4 tác hại khi ăn quá nhiều mật ong

Mật ong rất giàu chất chống oxy hóa và các hợp chất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên ăn quá nhiều mật ong không hẳn là tốt, thậm chí gây hại.

Nội dung

1. Mật ong là lựa chọn tốt hơn đường tinh luyện

2. Ăn quá nhiều mật ong có hại gì?

3. Nên ăn bao nhiêu mật ong mỗi ngày?

1. Mật ong là lựa chọn tốt hơn đường tinh luyện

Mật ong là một chất có vị ngọt giống như xi-rô được con ong tạo ra từ mật của các loài thực vật có hoa. Có nhiều loại mật ong khác nhau nhưng nhìn chung có hàm lượng calo và carbohydrate cao và một lượng nhỏ các vi chất dinh dưỡng.

Mật ong chất lượng cao rất giàu một số chất chống oxy hóa quan trọng như acid phenolic và flavonoid giúp giảm nguy cơ tổn thương tế bào do oxy hóa, ăn mật ong có thể làm tăng trạng thái chống oxy hóa của máu.

Các nghiên cứu nhỏ trên người cho thấy, chất chống oxy hóa trong mật ong có thể hỗ trợ cải thiện mức cholesterol giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, mặc dù cần có các nghiên cứu dài hạn lớn hơn để xác nhận những phát hiện đó.

Mật ong cũng được chứng minh có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, được sử dụng nhiều trong điều trị ho, đau họng, chữa lành vết thương do bỏng hoặc vết loét đường tiêu hóa… Vì những đặc tính này, mật ong thường được coi là lựa chọn tốt hơn đường tinh luyện.

Mật ong rất giàu chất chống oxy hóa.

Mật ong rất giàu chất chống oxy hóa.

Nhiều người cho rằng, mật ong có nguồn gốc tự nhiên bổ dưỡng nên có thể ăn thoải mái. Vị ngọt ngào của mật ong có thể thay thế đường nên ăn nhiều có thể thỏa mãn cơn thèm đồ ngọt mà không gây hại. Tuy nhiên, trên thực tế, mật ong cũng là một dạng đường khác và chỉ nên tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Giống như bất kỳ thực phẩm nào, ăn quá nhiều mật ong đều không tốt cho sức khỏe.

2. Ăn quá nhiều mật ong có hại gì?

Ăn nhiều mật ong có thể làm tăng lượng đường trong máu

Mật ong chứa nhiều đường và carbohydrate. Trong một thìa canh mật ong (khoảng 21 g) chứa 16 g đường glucose và fructose; 17 g carbohydrate. Mặc dù là đường tự nhiên nhưng nếu ăn quá nhiều mật ong cũng có thể làm lượng đường trong máu có xu hướng tăng vọt. Đối với người bị đái tháo đường, lượng đường trong máu tăng bất thường rất nguy hiểm.

Ăn nhiều mật ong dẫn đến tăng cân

Nếu bạn đang theo dõi cân nặng của mình thì việc kiểm soát lượng mật ong tiêu thụ là rất cần thiết. Với hàm lượng calo (64 calo trong một thìa cà phê), đường và carbohydrate cao có trong mật ong, khi ăn quá nhiều mật ong sẽ dẫn đến tăng cân.

Dẫn đến các vấn đề tiêu hóa

Các vấn đề về tiêu hóa như táo bón có thể trở nên tồi tệ hơn khi tiêu thụ quá nhiều mật ong. Hàm lượng fructose cao trong mật ong có thể dẫn đến táo bón. Nó cũng có thể dẫn đến đầy hơi hoặc tiêu chảy vì cơ thể không thể tiêu hóa quá nhiều đường cùng một lúc.

Mật ong có thể là nguyên nhân gây sâu răng

Khi ăn quá nhiều mật ong có nghĩa là đang ăn quá nhiều đường thúc đẩy sâu răng. Theo dữ liệu dinh dưỡng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ USDA, khoảng 82% mật ong được tạo thành từ đường và lượng đường này đủ để gây hại cho răng. Hơn nữa, mật ong cũng có tính dính, có nghĩa là nó có thể bám vào răng và gây sâu răng. Tính acid của mật ong cũng làm mòn men răng nếu giữ trong miệng trong thời gian dài.

Mật ong là một dạng đường và nên được tiêu thụ ở mức độ vừa phải.

Mật ong là một dạng đường và nên được tiêu thụ ở mức độ vừa phải.

3. Nên ăn bao nhiêu mật ong mỗi ngày?

Mật ong là một dạng đường và do đó nên được tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người lớn không nên tiêu thụ quá 10% tổng lượng calo từ đường bổ sung hoặc đường tự nhiên, bao gồm mật ong, nước ép trái cây và xi-rô.

Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống hiện tại của Hoa Kỳ, lượng calo của người lớn đến từ đường bổ sung hoặc đường tự nhiên, bao gồm mật ong, ít hơn 6%. Do đó, nếu một người cần 2.000 calo mỗi ngày thì không quá 120 calo đến từ đường, mật ong và các loại đường bổ sung hoặc tự nhiên khác kết hợp lại. Lượng này tương đương với khoảng hai thìa canh (khoảng 40 g) mật ong. Không nên cho trẻ em dưới một tuổi ăn mật ong dưới bất kỳ hình thức nào.

Đối với người bệnh đái tháo đường nên theo dõi lượng đường trong máu hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn dùng mật ong. Theo ThS. BS Đặng Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng, có 2 nhóm chính là đường hấp thu nhanh và đường hấp thu chậm. Đường hấp thu nhanh như đường mía, mật ong, được giới hạn sử dụng dưới 10% trong nhóm tinh bột đường và dưới 6% tổng năng lượng. Người bệnh đái tháo đường không nên lạm dụng mật ong vì có khả năng gây tăng đường huyết.

Thu Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/4-tac-hai-khi-an-qua-nhieu-mat-ong-169241223223547742.htm
Zalo