4 bệnh hay gặp trong mùa đông
Thời tiết mùa đông được xem là điều kiện lý tưởng để các virus, vi khuẩn phát triển. Nhiệt độ thấp cũng khiến hệ miễn dịch của chúng ta yếu hơn và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng bệnh là vô cùng quan trọng để thực hiện các biện pháp điều trị kịp thời.
Dưới đây là một số bệnh có thể gặp phải trong mùa đông.
1. Sốt
Sốt luôn là một triệu chứng phổ biến trong mùa đông vì thời tiết xuống thấp, độ ẩm trong không khí thấp là điều kiện để virus, vi khuẩn gây bệnh.
Triệu chứng sốt được xác định khi nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường, nếu đo bằng nhiệt kế thủy ngân ở nách thì nhiệt độ từ 37,5 độ C trở lên được xem là sốt.
Các trường hợp phải đến ngay cơ sở y tế khi người bệnh bị sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên, đã dùng thuốc hạ sốt nhưng không đáp ứng; sốt cao trên 39 độ C; sốt kéo dài trên 7 ngày; nghi ngờ bị mắc bệnh sốt rét, sốt xuất huyết Dengue, sởi...
Ngoài ra, nếu triệu chứng sốt xảy ra trên đối tượng như trẻ em dưới 2 tháng tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng, có dấu hiệu mất nước, cổ cứng, co giật, hôn mê... cũng phải đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
2. Chảy nước mũi
Vào mùa đông, thời tiết rất lạnh, nhiều người gặp hiện tượng chảy nước mũi dù không ho không sốt. Hệ thống mũi xoang của con người được thiết kế để thực hiện chức năng làm ấm và ẩm không khí trước khi chúng đến phổi.
Khi trời lạnh, không khí khô sẽ kích thích các dây thần kinh bên trong mũi làm tăng lưu lượng máu đến mũi, làm giãn nở các mạch máu để làm ấm không khí đi qua chúng. Kích hoạt các tuyến nhầy để sản xuất nhiều chất tiết hơn, cung cấp độ ẩm và làm ẩm không khí đi qua. Khi cơ chế bù trừ hoạt động quá mức, lượng nước vượt quá mức cần thiết để làm ẩm không khí lạnh, khô sẽ dẫn đến chảy nước mũi.
Bên cạnh đó, không khí khô vào mùa đông gây tổn hại cho niêm mạc mũi, đẩy các tuyến mũi tiết ra chất nhầy dư thừa. Ngoài ra, virus cảm lạnh và các chất gây dị ứng như bụi và phấn hoa cũng gây kích ứng mũi và xoang, sau đó mũi bắt đầu tiết ra nhiều chất nhầy trong suốt. Ở một số người bị chảy nước mũi không vì lý do rõ ràng. Điều này có thể là do một tình trạng gọi là viêm mũi không dị ứng hoặc viêm mũi vận mạch.
3. Ho
Ho là một chứng bệnh thường xuất hiện khi thay đổi thời tiết, nhiễm lạnh... Đó có thể là một cơ chế sinh lý để bảo vệ cơ thể, đồng thời có thể là triệu chứng của nhiều bệnh. Ho có nhiều biểu hiện như ho cấp tính, ho kéo dài mạn tính, ho khan, ho có đờm, ho kèm theo khàn tiếng, ho cơn hoặc ho thỉnh thoảng mới xuất hiện một vài tiếng.
Vào mùa lạnh khi nhiệt độ xuống thấp cũng khiến virus phát triển gây bệnh trong đó dễ mắc nhất là cúm, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… Vì vậy, có thể nói ho là triệu chứng của rất nhiều bệnh. Có khi điều trị đơn giản chỉ cần vệ sinh mũi họng, uống một số thuốc giảm ho hoặc loại trừ các yếu tố nguy cơ hay nguyên nhân tại chỗ như khói, bụi, nhiễm lạnh,... nhưng cũng có khi việc điều trị lại khó khăn và kéo dài. Khi bị ho, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được khám, điều trị và tư vấn kịp thời, càng sớm càng tốt, không nên quá thờ ơ vì có thể đó là triệu chứng của một bệnh nguy hiểm.
4. Viêm họng
Viêm họng, đau họng là bệnh rất hay gặp vào mùa đông lạnh, ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em vì nếu không được điều trị sớm, viêm họng cấp sẽ có nguy cơ biến chứng dẫn đến bệnh thấp tim.
Bệnh viêm họng là tình trạng mà cổ họng và hầu bị viêm do vi khuẩn hoặc virus gây ra, khiến cho cổ họng đau rát, khó chịu.
Bệnh viêm họng cấp thường xuất hiện bất ngờ với biểu hiện sốt cao từ 39 đến 40 độ C, rát buốt, đau họng khi nuốt. Đầu tiên là cảm giác khô nóng họng sau đó là hiện tượng đau rát tăng dần khi nuốt, nói hoặc ho.
Bệnh nhân có thể bị tắc mũi, chảy nước mũi, khàn giọng hoặc ho khan, amidan viêm to, hạch cổ sưng có khi có bựa trắng như nước cháo phủ ngoài bề mặt. Vì vậy, khi bị viêm họng, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng hay phòng khám đa khoa để nhanh chóng được bác sĩ khám, xác định tình trạng bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời hiệu quả.
Lưu ý: Những ngày thời tiết trở lạnh, nhiệt độ không khí giảm xuống thấp mà ngày còn ngắn hơn đêm. Những thay đổi này cũng khiến cơ thể chúng ta dễ mệt mỏi hơn. Bên cạnh đó mệt mỏi còn có thể do các nguyên nhân của các bệnh lý dễ gặp trong mùa đông như viêm Amidan, viêm xoang, cảm lạnh, cúm và các bệnh về đường hô hấp khác...
Vì vậy, mệt mỏi là hiện tượng bắt đầu có những rối loạn các phản ứng sinh lý, sinh hóa của cơ thể trong lao động, song nếu được nghỉ ngơi sẽ trở lại bình thường không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, mệt mỏi cũng có thể là biểu hiện của nhiều loại bệnh lý nếu tình trạng mệt mỏi kéo dài hay kèm theo các biểu hiện bất thường khác thì cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.