46 tổ chức, cá nhân bị phạt vì dùng thiết bị kích sóng di động

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không tự ý trang bị, lắp đặt và sử dụng thiết bị kích sóng di động để tránh gây nhiễu, làm mất kết nối, rớt cuộc gọi hay giảm tốc độ truy cập mạng di động như đã xảy ra tại Hà Nội, TP.HCM.

Thiết bị kích sóng di động của một hộ gia đình bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính. Ảnh: Cục Tần số vô tuyến điện.

Thiết bị kích sóng di động của một hộ gia đình bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính. Ảnh: Cục Tần số vô tuyến điện.

Theo Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2024 cơ quan này đã ban hành 272 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền phạt hơn 462 triệu đồng. Trong đó, 46 tổ chức và cá nhân vi phạm về sử dụng thiết bị lặp thông tin di động (kích sóng di động).

Từ thực trạng trên, Cục khuyến cáo các tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị vô tuyến điện, kể cả thiết bị thuộc danh mục được miễn giấy phép (thiết bị âm thanh không dây (micro không dây), thiết bị truyền hình ảnh không dây, nhận dạng vô tuyến, điều khiển từ xa vô tuyến...) phải có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận và công bố hợp quy.

Thiết bị vô tuyến điện không thuộc danh mục được miễn giấy phép phải có giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện. Quá trình sử dụng phải cài đặt tần số, thông số kỹ thuật đúng quy định của giấy phép.

Đối với thiết bị kích sóng di động, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không tự ý trang bị, lắp đặt và sử dụng để tránh gây nhiễu có hại, làm mất kết nối, rớt cuộc gọi hay giảm tốc độ truy cập mạng di động như đã xảy ra tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn khác.

"Khi gặp trường hợp điện thoại di động không liên lạc được do nằm trong vùng sóng yếu, người dân có thể chủ động thông báo trực tiếp hoặc qua đường dây nóng đến doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động để được hỗ trợ khắc phục", lãnh đạo Cục Tần số vô tuyến điện lưu ý.

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/46-to-chuc-ca-nhan-bi-phat-vi-dung-thiet-bi-kich-song-di-dong-post181325.html
Zalo