462 nhà giáo tham dự Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024
Diễn ra từ ngày 4-10/11 tại Quảng Ninh, Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn quốc năm 2024 với chủ đề 'Nhà giáo GDNN gương mẫu- sáng tạo- số hóa- hội nhập' có số lượng nhà giáo tham gia trình giảng lớn nhất từ trước đến nay, cũng như số lượng bài trình giảng thực hành và tích hợp nhiều nhất từ trước đến nay.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 30/10 để thông tin về Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024, bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN- Bộ LĐTB&XH, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc 2024 cho hay, Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc được tổ chức định kỳ 3 năm một lần. Hoạt động này vừa là dịp tôn vinh nhà giáo GDNN, tạo động lực cho nhà giáo GDNN phấn đấu; đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy tốt, đổi mới phương pháp giảng dạy; tạo cơ hội cho nhà giáo học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy.
Ông Trần Minh Thịnh, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo (Tổng cục GDNN- Bộ LĐTB&XH), Phó trưởng Ban thường trực Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc 2024 thông tin, có tới 9 điểm mới tại Hội giảng nhà giáo GDNN 2024.
Theo đó, đây là kỳ Hội giảng có số lượng nhà giáo tham gia trình giảng và số lượng đoàn tham dự lớn nhất từ trước đến nay: 462 nhà giáo đến từ 68 đoàn thuộc 61 địa phương và 7 Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; số lượng bài trình giảng thực hành và tích hợp nhiều nhất từ trước đến nay (416/462 bài, chiếm hơn 90% tổng số bài tham gia Hội giảng). Điều này cho thấy, nhà giáo GDNN không chỉ tài năng về sư phạm mà còn xuất sắc về kỹ năng nghề, phù hợp với đặc thù của GDNN là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; số lượng ngành, nghề trình giảng đa dạng nhất: 462 bài trình giảng thuộc 116 ngành, nghề khác nhau, trong đó có nhiều ngành, nghề có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Cùng với đó, đây cũng là kỳ Hội giảng có nhiều bài trình giảng ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, thiết kế, sử dụng học liệu số nhằm tăng cường tương tác với người học - là minh chứng sống động nhất cho quá trình chuyển đổi số trong GDNN, thể hiện sự nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy của nhà giáo, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong GDNN; có nhiều bài trình giảng liên quan đến ngành, nghề mới, kỹ năng mới; nội dung bài trình giảng chú trọng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
Lần đầu tiên Ban tổ chức ứng dụng công nghệ lựa chọn số ngẫu nhiên để tổ chức bốc thăm chọn bài trình giảng chính thức đồng thời với việc chọn thứ tự bài trình giảng để đảm bảo thuận lợi nhất cho công tác chuẩn bị tham gia Hội giảng của các đoàn. Việc bốc thăm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với sự chứng kiến của đại diện một số bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của đại diện Lãnh đạo 68 đoàn tham gia Hội giảng theo hình thức trực tuyến. Công tác đánh giá bài trình giảng được đặc biệt chú trọng để đảm bảo “Khách quan - Công bằng - Chính xác” từ việc xây dựng phiếu đánh giá bài trình giảng. Điểm đánh giá bài trình giảng được công bố ngay sau khi kết thúc phần bình giảng bài trình giảng của giám khảo.
Đáng lưu ý, các bài trình giảng đạt giải cao tại Hội giảng (Nhất, Nhì, Ba) sẽ được lưu trữ, chia sẻ; hình thành Kho học liệu bài giảng số để nhà giáo tham khảo, sử dụng.
Ông Thịnh chia sẻ thêm, trong số các nội dung ngành, nghề trình giảng năm 2024, có rất nhiều ngành nghề “hot”, là xu hướng của xã hội như nghề điện, cơ điện, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, khối ngành sức khỏe. Đáng chú ý nội dung trình giảng ở khối ngành nghề sức khỏe chiếm số lượng đáng kể. Cùng đó, việc thiết kế nội dung bài giảng của các nhà giáo cũng hướng tới việc “xanh hóa” bài giảng, hướng tới bảo vệ môi trường...
Với những nhà giáo đạt giải, Tổng cục GDNN và các trường nghề sẽ có hình thức tôn vinh, động viên, khuyến khích kịp thời, xét thăng hạng để các nhà giáo yên tâm gắn bó lâu dài với nghề.
Trước đó vào ngày 8/10, tại tỉnh Quảng Ninh, Đoàn công tác của Tổng cục GDNN đã kiểm tra cơ sở vật chất, địa điểm tổ chức Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc 2024. Bà Nguyễn Thị Việt Hương đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, bài bản của địa phương, nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất để Hội giảng diễn ra thành công.
Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc 2024 còn nhằm mục đích thu hút sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội; tạo động lực phát triển GDNN của mỗi Bộ, ngành, địa phương; góp phần củng cố niềm tin của xã hội, đặc biệt là của người học về chất lượng của hệ thống GDNN hiện nay.