.
Thứ năm: Đối với dạng câu hỏi trắc nghiệm đúng - sai, ở môn Giáo dục kinh tế và pháp luật chiếm 40% tổng số điểm của bài thi. Trong quá trình dạy học và kiểm tra học sinh, cô Dương Thị Hằng nhận thấy đây là phần học sinh khó được điểm cao.
Một phần do khả năng phân tích thông tin, vận dụng kiến thức đã học để xử lý thông tin chưa tốt. Hơn nữa trong bốn nhận định ở mỗi câu đúng - sai liên quan đến kiến thức ở nhiều chủ đề với mức độ nhận thức khác nhau nên nếu học không nắm chắc kiến thức sẽ khó đạt điểm tối đa.
Để làm tốt phần này học sinh cần hiểu rõ thông tin, nhận định và vận dụng tốt kiến thức để trả lời.