46 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2-1979 - 17-2-2025): Sức sống những vùng biên
46 năm qua đi, những nơi diễn ra cuộc chiến ác liệt để bảo vệ biên giới phía Bắc nay đã thay da đổi thịt và người dân vùng biên ngày nay đã không ngừng vươn lên để có cuộc sống ấm no hơn.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2-1979) đã khẳng định tính chính nghĩa của quân và dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Những địa danh lịch sử
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, địa danh Pò Hèn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh nhắc nhớ tới 86 cán bộ, chiến sĩ Đồn Pò Hèn và nhân viên thương nghiệp đã chiến đấu anh dũng vì biên cương của Tổ quốc.

Cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Lào Cai tuần tra biên giới. Ảnh: BĐBP
Câu chuyện về cô nhân viên cửa hàng thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm quyết tâm ở lại cùng người yêu tại Đồn Pò Hèn đánh giặc đã đi vào lịch sử, minh chứng cho tinh thần yêu nước, lòng quả cảm của quân dân miền biên ải Bắc Đông Bắc.
Trải qua khói lửa chiến tranh, từ đống đổ nát, Pò Hèn ngày nay đã thay da đổi thịt, trở thành xã vùng biên hòa bình, hữu nghị. Và ngọn đồi nơi 86 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến ác liệt ngày ấy đã nhắc nhớ các thế hệ sau bài học lịch sử vô giá về giá trị của độc lập, hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ.
Những người lính biên phòng nơi đây lại nhận nhiệm vụ mới, khi vừa bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước vừa giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Tại Lạng Sơn, cửa ngõ trọng yếu phía Bắc của Tổ quốc, năm xưa “mưa bom bão đạn”, nay đã bình yên và đang trên đường phát triển. Các cung đường tuần tra biên giới được đổ bê tông kiên cố, uốn lượn qua những đồi thông xanh mát qua các xã Yên Khoái, Tú Mịch, Tam Gia (huyện Lộc Bình) tới Bính Xá, Bắc Xa (huyện Đình Lập).

Lãnh đạo tỉnh Lào Cai và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Lào Cai tham gia chương trình Xuân biên phòng ấm lòng dân bản. Ảnh: BĐBP
Hai bên đường, rừng thông phủ xanh vùng đồi núi trập trùng. Những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều. Đường bê tông đã vươn tới những thôn, bản xa xôi, hẻo lánh thay cho con đường đất bùn lầy mỗi khi mưa xuống trước đây. Các thôn, bản đều có trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, đường giao thông và công trình thủy lợi, bảo đảm cho người dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế.
Tại Cao Bằng, sau cuộc chiến đấu, hạ tầng kinh tế của tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhưng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Cao Bằng đã luôn đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng quê hương, biên giới hòa bình, ấm no, giàu đẹp.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên có một bia đá khắc chín chữ vàng:
“Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” và đây cũng là dòng chữ được khắc trên báng súng của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh.
Cao Bằng lấy định hướng phát triển kinh tế cửa khẩu và kinh tế du lịch làm mũi nhọn. Hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cao Bằng chủ yếu thông qua ba cửa khẩu: Tà Lùng, Trà Lĩnh và Sóc Giang, mang lại sự sôi động cho khu vực biên giới.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 của Cao Bằng đạt 952,18 triệu USD. Hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu là thủy sản, rau quả, hạt điều, sắn, các sản phẩm từ sắn, gỗ, sản phẩm gỗ, chì thỏi, quặng, khoáng sản khác, than các loại, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, vải, ô tô các loại...
Ngày 17-2 hằng năm như là lời hẹn ước với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về đây thắp nén hương thơm với lòng biết ơn sâu sắc về sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên được khởi công xây dựng từ năm 1990, là nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ và một mộ tập thể các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Nơi đây có một bia đá khắc chín chữ vàng: “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Đây cũng là dòng chữ được khắc trên báng súng của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh (người dân tộc Mường, quê ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, Phú Thọ) và là lời thề của thế hệ những người lính đã chiến đấu can trường trên mảnh đất này.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên thành địa chỉ đỏ mang giá trị giáo dục truyền thống cách mạng, ý nghĩa cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Xây dựng “cột mốc sống” nơi biên cương
Biên giới quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, các lực lượng vũ trang các cấp, các ngành mà trực tiếp là cấp ủy, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 9-1-2015, của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, đã xuất hiện nhiều mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Bộ đội biên phòng và nhân dân biên giới vui xuân. Ảnh: BĐBP
Nổi lên các mô hình như “tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”; “tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn”; “tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản”; “tổ đoàn kết đảm bảo an ninh trật tự”; “kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”; “thắp sáng đường biên”... Qua đó góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Đồn biên phòng Bản Lầu, Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 14 km đường biên giới trên sông, suối và đất liền; phụ trách địa bàn hai xã Bản Lầu và Lùng Vai thuộc huyện Mường Khương. Trong tình hình mới, Ban chỉ huy đồn xác định phải xây dựng được thế trận biên phòng toàn dân, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, nhân dân trên biên giới tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới.
Hằng năm, đồn tổ chức ký kết quy chế phối hợp với Đảng ủy hai xã Bản Lầu và Lùng Vai, đồng thời phân công đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn và phụ trách các hộ dân. Chính vì vậy mà đảng viên Đồn biên phòng Bản Lầu không chỉ giúp đỡ địa phương trong củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội mà còn là cầu nối giữa đồn biên phòng với địa phương trong xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội biên phòng, cho biết có thể khẳng định Chỉ thị 01/CT-TTg là chủ trương lớn, đặc biệt quan trọng, sát đúng và kịp thời đáp ứng tình hình, yêu cầu thực tiễn đặt ra; là bước chuyển biến mới về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức bảo vệ biên giới quốc gia thời kỳ mới.
Đến nay, 100% thôn, bản biên giới thành lập tổ tự quản an ninh trật tự, nhân dân tự nguyện đăng ký tự quản đường biên giới, mốc quốc giới. Và mới đây nhất, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã triển khai chương trình xây dựng “Đường kiểm tra cột mốc bảo vệ biên giới” với 289 đường kiểm tra cột mốc, với tổng chiều dài gần 50 km trên tuyến biên giới Lạng Sơn nhằm huy động sức mạnh của toàn dân và tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hướng về biên giới.

Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai (Việt Nam) phối hợp Tiểu đoàn Bộ đội biên phòng Hà Khẩu (Trung Quốc) tuần tra biên giới song phương. Ảnh: BĐBP
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã qua đi nhưng những chiến công oanh liệt, những hy sinh, mất mát của các anh hùng liệt sĩ, người có công với đất nước mãi mãi được khắc ghi.
Thời gian xóa dần những vết tích chiến tranh nhưng lịch sử vẫn mãi khắc ghi, tri ân sự hy sinh của những người đã ngã xuống vì sự vẹn toàn lãnh thổ. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc là cuộc chiến chính nghĩa, khẳng định ý chí sức mạnh của dân tộc Việt Nam luôn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong thời chiến cũng như trong thời bình.
Đồng thời nhắc nhở, giáo dục thế hệ sau về sự hy sinh anh dũng của cha ông, để bảo vệ từng tấc đất bờ cõi, tiếp tục phát huy nội lực, tăng cường tinh thần đoàn kết, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.•
Dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ an ninh biên giới
Ngày 5-2, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương đã đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang), thành kính dâng hoa, dâng hương, dâng lễ tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu nguyện: Đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, mãi mãi đi theo con đường của Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn, chung sức, đồng lòng quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước - bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
• Ngày 14-2, đoàn công tác của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, làm trưởng đoàn đã đến dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn, tỉnh Quảng Ninh.
Đoàn đã đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Các đại biểu dành phút tưởng niệm để tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ - những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh dũng chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cùng các đại biểu nguyện tiếp nối truyền thống vẻ vang của thế hệ đi trước, đoàn kết một lòng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin tưởng giao phó. PV