4 trường hợp tử vong do cúm A/H1pdm, Bình Định có công văn khẩn

Trong thời gian ngắn, tỉnh Bình Định ghi nhận 9 trường hợp dương tính với cúm A/H1pdm, trong đó 4 trường hợp đã tử vong.

Nhiều ca bệnh tử vong

Ngày 25/11, Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết đã có công văn khẩn yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm A/H1pdm sau khi liên tục phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, nơi điều trị một số bệnh nhân nhiễm cúm.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, nơi điều trị một số bệnh nhân nhiễm cúm.

Theo Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh này, đến ngày 20/11, toàn tỉnh đã ghi nhận 842 trường hợp mắc bệnh cúm và giám sát 22 trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus.

Kết quả xét nghiệm có 9 trường hợp dương tính với cúm A/H1pdm có địa chỉ tại Quy Nhơn (4 trường hợp), Phù Mỹ (3 trường hợp), An Nhơn (1 trường hợp) và Vĩnh Thạnh (1 trường hợp).

Trong đó ghi nhận 4 trường hợp tử vong tại Phù Mỹ (3 trường hợp) và VĩnhThạnh (1 trường hợp). Ca bệnh mắc Cúm A/H1pdm chuyển nặng, tử vong có dấu hiệu tăng nhanh trong 2 tuần gần đây.

Do đó, Sở Y tế Bình Định khuyến khích tất cả cán bộ, nhân viên y tế, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chủ động tiêm phòng vaccine cúm để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện trường hợp người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm thì cần áp dụng ngay biện pháp cách ly y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế tuyến huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để phối hợp giám sát, phòng chống dịch bệnh.

Cần nhanh chóng đánh giá tình trạng người bệnh và phân loại mức độ bệnh. Các trường hợp bệnh có dấu hiệu chuyển nặng cần kết hợp điều trị hồi sức tích cực với điều trị căn nguyên và chuyển tuyến kịp thời, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

Các trường hợp nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ cần được xem xét, chỉ định sử dụng ngay thuốc kháng virus.

Xem xét thực hiện điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus Oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm.

Chủ động đảm bảo cơ số thuốc kháng virus Oseltamivir (Tamiflu) hoặc Zanamivir phục vụ công tác khám bệnh, điều trị bệnh cho người dân trên địa bàn.

Sở Y tế Bình Định cũng đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh để thực hiện ngay các biện pháp truyền thông hướng dẫn phòng, chống cúm A/H1pdm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong đó khuyến khích người dân chủ động tiêm phòng các loại vaccine phòng cúm, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch...); người trên 65 tuổi...

Người bệnh có triệu chứng gì?

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định vừa có báo cáo gửi Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Bình Định về trường hợp ông T.V.T (51 tuổi, ở thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm biến chứng sốc nhiễm trùng/hội chứng Cushing do thuốc.

Ông T khởi phát bệnh từ ngày 12/10 với triệu chứng sốt cao, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, ho nhiều, khò khè… Người nhà tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng bệnh không thuyên giảm.

Ngày 13/10, ông T sốt cao, mệt nhiều nên người nhà mới đưa đến Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh.

Ngày 16/10, ông T mệt ho nhiều, khò khè, sốt 390 C, nhức mỏi toàn thân, đau tức thượng vị, khó thở, phổi nghe nhiều ran rít…

Sáng 17/10, bệnh nhân được chuyển viện đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.

Đã có 4 trường hợp tử vong vì cúm A/H1pdm ở Bình Định. Ảnh minh họa.

Đã có 4 trường hợp tử vong vì cúm A/H1pdm ở Bình Định. Ảnh minh họa.

Chiều 17/10, bệnh nhân hôn mê sâu, thở theo máy hoàn toàn, da nổi vân tím, nhịp tim xu hướng chậm dần và người nhà xin đưa ông T về nhà. Ông T tử vong tại nhà trong ngày 17/10.

Theo Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh, trong vòng 14 ngày trước khi bị bệnh, ông T sống tại địa phương, không đi đâu xa, không tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh cúm, không sử dụng sản phẩm từ gia cầm ốm/chết/không rõ nguồn gốc.

Xung quanh khu vực bệnh nhân sinh sống không phát hiện trường hợp mắc bệnh tương tự. Tại nhà bệnh nhân và các hộ gia đình xung quanh không có nuôi heo, gà, không có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, cúm A/H1pdm là một chủng H1N1 gây đại dịch (pdm: pandemic).

Loại cúm này lây truyền qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với các bề mặt nhiễm virus… Thời gian ủ bệnh của cúm A/H1pdm thường từ 1 - 4 ngày.

Hiện H1pdm là một trong những chủng cúm A mùa lưu hành phổ biến hằng năm, cùng với các chủng khác như cúm A/H3N2 và cúm B…

Triệu chứng của cúm A/H1pdm tương tự như các loại cúm mùa khác, gồm: Sốt cao đột ngột, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, ho khan, đau họng, đau cơ, đau khớp, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy (ít gặp nhưng có thể xảy ra)…

Nếu không được điều trị kịp thời, cúm có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tính, suy đa tạng… và xảy ra tử vong ở những người có sức đề kháng yếu.

Quang Đạt

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/4-truong-hop-tu-vong-do-cum-a-h1pdm-binh-dinh-co-cong-van-khan-192241125153352235.htm
Zalo