5 câu chuyện có thể định hình tương lai ngành AI ở triển lãm công nghệ lớn nhất châu Á
Jensen Huang sẽ là nhân vật chính tại Computex - triển lãm công nghệ lớn nhất châu Á. Tuy nhiên, sự chú ý có thể đổ dồn vào Tổng thống Mỹ Donald Trump dù ông không góp mặt tại Computex 2025.
Computex 2025 khai mạc hôm 19.5 tại thành phố Đài Bắc (Đài Loan), như thường lệ sẽ quy tụ các lãnh đạo hàng đầu trong ngành công nghệ như Jensen Huang (Giám đốc điều hành Nvidia), Cristiano Amon (Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch Qualcomm) và Young Liu (Chủ tịch Foxconn).
Diễn ra đến ngày 23.5 với khoảng 1.400 đơn vị tham gia triển lãm, Computex 2025 là sự kiện có sự góp mặt của các hãng lớn về máy tính và chip đầu tiên tại châu Á kể từ khi Tổng thống Trump đe dọa áp thuế đối ứng trên diện rộng hồi tháng 4, khiến nhiều công ty đẩy mạnh sản xuất ở Mỹ.
Nếu Computex 2024 giống một lễ hội AI sau sự bùng nổ của ChatGPT, năm nay lãnh đạo các hãng đang lo lắng về những thay đổi sâu rộng trong thương mại toàn cầu do chính sách bất định của chính quyền Trump. Điều này phá vỡ mô hình sản xuất công nghệ đã tồn tại hàng thập kỷ.
Tất nhiên, Computex 2025 vẫn là nơi giới thiệu nhiều phần cứng cần thiết cho AI, ngoài chip Nvidia thì còn có các dàn máy chủ do Foxconn lắp ráp, linh kiện điện tử từ Delta Electronics, hệ thống làm mát trung tâm dữ liệu của Asia Vital Components…
Song trong khi quảng bá sản phẩm mới trên sân khấu, các công ty này cũng đang phải đối mặt với những câu hỏi lớn liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ.

Computex là triển lãm công nghệ lớn nhất châu Á, được tổ chức hằng năm tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan - Ảnh: Internet
Dưới đây là 5 câu chuyện có thể định hình tương lai ngành AI tại Computex 2025:
1. Vị trí địa lý của việc sản xuất chip đang thay đổi
Ông Trump muốn đưa sản xuất trở lại nước Mỹ. Để làm điều đó, Nhà Trắng đã có được các cam kết lớn về sản xuất chip, đáng chú ý nhất là khoản đầu tư bổ sung 100 tỉ USD từ TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới của Đài Loan).
Khi TSMC mở rộng hoạt động tại bang Arizona với thêm nhiều dây chuyền sản xuất, các bên trong chuỗi cung ứng cũng đang theo chân họ sang Mỹ và đẩy nhanh kế hoạch đó vì thuế quan mới.
Các hãng điện tử lớn nhất châu Á có thể tìm thấy cơ hội mới ở Trung Đông. Trong tuần trước khi diễn ra Computex 2025, một phái đoàn Mỹ do Tổng thống Trump dẫn đầu, gồm cả các tên tuổi lớn như Jensen Huang, Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla, SpaceX) và Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI), đã đến Ả Rập Saudi với những lời hứa hẹn về các thỏa thuận thương mại mới.
Chính quyền Biden từng thiết lập các quy định kiểm soát lan truyền AI nhằm ngăn chặn việc các chip AI Nvidia tiên tiến bị chuyển hướng sang Trung Quốc, nhưng Tổng thống Donald Trump gần đây quyết định hủy bỏ các quy định này.
Cùng với việc nới lỏng các quy tắc xuất khẩu chip Nvidia, chuyến thăm từ ông Trump cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của Trung Đông trong lĩnh vực AI.
2. Lợi ích kinh tế của AI còn là dấu hỏi
Tại Computex 2024, các hãng công nghệ từ Nvidia, AMD đến Qualcomm đã ca ngợi AI tạo sinh như cuộc cách mạng công nghệ, có sức ảnh hưởng lớn ngang với sự ra đời của internet.
Tuy nhiên, người tiêu dùng không phản ứng tích cực như kỳ vọng. Theo hãng phân tích IDC, doanh số smartphone chỉ tăng 2,4% và doanh số máy tính cá nhân (PC) chỉ tăng 1,8% trong quý 4/2024. Những lời hứa từ các công ty như Samsung về việc AI sẽ thay đổi cuộc sống hằng ngày vẫn chưa thành hiện thực. Apple thậm chí vẫn chưa ra mắt đầy đủ các tính năng AI trong Intelligence cho iPhone. Tại Computex 2025, lãnh đạo các công ty sẽ phải trả lời câu hỏi: Khi nào AI thực sự mang lại lợi nhuận?
Họ cũng phải giải quyết lo ngại về "bong bóng AI". Dù các hãng công nghệ lớn của Mỹ vẫn đầu tư mạnh vào AI, Microsoft đã rút lại một số kế hoạch mở rộng quy mô, gồm cả việc hủy bỏ và trì hoãn hợp đồng thuê trung tâm dữ liệu, theo các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư TD Cowen.
Joe Tsai, Chủ tịch gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc), cảnh báo rằng không nên xây trung tâm dữ liệu khổng lồ nếu chưa rõ mục đích.
"Bong bóng AI" là cách nói ẩn dụ để chỉ hiện tượng sự kỳ vọng và đầu tư vào AI đang tăng cao bất thường, vượt xa giá trị thực tế hoặc hiệu quả ứng dụng hiện tại của công nghệ này.
3. CEO Intel nỗ lực tìm khách hàng và đối tác mới
Ông Lip-Bu Tan, Giám đốc điều hành Intel, sẽ không tham dự Computex 2025 với tư cách chính thức vì công ty không tổ chức bài phát biểu theo truyền thống. Tuy nhiên, Lip-Bu Tan có thể là người bận rộn nhất sự kiện này khi gặp gỡ các đối tác và khách hàng để khảo sát thị trường. Gần đây, ông kể rằng mỗi ngày có rất nhiều cuộc họp và ăn tối với đối tác để tìm hiểu thêm.
Ông Lip-Bu Tan đang cân nhắc những thay đổi cho Intel, vốn vẫn là hãng cung cấp chip cho PC và máy chủ hàng đầu thế giới, nhưng đang mất dần thị phần. Ông sẽ phải thuyết phục khách hàng của TSMC rằng các nhà máy sản xuất chip theo hợp đồng thuộc Intel là lựa chọn thay thế đáng tin cậy. Trước đó, chiến lược cải tổ của người tiền nhiệm Pat Gelsinger đã khiến cổ phiếu Intel sụt giảm mạnh vì chưa mang lại kết quả rõ rệt. Giờ đây, Lip-Bu Tan tái khởi động toàn bộ chiến lược của Intel với trọng tâm là hiệu quả.

Ông Lip-Bu Tan đang cố gắng vực dậy Intel sau khi công ty chậm chân trong cuộc đua AI so với Nvidia và TSMC - Ảnh: Getty Images
“Computex vốn là sự kiện tập trung vào PC, nhưng Intel dường như lặng lẽ đứng ngoài. Dù điều đó có thể hiểu được trong bối cảnh hiện tại nhưng sự vắng mặt này vẫn đáng chú ý, nhất là sau khi Intel từng nói rất nhiều về PC AI năm ngoái”, nhà phân tích Bryan Ma của hãng IDC nhận định.
Từng là giám đốc điều hành hãng phần mềm thiết kế chip Cadence Design Systems 12 năm, Lip-Bu Tan có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và thực hiện các thỏa thuận ở ngành bán dẫn. Tại Computex 2025, ông sẽ cố gắng trấn an và tìm đối tác mới trong nỗ lực giúp Intel thu hẹp khoảng cách với Nvidia và TSMC.
4. Sự xuất hiện nổi bật bất thường của Foxconn
Foxconn (Đài Loan) có màn xuất hiện nổi bật bất thường tại Computex 2025. Chủ tịch Young Liu sẽ phát biểu hôm 20.5, có khả năng nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của Foxconn trong lĩnh vực lắp ráp máy chủ AI. Trước đây, Foxconn thường chỉ tham gia triển lãm này thông qua các công ty con như Ingrasys Technology.
Foxconn đang nỗ lực đa dạng hóa doanh thu, không chỉ còn phụ thuộc vào lắp ráp điện thoại và thiết bị điện tử tiêu dùng, mà đã phát triển bộ phận ô tô và hy vọng nhận được đơn hàng lớn cho xe điện. Gần đây, Foxconn đã ký hợp đồng với Mitsubishi Motors để sản xuất ô tô điện tại Đài Loan cho thị trường Úc và New Zealand. Tập đoàn Đài Loan này cũng đặt nhiều kỳ vọng vào mảng robot.
“Tất nhiên là AI kết hợp robot”, ông Young Liu nói về trọng tâm của Computex 2025.
Foxconn hiện là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới và hãng lắp ráp iPhone chính cho Apple.

Ông Young Liu sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Computex 2025 hôm 20.5 - Ảnh: Bloomberg
5. Nvidia sẽ làm gì tiếp theo?
“Đêm đầu tiên ở Đài Bắc của tôi luôn là bữa tối với C.C. Wei”, ông Jensen Huang nói hôm 16.5 khi rời nhà hàng cùng C.C. Wei (Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch TSMC). Tại Đài Loan, ông chủ của Nvidia là nhân vật rất được ngưỡng mộ, với đám đông theo dõi từng bước chân. Các nhà đầu tư đang mong chờ được nghe thêm về chiến lược mở rộng của hãng chip AI số 1 thế giới này.

Ông Jensen Huang giao lưu với giới truyền thông và những người hâm mộ bên ngoài một nhà hàng ở Đài Loan ngày 16.5 - Ảnh: Reuters
Nvidia đã công bố kế hoạch nâng cấp chip AI theo chu kỳ gần như hàng năm. Jensen Huang từng nói nhiều về tiềm năng của AI trong lĩnh vực robot. Gần như cùng thời điểm với Computex 2025, sự kiện Build của Microsoft dành cho các nhà phát triển sẽ diễn ra ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ.
Có nhiều lời đồn đoán rằng Nvidia sẽ hợp tác với Qualcomm để phát triển chip PC dựa trên kiến trúc Arm có khả năng AI mạnh mẽ hơn.
“Tôi lắng nghe và theo dõi bất cứ điều gì Nvidia và MediaTek có thể xác nhận xung quanh giải pháp Windows-on-Arm được đồn đại của họ”, nhà phân tích Bryan Ma nói. Điều này có thể tạo thêm sức ép lên lĩnh vực truyền thống của Intel.
Windows-on-Arm là phiên bản hệ điều hành Windows được thiết kế để chạy trên bộ vi xử lý sử dụng kiến trúc Arm, thay vì kiến trúc x86/x64 truyền thống của Intel và AMD.
Những ngày trước Computex 2025, ông Jensen Huang đã tham gia phái đoàn Mỹ, do Tổng thống Trump dẫn đầu, đến Trung Đông. Tỷ phú 62 tuổi người Mỹ gốc Đài Loan ca ngợi việc ông Trump mở cửa thị trường cho phần cứng của Nvidia. Việc ông Trump hủy bỏ các quy tắc AI thời chính quyền Biden sẽ giúp UAE, Ả Rập Saudi tiếp cận dễ dàng hơn với công nghệ hàng đầu từ Nvidia và mở rộng năng lực AI của họ.
“Nếu dự đoán chính xác nhu cầu trong tương lai, chúng tôi có thể xây dựng công nghệ cần thiết để phục vụ toàn xã hội”, ông Jensen Huang chia sẻ với Bloomberg News hôm 17.5.