327 người chết, mất tích do lũ quét, sạt lở
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến trưa 12/9, đã có 327 người chết, mất tích (gồm 199 người chết và 128 người mất tích) do lũ quét, sạt lở đất và ảnh hưởng của bão số 3.
Lào Cai là địa phương thiệt hại nặng nhất khi có 82 người chết và 95 người mất tích.
Ông Quàng Văn Việt - Phó Chánh văn phòng Ban huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết riêng vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên), đến trưa nay, cơ quan chức năng đã tìm thấy 42 thi thể nạn nhân và vẫn còn 53 người dân mất tích. Số người bị thương đang điều trị là 17, 46 người được xác định an toàn.
Hiện công an tỉnh này huy động gần 100 cán bộ chiến sĩ tham gia tìm kiếm, cứu nạn tại thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà) và tiếp cận khu vực sập nhà điều hành Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng xác định 7 người chết, 11 người mất tích và 11 người bị thương trong vụ sạt lở đất tại thôn Nậm Tông.
Theo ông Việt, ngoài thiệt hại nặng về người, toàn tỉnh Lào Cao hiện có gần hơn 8.600 ngôi nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn. Nhiều khu vực ở các huyện Bát Xát, huyện Bảo Thắng, huyện Bảo Yên, huyện Bắc Hà hiện vẫn bị ngập. Các tuyến đường lên nhiều địa bàn bị ách tắc, chia cắt giao thông do bị sạt lở, ngập lụt.
“Tỉnh có 3 bệnh viện, 13 trạm y tế xã, 65 trường học bị ảnh hưởng. Các trường học trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 13/9, tùy theo tình hình mưa lũ", ông Việt nói.
Tại Cao Bằng, đến thời điểm này cơ quan chức năng ghi nhận có 34 người chết và 18 người mất tích. Cùng đó, có hơn 1.260 ngôi nhà thiệt hại do sạt lở đất, ngập nước. Nhiều cơ sở y tế, giáo dục văn hóa bị hư hỏng nặng, và diện tích hoa màu, thủy sản bị thiệt hại đáng kể, giá trị ước tính khoảng 125 tỷ đồng.
Đại diện Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng cho hay hiện sạt lở đất, đá xảy ra toàn bộ các khu vực huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, đặc biệt xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng tại xã Yên Lạc, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình.
“Tỉnh thành lập Sở Chỉ huy cấp tỉnh đặt tại huyện Nguyên Bình do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổng chỉ huy để chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, và đề xuất Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 100 tấn gạo và 100 tỷ đồng để khắc phục trước mắt”, vị này chia sẻ.
Tại Yên Bái, theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện có 40 người chết và 4 người mất tích. Mưa lũ, sạt lở đất, ngập lụt cũng làm 22.900 nhà dân bị thiệt hại, hư hỏng, ngập lụt, trong đó có 128 nhà dân sập đổ hoàn toàn, và hơn 21.400 nhà bị ngập lụt. Toàn tỉnh Yên Bái cũng di dời gần 12.400 hộ dân trong vùng nguy hiểm để bảo đảm an toàn.
Ngoài ra, trong sáng nay, tỉnh Tuyên Quang phát hiện thêm 2 người chết do bão, nâng tổng số người chết tại địa phương này 5 người.