4.500 tăng ni, phật tử tham dự Đại lễ Phật đản tại chùa Bái Đính
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình phối hợp với chùa Bái Đính long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản với chủ đề 'Lan tỏa tuệ giác - Kết nối nhân sinh'.
Ninh Bình trở thành điểm đến nổi bật của du lịch tâm linh

Nghi thức tắm Phật tại buổi lễ. Ảnh: Phú Nguyễn.
Ngày 10/5 (Phật lịch 2569), tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình phối hợp với chùa Bái Đính long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản với chủ đề “Lan tỏa tuệ giác - Kết nối nhân sinh”.
Sự kiện thu hút hơn 4.500 tăng ni, phật tử và nhân dân từ khắp các vùng miền, nhằm góp phần lan tỏa thông điệp yêu thương, hòa bình và đoàn kết dân tộc.
Tham dự Đại lễ có đại diện Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, cùng đông đảo tín đồ Phật tử trong và ngoài tỉnh.
Trong không khí trang nghiêm và linh thiêng, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trụ trì chùa Bái Đính – đã tuyên đọc Thông điệp Phật đản Phật lịch 2569 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tiếp đó, Thượng tọa Thích Minh Quang, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình, Phó Trụ trì chùa Bái Đính, trình bày diễn văn Phật đản và ý nghĩa Phật đản.

Các đại biểu tham dự Lễ Phật đản tại Chùa Bái Đính. Ảnh: Phú Nguyễn.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Bùi Mai Hoa, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Ninh Bình, nhấn mạnh: “Đại lễ Phật đản – Vesak không chỉ là ngày trọng đại kỷ niệm ba sự kiện thiêng liêng trong cuộc đời Đức Phật (Đản sinh, Thành đạo, Nhập Niết-bàn), mà còn là dịp khẳng định sự trường tồn và đóng góp tích cực của Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại”.
Bà cũng khẳng định Ninh Bình là một trong những địa phương tiếp nhận và phát triển Phật giáo từ rất sớm, điển hình là sự ra đời và phát triển của chùa Bái Đính – quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á, nơi giao hòa giữa Phật giáo truyền thống và hiện đại, giữa tâm linh và du lịch văn hóa, góp phần đưa tỉnh Ninh Bình trở thành điểm đến nổi bật của du lịch tâm linh quốc gia và quốc tế.
Nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm kết nối đạo và đời

Chùa Bái Đính là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất Việt Nam, tọa lạc trên sườn núi Đính linh thiêng thuộc vùng đất cố đô Hoa Lư. Được xây dựng với quy mô đồ sộ nhưng vẫn mang đậm bản sắc kiến trúc truyền thống, quần thể chùa có diện tích hơn 700 ha, gồm khu chùa cổ và chùa mới.

Các phật tử thực hiện nghi thức tắm Phật tại chùa Bái Đính. Ảnh: Phú Nguyễn.
Nơi đây lưu giữ nhiều kỷ lục Phật giáo ấn tượng như: Tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á (Phật Thích Ca cao 10 m, nặng 100 tấn); Hành lang La Hán dài nhất châu Á; Chuông đồng nặng nhất Việt Nam (36 tấn); Vườn tượng 500 vị La Hán bằng đá xanh nguyên khối.
Không chỉ là địa điểm hành hương nổi tiếng, chùa Bái Đính còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn như Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc – Vesak 2014, góp phần quảng bá hình ảnh Phật giáo Việt Nam ra thế giới.

Cư sĩ Nguyễn Văn Trường trao quà cho 200 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Phú Nguyễn.
Trong khuôn khổ Đại lễ năm nay, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức nhằm kết nối đạo và đời như Khóa tu sinh viên với chủ đề “Tìm về cội giác - Nương bóng Từ bi”; Thiền trà giao lưu chủ đề “Hương trà mùa Phật - Vị ngọt Từ bi”; Triển lãm văn hóa Phật giáo: “Văn hóa Phật giáo - Kết nối đạo đời”, kể về cuộc đời Đức Phật và các giáo pháp trọng yếu. Đặc biệt tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Trường – Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã trao tặng 200 suất quà (trị giá 200 triệu đồng) cho học sinh vượt khó tại huyện Gia Viễn và Nho Quan.

Các phật tử tham dự Đại lễ Phật đản tại chùa Bái Đính. Ảnh: Phú Nguyễn.
Các đại biểu và phật tử cũng đã thành kính thực hiện nghi thức tắm Phật, dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an, thể hiện sự kính ngưỡng và tiếp nối trí tuệ từ bi của Đức Phật trong đời sống hiện đại.