4 dấu hỏi với kinh tế thế giới năm 2025
Năm 2025 liệu có là một năm biến động của nền kinh tế toàn cầu. Dù được dự báo vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với một số rủi ro.
Theo báo cáo của các chuyên gia tại The Real Economy Blog, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 sẽ ở mức 2,5%, nối dài đà phục hồi chậm chạp hậu đại dịch. Nhóm chuyên gia chỉ ra trong năm 2025, kinh tế thế giới có thể chịu ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu tại Mỹ tăng cao, nhất là đối với hàng hóa từ Trung Quốc.
Mức tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển có thể trong khoảng 1,25-1,75%, trong khi những nền kinh tế đang phát triển là 3,5-4%. Các chuyên gia chỉ ra những thị trường mới nổi sẽ là động lực chính cho đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong năm sau.
Dĩ nhiên, các nền kinh tế này vẫn có thể đối mặt với rủi ro, nhất là khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc sụt giảm vì ảnh hưởng từ thương chiến.
Trong khi đó, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt thêm nhiều thách thức khi chi phí năng lượng tăng cao. Hơn nữa, châu lục này còn hứng chịu áp lực từ tình trạng dư thừa công suất, chính sách thuế của Mỹ và hiệu ứng gợn sóng do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Nhưng giới chuyên gia đánh giá bức tranh toàn cảnh vẫn tươi sáng. Nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn tăng trưởng dù không vượt trội nhưng vững chắc, với trợ lực là lạm phát và lãi suất giảm, thị trường lao động ổn định.
Lạm phát sẽ giảm tốc?
Lạm phát trên toàn cầu vốn đã tăng vọt khi các nền kinh tế bứt tốc khỏi ảnh hưởng từ đại dịch. Đà giảm vẫn đang tiếp diễn trên toàn cầu. Các chuyên gia tại The Real Economy Blog dự báo lạm phát toàn cầu sẽ giảm về 4% vào năm 2025, sau khi đạt đỉnh 9,4% trong quý III/2022.
Một loạt chính sách thắt chặt tiền tệ đã được triển khai trong những năm qua nhằm bình ổn giá cả. Đến nay, một số ngân hàng trung ương đã bắt đầu nới lỏng chính sách.
Tình trạng gián đoạn nguồn cung, vốn là nguyên nhân chính gây ra cú sốc giá trong thời kỳ đại dịch, đã biến mất. Với chính sách tiền tệ thắt chặt, các nền kinh tế đã không còn tăng trưởng nóng, cán cân cung - cầu lao động được cải thiện. Tất cả yếu tố này cho phép hạ nhiệt lạm phát nhưng không gây ra một cuộc suy thoái lớn.
Dù vậy, rủi ro lạm phát vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn. Các chuyên gia nhận định chính sách thương mại của Mỹ sẽ không còn mở cửa như trước. Giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ có thể gia tăng đáng kể. Hơn nữa, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - châu Âu/Mexico cũng tạo ra tác động lan tỏa lên lạm phát toàn cầu.
Hơn nữa, dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, đồng USD mạnh hơn cũng sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến các nền kinh tế nhập khẩu dầu, từ đó đẩy lạm phát lên cao. “Nhu cầu của Trung Quốc biến động, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ chậm lại, và tác động của đồng USD lên giá dầu sẽ định hình bức tranh lạm phát năm 2025”, nhóm chuyên gia tại The Real Economy Blog viết.
Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương ra sao?
Trong năm 2025, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ khi lạm phát giảm tốc về mức có thể kiểm soát được. Giới chuyên gia dự báo gần 75% ngân hàng trung ương trên thế giới có thể hạ lãi suất điều hành.
Giới quan sát dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất điều hành về 4%. Tại châu Á, áp lực buộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phải hạ lãi suất mạnh tay đang ngày càng gia tăng. Đà suy yếu của ngành bất động sản, sụt giảm trong nhu cầu tiêu dùng, cộng hưởng với những thách thức từ căng thẳng thương mại có thể đe dọa mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Để vực dậy nền kinh tế, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ cần tung ra các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn, trong đó hạ lãi suất là một công cụ quan trọng để thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng.
Ngược lại với Trung Quốc, Nhật Bản có thể duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Mặc dù lạm phát đã có dấu hiệu tăng lên, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn thận trọng trong việc điều chỉnh lãi suất.
Những năm qua, Nhật Bản trở thành “kẻ ngoài cuộc” trong nhóm các cường quốc kinh tế lớn, vốn liên tục tăng lãi suất nhằm khống chế đà gia tăng áp lực giá cả.
Đồng USD có mạnh lên?
Sau 3 tháng liên tục suy yếu, giá USD bắt đầu tăng khi Phố Wall tin rằng ông Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng. Khi kết quả trở nên rõ ràng hơn, sức mạnh của đồng bạc xanh càng tăng vọt.
Một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầu tháng 11/2024, đồng USD tăng lên mức mạnh nhất trong nhiều năm so với rổ các đồng tiền lớn khác.
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump thường nhấn mạnh rằng ông muốn đồng USD yếu đi để các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ có thêm lợi thế cạnh tranh. Nhưng giới quan sát cho rằng kế hoạch áp thuế nhập khẩu và cắt giảm thuế nội địa của ông chủ mới Nhà Trắng sẽ có tác động ngược lại, theo New York Times.
Thực tế, xét trên khía cạnh sức mạnh chi tiêu của các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ, lợi ích từ việc đồng USD mạnh lên sẽ bị xói mòn nếu lãi suất và lạm phát gia tăng. Kịch bản này đã từng xảy ra khi đồng bạc xanh tăng vọt vào năm 2022.
Theo một số chuyên gia phân tích và đầu tư, kịch bản này có thể lặp lại, khiến sức mua thực tế của người tiêu dùng Mỹ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cục diện vẫn sẽ phụ thuộc vào việc các cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Trump có trở thành hiện thực hay không.
"Ông Trump sẽ trở thành động lực chính của đồng USD", New York Times dẫn lời chuyên gia phân tích ngoại hối Steven Englander tại Standard Chartered.
Trong khi đó, năm 2025, giới quan sát dự báo giá dầu sẽ duy trì ở mức bằng hoặc thấp hơn cuối tháng 11/2024 nhờ sản lượng toàn cầu gia tăng.
Nếu đồng USD tiếp tục tăng, các nền kinh tế nhập khẩu dầu như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ chịu ảnh hưởng, đẩy lạm phát lên cao.
Thương chiến và thuế: Rủi ro trong những năm tới?
Giới quan sát dự báo rằng đầu năm 2025, chính quyền ông Trump sẽ áp dụng mức thuế bổ sung từ 10% đến 60% đối với một số hàng hóa Trung Quốc được nhập khẩu vào Mỹ.
Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả bằng cách phá giá đồng nhân dân tệ trong khoảng 10-15%, tương tự những gì nước này đã làm trong cuộc chiến thương mại năm 2018-2020. Giới quan sát dự báo thương chiến Mỹ - Trung có thể khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm 0,6 điểm % xuống còn khoảng 4%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 5% của Bắc Kinh.
Trong giai đoạn 2018-2020, đồng nhân dân tệ đã mất giá hơn 14% khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng của Trung Quốc. Nếu thương chiến thứ 2 leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung sẽ hụt hơi.
Tại châu Âu, tác động trực tiếp của đòn thuế sẽ làm giảm xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp châu Âu cũng phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng cao do giá nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ tăng.
Theo tính toán của các chuyên gia, tác động trực tiếp và gián tiếp từ thuế quan do Mỹ áp đặt sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của khu vực đồng euro sụt giảm 0,5 điểm %.
Nếu căng thẳng thương mại leo thang, rủi ro suy thoái ở Liên minh Châu Âu sẽ trở thành tâm điểm chú ý. Tuy nhiên, khả năng xảy ra suy thoái còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, bao gồm cả các biện pháp ứng phó của chính phủ các nước và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Ở chiều ngược lại, triển vọng tăng trưởng của Mỹ cũng bị điều chỉnh giảm khoảng 0,2 điểm % nếu căng thẳng gia tăng.