4 yếu tố then chốt để xây dựng, phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng
Để hiện thực hóa và phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT) đã đưa ra 4 yếu tố then chốt.
Phát triển đa chức năng gắn với đổi mới sáng tạo
Trong khuôn khổ diễn đàn "Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics TP Đà Nẵng" diễn ra ngày 14/11, tại Đà Nẵng. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp đã hiến kế để Đà Nẵng xây dựng thành công Khu thương mại tự do và thúc đẩy phát triển ngành logistics.
Ông Bùi Quang Bình, đại diện Tổ tư vấn xây dựng đề án "Thành lập Khu thương mại tự do" của Sở Công thương TP Đà Nẵng, cho rằng Đà Nẵng đang sở hữu nhiều điểm mạnh và lợi thế về chủ trương của Trung ương về xây dựng và thành lập Khu thương mại tự do trở thành kiểu mẫu ở Việt Nam. Đặc biệt, mô hình Khu thương mại tự do đang phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu, trong khi đó Đà Nẵng sở hữu vị trí chiến lược về địa chính trị lẫn kinh tế; môi trường kinh doanh ổn định…
Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, hạn chế như: Quỹ đất hạn chế; quy mô kinh tế cần thiết cho sự phát triển chưa tương xứng; chính sách ưu đãi chưa hoàn thiện; chịu áp lực cạnh tranh mạnh từ các khu vực khác; quy mô doanh nghiệp nhỏ…
Chính vì vậy, với mục tiêu đặt ra cho Khu thương mại tự do là mô hình tiên phong với các thể chế ưu việt theo tiêu chuẩn quốc tế; thu hút các nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực; trở thành trung tâm sản xuất, thương mại dịch vụ hiện đại, gắn với cảng biển Liên Chiểu; trở thành điểm nhấn trong hành lang vận tải Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương… thì Đà Nẵng cần xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng phát triển phức hợp, đa chức năng theo mô hình "khu trong khu".
“Mô hình này có sự kế thừa và tính toán theo điều kiện thực tế. Và có 4 ngành ưu tiên định hướng phát triển ở Khu thương mại tự do Đà Nẵng là logistics, sản xuất, dịch vụ và thương mại, đổi mới sáng tạo”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, logistics phải gắn với vận tải đa phương thức, dịch vụ phụ trợ và kho bãi, dịch vụ logistics số hiện đại; sản xuất gồm điện tử tiên tiến, sản xuất máy bay, phụ trợ hàng không và MRO, dược phẩm và công nghệ sinh học, lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói (ATP) chip bán dẫn.
Dịch vụ và thương mại gồm trung tâm du lịch tích hợp với các dịch vụ độc đáo (bán lẻ miễn thuế, du lịch y tế, casino, ăn uống, khách sạn, MICE), cụm kinh tế số của Việt Nam (CNTT, phần mềm).
Và đổi mới sáng tạo gồm nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo đối với các ngành và lĩnh vực ưu tiên (AI, bán dẫn), dịch vụ hỗ trợ (thanh toán, khởi nghiệp, tư vấn luật), giáo dục đào tạo nghề.
“Về cơ bản, các cơ chế chính sách áp dụng cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng như các chính sách áp dụng đối với khu kinh tế và khu phi thuế quan, đặc biệt là miễn thuế xuất nhập khẩu đối với các hàng hóa, dịch vụ được mua bán với nước ngoài”, ông Bình nói.
Còn đại diện Cảng Đà Nẵng, cho rằng cần có ưu đãi về tiền thuê đất nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực logistics và các chính sách, thủ tục hành chính cần thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa qua đây.
4 yếu tố then chốt
Để hiện thực hóa và phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT) đã đưa ra 4 yếu tố then chốt gồm: Đầu tư; chính sách pháp lý, tạo môi trường cho doanh nghiệp; kinh tế xanh bền vững và chuyển đổi số.
"Đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt. Điều này không chỉ bao gồm cảng biển và sân bay, mà còn là hệ thống giao thông kết nối, kho bãi, và các trung tâm phân phối tiên tiến.
Hạ tầng đồng bộ và hiện đại sẽ giúp giảm chi phí lưu kho, rút ngắn thời gian vận chuyển, và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu thương mại tự do", TS. Trần Thị Hồng Minh nói.
Dẫn thành công từ Singapore, TS.Trần Thị Hồng Minh cho rằng, các cảng Tiên Sa và Liên Chiểu cần được nâng cấp đồng bộ để mở rộng năng lực tiếp nhận hàng hóa và đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng.
Song song đó, phát triển các trung tâm logistics nội địa sẽ góp phần kết nối khu thương mại tự do với các khu vực lân cận và mở rộng thị trường quốc tế.
Thứ hai, Đà Nẵng cần xây dựng khung pháp lý và các chính sách ưu đãi linh hoạt để thu hút đầu tư vào khu thương mại tự do. Các ưu đãi thuế và cơ chế hải quan thông thoáng sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu thủ tục hành chính và thuận tiện trong thương mại quốc tế.
TS.Trần Thị Hồng Minh cho rằng, Đà Nẵng có thể tham khảo mô hình của Khu thương mại tự do Thượng Hải của Trung Quốc để xây dựng các ưu đãi tương tự, kết hợp với cơ chế pháp lý minh bạch nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tạo môi trường kinh doanh ổn định và an toàn.
Chính quyền TP cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương trong việc phát triển hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục hành chính và ưu đãi thuế, như miễn thuế VAT cho hàng hóa trong quá trình lưu kho và ưu đãi về sử dụng đất, nhằm thu hút đầu tư mạnh mẽ vào khu thương mại tự do.
Tiếp đến là phát triển bền vững và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao trong khu thương mại tự do Đà Nẵng là một yêu cầu quan trọng. Khu thương mại tự do không chỉ hướng tới tăng trưởng kinh tế mà còn cần đảm bảo tính bền vững và thân thiện với môi trường. Đà Nẵng nên khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon, và thúc đẩy sản xuất xanh trong khu vực.
“Các khu thương mại tự do tại Đức và Costa Rica là minh chứng thành công trong việc kết hợp sản xuất xanh với các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, tái chế và tiết kiệm năng lượng.
Áp dụng mô hình này sẽ giúp Đà Nẵng không chỉ bảo vệ môi trường mà còn nâng cao hình ảnh của thành phố như một điểm đầu tư thân thiện, đáp ứng xu hướng phát triển bền vững toàn cầu”, TS.Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
Thứ tư là chuyển đổi số. Đây là yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển của khu thương mại tự do tại Đà Nẵng. Số hóa các quy trình quản lý kho bãi, theo dõi vận chuyển, và xử lý thủ tục hải quan sẽ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.
Ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, cùng với AI để phân tích chuỗi cung ứng, sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh đáng kể. Đà Nẵng có thể tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh hiệu quả cho các doanh nghiệp logistics và bắt kịp xu hướng kinh tế số hiện đại.
“Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ trở thành động lực mạnh mẽ cho ngành logistics Việt Nam.
Đây không chỉ là bước tiến quan trọng cho Đà Nẵng, mà còn đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế toàn quốc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại và logistics quốc tế”, TS.Trần Thị Hồng Minh nói.