4 ngày đêm chạy đua cứu hộ cây xanh gãy đổ ở Hà Nội
Đã bốn ngày kể từ khi siêu bão số 3 càn quét, TP. Hà Nội vẫn đang huy động lực lượng để khắc phục sự cố sau bão. Nhất là giải quyết hàng chục ngàn cây xanh gãy đổ ngổn ngang khắp thành phố.
Từ ngày 6-9 đến nay, suốt 4 ngày đêm hàng nghìn người và phương tiện đã được huy động để cứu hộ, dọn dẹp gần 25.000 cây xanh gãy đổ, hư hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn Hà Nội.
Đội cứu hộ cây di động
Những ngày này khắp phố phường Hà Nội ngổn ngang cây xanh gãy đổ. Dù bão đã tràn qua TP 4 ngày rồi, nhưng thân cây vẫn nằm la liệt khắp phố phường. Nhiều nơi, cây xanh ngã đổ do bão chỉ kịp cắt tỉa qua, đẩy gọn vào ven đường lấy lối đi vì chưa có đủ người và phương tiện thu dọn, đánh chuyển. Thậm chí có tuyến phố những cây cổ thụ vài người ôm đổ vắt ngang đường chưa đánh chuyển được.
Sáng ngày 10-9, tại phố Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) phóng viên gặp đội cứu hộ cây xanh gãy đổ do bão đổ thuộc Xí nghiệp quản lý cắt sửa cây xanh (Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội) đang cứu hộ một cây cổ thụ tại số 60 Lý Thái Tổ bị bão số 3 quật ngã.
Đây là cây cổ thụ (thuộc dòng loài cây si, sanh) có tuổi đời 70-80 tuổi, đường kính thân cây 3-4 người ôm bị bão số 3 quật ngã vắt ngang phố Lý Thái Tổ. Do cây lớn, đội cứu hộ cây xanh gãy đổ gần chục thành viên phải đánh vật từ 6 giờ sáng đến gần trưa mới cắt tỉa, dọn dẹp được toàn bộ phần cành lá chung quanh.
“Đây là một cây sanh cổ thụ. Giống cây này là loại rễ chùm, dễ trồng, sinh lực sống rất mạnh mẽ nên rất dễ cứu sống. Sau khi cắt tỉa cành lá, chúng tôi sẽ sử dụng cẩu để trồng lại cây ngay vị trí cũ” – anh NKH thành viên của đội cứu hộ cây cho biết.
Theo anh NKH không phải cây nào bị bão quật ngã là cũng có thể cứu sống được, vì có những loại cây rễ cọc như (sao đen, dổi…) nếu bị gãy rễ cọc thì rất khó cứu sống. “Chúng tôi sẽ đánh giá khả năng sống sót của từng cây để cứu hộ. Cây nào khả năng sống cao sẽ trồng lại tại chỗ, cây nào yếu sẽ đánh chuyển về vườn ươm để chăm sóc cho khỏe lại để trồng tiếp” – anh H cho hay.
Cũng theo anh H, đối với những cây già cỗi, thân bị mục rỗng, sâu bệnh, hoặc những loại cây không thuộc dòng cây đô thị (như dạng cây dâu da, cây bông gai…) bị gãy đổ trong đợt bão này sẽ bị loại bỏ để trồng thay thế bằng loại cây đô thị trong danh mục mà TP Hà Nội ban hành.
“Theo quan sát những cây xanh gãy đổ, hư hại do bão số 3 gây ra mà đội chúng tôi trực tiếp xử lý, cứu hộ, dọn dẹp trong những ngày qua thì có khoảng 60-70% có khả năng sống sót, sinh trưởng được. Số còn lại hoặc bị già cỗi, mục rỗng, hoặc bị hư hại quá nặng không còn khả năng sống sót” – anh H cho biết.
Anh H cũng chia sẻ thêm, hàng chục năm làm việc tại Công ty Cây xanh Hà Nội anh chưa bao giờ chứng kiến cây xanh gãy đổ, hư hại nhiều như những ngày qua. Do cây xanh gãy đổ nhiều, Công ty Cây xanh Hà Nội phải huy động tối đa quân số, phương tiện để cắt tỉa, đánh chuyển cây bị gẫy đổ, tuy nhiên vẫn không xuể.
“Đến nay đã 4 ngày rồi, các thành viên trong đội chúng tôi trừ lúc ăn và ngủ cứ thức là chạy khắp thành phố để cứu hộ, dọn dẹp cây. Xử lý xong cây chỗ này, chúng tôi lại chuyển tới phố Hàm Long, cách đây gần 1 km để cứu hộ tiếp một cây cổ thụ ở đó nữa” – anh H cho biết.
Hết sức để cứu cây
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội, do ảnh hưởng của bão số 3, số cây xanh bị gãy đổ, hư hại trên toàn địa bàn Hà Nội đã lên đến con số kỷ lục. Tính đến chiều 8-9, Hà Nội đã ghi nhận hơn 25 nghìn cây đổ, gãy, hư hại tập trung nhiều ở khu vực các quận huyện như Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm…
Trước hiện trạng trên, từ đêm ngày 7-9, phía Công ty Cây xanh Hà Nội đã huy động gần 600 cán bộ, nhân viên với 80 phương tiện, 200 cưa máy để dọn dẹp cây bị ngã đổ. Ngoài ra các quận huyện của Hà Nội cũng huy động hàng nghìn người, phương tiện tại chỗ để xử lý thu dọn cây đổ, cành gẫy, dựng lại cây, trồng thay thế cây mới theo quy định.
Chủ trì cuộc họp của Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội chiều ngày 9-10 về công tác khắc phục hậu quả bão số 3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài lưu ý: “Cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, bần cùng bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ vì trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian”.
Trước đó, ngày 8-9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã có chỉ đạo đối với các cây xanh cần bảo tồn. Các cây quý hiếm, có giá trị bị nghiêng đổ, cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển hoặc di chuyển về vườn ươm chăm sóc, trồng lại vào các vị trí phù hợp, hoàn thành trước ngày 15-9.
Đối với các cây xanh đô thị có đường kính nhỏ dưới 25cm bị gãy đổ cần thực hiện cắt cành, tán, đảm bảo cân đối phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định, hoàn thành trước ngày 20-9. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu giải tỏa cây đổ, cành gãy để đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP trước ngày 12-9.
Liên quan đến vấn đề cứu hộ cây xanh sau bão số 3 tại Hà Nội, GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay bão số 3 là một cơn bão mạnh, hiếm có nên việc cây xanh đô thị tại Hà Nội bị gãy đổ nhiều là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, cũng không loại trừ nguyên nhân là chủng loại cây đô thị, kỹ thuật trồng cây tại Hà Nội không phù hợp mặc dù đã được khắc phục nhiều trong những năm gần đây.
“Những năm qua đa phần cây đô thị ở Hà Nội đều trồng loại cây to. Loại cây này trồng lúc đầu nhìn thì đẹp đường phố nhưng do khi trưởng thành mới đánh chuyển vào đường phố để trồng nên rễ cây không ăn sâu được xuống lòng đất, cây dễ bị sâu bệnh và gãy đổ” – ông Học phân tích.
Theo đó chuyên gia này cho rằng Hà Nội nên trồng cây bé, sinh trưởng khỏe, sẽ không bị gãy đổ trong mùa mưa bão, giải pháp này không cho hiệu quả ngay, cây mất nhiều thời gian để sinh trưởng, mất nhiều công chăm sóc nhưng đỡ sâu bệnh, rễ cây bám chắc hơn.
Cũng theo ông Học, việc trồng cây đô thị cũng cần cần tổ chức khảo sát kỹ lưỡng các yếu tố như đất đai, diện tích, không gian điểm trồng cây, cũng như các chủng loại cây phù hợp với điều kiện đô thị của Hà Nội…
7 tỉnh thành cử lực lượng chuyên môn đến hỗ trợ Hà Nội
Trưa 10-9, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho hay cho đến nay đã có 7 tỉnh thành trong cả nước hỗ trợ Hà Nội cả về người và phương tiện để dọn dẹp, cứu hộ cây xanh trên địa bàn TP bị ngã, đổ, hư hại do bão số 3.
Trong đó có cán bộ, nhân viên của Công ty Công ty Công viên cây xanh TP.HCM, Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng, Công ty Cây xanh chiếu sáng Quy Nhơn (Bình Định), Trung tâm Cây xanh Huế, Công ty Cây xanh Vinh, Công ty Môi trường đô thị Sơn La, Công ty Cây xanh Đồng Hới (Quảng Bình)…