4 người chết do mưa lũ miền Trung
Mưa lũ tại Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Khu vực từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa tiếp tục có nguy cơ ngập lụt diện rộng.
Tối 30/11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra tại các tỉnh, thành phố Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Hiện, các địa phương đã giảm mưa nhưng khả năng tiếp tục mưa to trở lại vào tối và đêm nay.
Tính đến 18h, hơn 23.600 hộ dân ở Bình Định bị ngập trong nước lũ, 8 nhà bị sập. Chính quyền phải sơ tán tại chỗ hơn 437 hộ dân với hơn 1.000 người. Mưa lũ cũng khiến 4 người chết, trong đó 3 người ở Bình Định và một người ở Kon Tum.
Về giao thông, quốc lộ 14H, 40B và Đông Trường Sơn ở Quảng Nam bị ngập, sạt lở; quốc lộ 1 qua Bình Định ngập cục bộ. Tại Phú Yên, mưa lũ cũng gây ngập nhiều tuyến quốc lộ và đường tỉnh.
Về nông nghiệp, hơn 641 ha lúa, 188 ha hoa màu của người dân và hơn 4.600 con gia cầm bị thiệt hại.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm 29 đến chiều 30/11, mưa lớn đã xuất hiện ở nhiều nơi từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận và Tây Nguyên. Lượng mưa ở một số nơi vượt ngưỡng 300 mm, tập trung ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk.
Chiều nay (30/11), lũ trên sông Kôn (Bình Định) đạt đỉnh và đang xuống chậm, đỉnh lũ tại Thạnh Hòa trên báo động 3 là 1,46 m. Trong khi đó, lũ trên các sông ở Phú Yên, Khánh Hòa đang lên; các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đang xuống.
Tối và đêm nay, các khu vực trên tiếp diễn mưa lớn với lượng phổ biến 50-70 mm, có nơi trên 100 mm. Tại Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Nam Bộ và các khu vực khác ở Tây Nguyên, mưa dông cũng xuất hiện nhưng với lượng nhỏ hơn, dao động 30-60 mm, có nơi trên 80 mm.
Tối nay, lũ trên các sông ở Phú Yên và Khánh Hòa tiếp tục lên nhanh. Đến đêm, lũ trên sông Kôn, sông Kỳ Lộ, hạ lưu sông Ba (Phú Yên), sông Dinh Ninh Hòa (Khánh Hòa) dao động ở mức cao trên báo động 3; các sông khác từ Quảng Nam đến Bình Định tiếp tục xuống.
Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ ngập lụt diện rộng tại các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và Gia Lai; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Các địa phương cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ tại miền Trung, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương liên quan tiếp tục rà soát khu vực đang bị ngập sâu, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, đảm bảo an toàn cho người dân, trong đó tăng cường sơ tán xen ghép và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Địa phương cần đảm bảo lương thực, thực phẩm, nguồn cung tại khu vực ngập sâu và chia cắt, không để người dân thiếu đói, nước uống; bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; triển khai phương án ứng phó, vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và tham gia giảm lũ cho hạ du.
Lực lượng chức năng được yêu cầu tổ chức canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính.