5 cách uống nước mía để tránh bị tiểu đường

Nước mía tuy mát và bổ nhưng chứa nhiều đường tự nhiên, dễ gây tăng đường huyết, dưới đây là 5 cách uống nước mía để tránh bị tiểu đường.

Theo Lương y Nguyễn Trung Hái - Phó chủ tịch Hội đồng khoa học Trung ương Hội Đông y Việt Nam, mía vị ngọt, tính bình. Trong Đông y, mía giúp làm mát cơ thể, tiêu trừ nhiệt độc. Những khi cơ thể bị mất nước, do sốt cao hoặc làm việc nặng thì nước mía là lựa chọn hiệu quả.

Mía không chỉ là món ăn quen thuộc mà còn được đông y đánh giá cao tác dụng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Mía giúp thanh nhiệt, giúp giải khát và làm mát cơ thể. Đặc biệt, nước mía được sử dụng để giải độc gan và thận, hỗ trợ loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Với tính ngọt và mát, mía giúp bổ phế, làm dịu cổ họng, giảm ho hiệu quả. Chất xơ trong mía còn giúp ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ hệ tiêu hóa.

Mía giúp làm sạch răng và ngăn ngừa sâu răng nhờ khả năng loại bỏ mảng bám và vi khuẩn. Mía có thể giúp tăng cường bảo vệ men răng khỏi axit. Tuy nhiên, nên đánh răng kỹ lưỡng sau khi ăn mía hoặc uống nước mía.

Uống một ly nước mía sau khi làm việc hoặc tập luyện có thể giúp phục hồi năng lượng hiệu quả. Đường tự nhiên trong mía cung cấp năng lượng nhanh chóng cho cơ thể, giúp giảm mệt mỏi và cải thiện tinh thần.

Mía chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ da khỏi tác hại của gốc tự do, ngăn ngừa lão hóa và duy trì làn da tươi trẻ. Axit glycolic tự nhiên trong mía còn giúp tẩy tế bào chết, làm sáng da và cải thiện kết cấu da.

Uống nước mía đúng cách để tránh nguy cơ tiểu đường (Ảnh minh họa)

Uống nước mía đúng cách để tránh nguy cơ tiểu đường (Ảnh minh họa)

Ngoài những lợi ích trên, Lương y Nguyễn Trung Hái nêu 5 cách uống nước mía để phòng tránh bệnh tiểu đường:

Uống lượng vừa phải

Mỗi lần chỉ nên uống 100 - 150ml, nên uống từng ngụm nhỏ. Đặc biệt người có bệnh nền về đường huyết, tiêu hóa cần giới hạn nghiêm ngặt.

Không thêm đường hay trái cây ngọt

Khi uống nước mía không cho thêm đường. Nếu muốn tăng công dụng và hương vị bạn có thể thêm lát chanh, vài lá bạc hà giúp kích thích tiêu hóa, sát khuẩn nhẹ đường ruột.

Uống vào buổi trưa, không uống khi đói

Nên uống nước mía vào buổi trưa vì lúc này hệ tiêu hóa hoạt động mạnh, cơ thể cần nước.

Không nên uống nước mía vào tối muộn sẽ gây lạnh bụng, khó tiêu, đầy hơi, đặc biệt với người lớn tuổi.

Chọn nơi sạch sẽ, mía tươi, máy ép vệ sinh

Nhiều hàng quán dùng mía để lâu, thiu đầu mía, ép bằng máy gỉ sét… dễ gây rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột.

Sau khi uống nhớ vận động nhẹ

Mía chứa nhiều calo, uống mà không vận động sẽ tăng mỡ máu, gan nhiễm mỡ, tăng đường huyết. Sau uống 1-2 tiếng nên đi bộ, làm việc nhẹ nhàng để tiêu bớt năng lượng cho cơ thể.

Mặc dù mía có nhiều lợi ích, nhưng nên tiêu thụ ở mức độ vừa phải, đặc biệt là những người mắc bệnh tiểu đường hoặc có vấn đề về đường huyết. Bạn nên chọn mía tươi, sạch và đảm bảo vệ sinh để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.

Thanh Tâm

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/5-cach-uong-nuoc-mia-de-tranh-bi-tieu-duong-ar937940.html
Zalo