5 'con bài' mặc cả của Trung Quốc trong thương chiến với Mỹ
Mỹ hiện khó có thể dồn Trung Quốc vào chân tường bởi Bắc Kinh nắm trong tay nhiều 'con bài' mạnh, như mạng lưới thương mại rộng lớn hay ưu thế về đất hiếm.

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang sôi sục. Người tiêu dùng, doanh nghiệp và thị trường đang chuẩn bị cho những bất ổn sắp tới trong bối cảnh nỗi lo về suy thoái toàn cầu gia tăng.
Chính phủ Trung Quốc nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đối thoại, nhưng cảnh báo nếu cần thiết “sẽ chiến đấu đến cùng”. Vậy Bắc Kinh đang nắm những “quân bài” nào trong tay để chống lại đòn thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, BBC đặt câu hỏi?
Khả năng chống chịu
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, do đó họ có thể gánh tác động từ thuế quan tốt hơn nhiều quốc gia khác. Với hơn 1 tỷ dân, Trung Quốc có thị trường nội địa khổng lồ, giúp các bên xuất khẩu giảm một số áp lực vì đòn thuế quan.
Mặc dù đang loay hoay vì người dân chi tiêu chưa đủ mạnh, Trung Quốc đang tung ra hàng loạt ưu đãi, trợ cấp từ các thiết bị gia dụng đến vé cho người về hưu đi du lịch. Do đó, động thái từ Nhà Trắng sẽ tạo thêm động lực cho Trung Quốc mở khóa tiềm năng tiêu dùng.
Đầu tư vào tương lai
Trung Quốc luôn được biết đến là “công xưởng của thế giới”, và họ đã đổ hàng tỷ USD để cải tiến “công xưởng” này. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc chạy đua với Mỹ nhằm giành quyền thống trị công nghệ khi đầu tư mạnh vào công nghệ trong nước, năng lượng tái tạo, chip và AI.
Nổi bật trong số này phải kể đến chatbot DeepSeek - đối thủ đáng gờm của ChatGPT và BYD - đánh bại Tesla với danh hiệu nhà sản xuất xe điện (EV) lớn nhất thế giới. Ngoài ra, Apple cũng đánh mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh như Huawei hay Vivo. Gần đây, Bắc Kinh công bố kế hoạch chi hơn 1.000 tỷ USD hỗ trợ đổi mới trong lĩnh vực AI trong thập niên tới.
Trong khi đó, các công ty Mỹ tìm cách dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, song phải vật lộn tìm kiếm quy mô cơ sở hạ tầng và lao động lành nghề tương tự ở những nơi khác. Chuyên môn về chuỗi cung ứng và sự hỗ trợ từ chính phủ đã biến Trung Quốc thành “kẻ thù” đáng gờm trong cuộc chiến thương mại này. Theo một số khía cạnh, Bắc Kinh đã chuẩn bị tâm lý kể từ nhiệm kỳ trước của ông Trump.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn với nhiều quốc gia. Ảnh: China Daily.
Bài học từ Trump 1.0
Kể từ khi ông Trump nhắm vào các tấm pin mặt trời của Trung Quốc vào năm 2018, Bắc Kinh đã đẩy nhanh kế hoạch tương lai vượt ra ngoài trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Nước này bơm hàng tỷ USD vào sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời củng cố quan hệ thương mại với Đông Nam Á, châu Mỹ Latin và châu Phi.
Nông dân Mỹ từng cung cấp 40% lượng đậu nành nhập khẩu cho Trung Quốc. Con số này hiện dao động ở mức 20%. Sau cuộc chiến thương mại gần đây, Bắc Kinh đẩy mạnh trồng đậu nành trong nước và mua khối lượng kỷ lục vụ mùa từ Brazil.
"Chiến thuật của Trung Quốc dùng một mũi tên trúng hai đích: Vừa tước đi một thị trường từng phụ thuộc vào vành đai nông nghiệp Mỹ, vừa thêm uy tín về an ninh lương thực”, Marina Yue Zhang - Phó giáo sư tại Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney - cho biết.
Mỹ không còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc nữa. Vị trí đó giờ thuộc về Đông Nam Á. Trên thực tế, Trung Quốc là đối tác lớn nhất của 60 quốc gia vào năm 2023, gần gấp đôi so với Mỹ. Là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, Bắc Kinh đạt thặng dư kỷ lục 1.000 tỷ USD vào cuối năm 2024.
Mặc dù Mỹ vẫn là đối tác quan trọng với Trung Quốc, những dữ liệu này cho thấy Washington sẽ không dễ dàng dồn Trung Quốc vào chân tường. Sau thông tin Nhà Trắng dùng đàm phán thương mại song phương để cô lập Trung Quốc, Bắc Kinh cảnh báo các quốc gia không nên “đạt được thỏa thuận bằng cách đánh đổi lợi ích” của nước này. Phần lớn quốc gia không thể đi theo hướng này.
“Chúng tôi không thể lựa chọn, và chúng tôi sẽ không bao giờ lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ”, Bộ trưởng Thương mại Malaysia Tengku Zafrul Aziz nói.
"Điểm yếu" của ông Trump
Ông Trump vẫn kiên định với chính sách thuế quan sau khi cổ phiếu lao dốc. Nhưng tổng thống Mỹ không thể làm ngơ sau đợt bán tháo mạnh trái phiếu chính phủ và buộc phải tạm ngừng chính sách sau 90 ngày. Kể từ đó, ông Trump bày tỏ muốn hạ nhiệt căng thẳng thương mại với Trung Quốc, khẳng định thuế quan với hàng hóa Trung Quốc “sẽ giảm đáng kể, nhưng không thể bằng 0”.

Đất hiếm rất quan trọng trong quy trình sản xuất nhiều lĩnh vực. Ảnh: Reuters.
Do đó, các chuyên gia chỉ ra rằng Bắc Kinh hiểu rõ thị trường trái phiếu có thể làm ông Trump bối rối. Trung Quốc hiện nắm giữ 700 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Một số người cho rằng đây sẽ là đòn bẩy cho Bắc Kinh. Truyền thông Trung Quốc thường xuyên đưa ra ý tưởng bán hoặc mua trái phiếu Mỹ như một “vũ khí”.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Trung Quốc không nên làm vậy, bởi sẽ dẫn đến tổn thất lớn cho các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào thị trường trái phiếu và làm mất ổn định đồng NDT.
Trung Quốc có thể dùng trái phiếu gây áp lực “tới mức độ nào đó”, tiến sĩ Zhang nói. "Trung Quốc nắm giữ con bài mặc cả, không phải là vũ khí tài chính".
Đất hiếm
Tuy nhiên, Trung Quốc có một “vũ khí” rất mạnh: Gần như độc quyền khai thác và tinh chế đất hiếm, một loạt nguyên tố quan trọng trong sản xuất công nghệ tiên tiến. Trung Quốc có trữ lượng lớn các nguyên tố này, như dysprosi dùng trong nam châm xe điện và tua bin gió và Yttrium cung cấp lớp phủ chịu nhiệt cho động cơ phản lực.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc có khoảng 61% sản lượng đất hiếm và 92% sản lượng tinh chế đất hiếm.
Bắc Kinh đã phản ứng với đòn thuế quan mới nhất bằng cách hạn chế xuất khẩu bảy loại đất hiếm, gồm một số sản xuất chip AI. Trước đó năm 2024, Trung Quốc cấm xuất khẩu antimon cần thiết cho nhiều quy trình sản xuất. Giá của loại khoáng sản này đã tăng gấp đôi trong bối cảnh mua sắm hoảng loạn và tìm kiếm bên cung cấp thay thế.
Nhiều chuyên gia lo ngại điều tương tự sẽ xảy ra với thị trường đất hiếm, gây gián đoạn nghiêm trọng cho nhiều ngành công nghiệp, từ xe điện đến quốc phòng.