Ánh Viên và chuyện nhiều tỷ đồng của 'VĐV triệu đô'

Ánh Viên từng được đầu tư hơn 30 tỷ đồng nhưng không phải là VĐV có mức phí 'khủng' nhất của thể thao Việt Nam.

1. Trong lịch sử thể thao Việt Nam, Ánh Viên và Lý Hoàng Nam là hai tài năng xuất chúng, nhận được sự đầu tư "khủng" nhất. Ánh Viên có 7 năm được đầu tư trọng điểm hơn 30 tỷ. Hành trình của Ánh Viên được ví như chuyện cổ tích của bơi Việt Nam, từ cô bé nhà nghèo trở thành một trong những biểu tượng trên đường đua xanh ở Đông Nam Á.

Ánh Viên được đầu tư trọng điểm với kinh phí hơn 30 tỷ đồng trong 7 năm.

Ánh Viên được đầu tư trọng điểm với kinh phí hơn 30 tỷ đồng trong 7 năm.

Năm 2012, Ánh Viên bước sang tuổi 15 và nhận được sự đầu tư để sang Mỹ tập dài hạn với kinh phí được đánh giá lớn nhất dành cho một tài năng thể thao của Việt Nam. Sau hai năm tập ở Mỹ, Ánh Viên giành HCV Olympic trẻ năm 2014. Ánh Viên suýt vào chung kết nội dung 400 m hỗn hợp cá nhân nữ ở Olympic 2016, kém 0,31 giây so với Emily Overholt - người xếp cuối trong danh sách 8 VĐV vào chung kết. Ánh Viên đã có tổng cộng 25 HCV SEA Games, giành HCB FINA World Cup, HCĐ Asiad...

Không khó để thấy Ánh Viên vươn xa từ SEA Games đến Asiad thì khoản đầu tư hơn 30 tỷ có vai trò rất lớn. Đây là câu chuyện cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư VĐV trọng điểm. Chỉ có một sự tiếc nuối là Ánh Viên chưa thể có thành tích Olympic dù xuất phát điểm từng đạt chuẩn B Olympic 2021 ở nội dung 200 m bơi ngửa.

2. Trong khi đó, Lý Hoàng Nam là "VĐV triệu đô". Sự ra đời của Lý Hoàng Nam là bước ngoặt lớn để nói về chuyện doanh nghiệp đầu tư cho thể thao, thậm chí làm rất bài bản và tốn rất nhiều tiền.

Sau khi vô địch U10 tại Nha Trang vào năm 9 tuổi, Lý Hoàng Nam gia nhập Becamex Bình Dương - nơi đào tạo VĐV quần vợt từng đứng số một ở Việt Nam. "Cơn sốt" về Lý Hoàng Nam bắt đầu từ kỳ tích vô địch đôi nam trẻ Wimbledon 2015. Mọi thứ về Lý Hoàng Nam được tìm hiểu và con số đầu tư đã gây "choáng" cho nhiều người.

Đơn vị chủ quản đã đầu tư tiền tỷ cho Lý Hoàng Nam mới có thể tạo ra kỳ tích lịch sử kể trên. Mức kinh phí vào khoảng 200 nghìn USD (5 tỷ đồng). Đây là kinh phí bao gồm lương cho HLV ngoại dạy Lý Hoàng Nam, tập luyện và thi đấu từ trong nước đến nước ngoài. Sự đầu tư cho Lý Hoàng Nam có thêm điều đáng nói là kế hoạch 5 năm phát triển, với những mục tiêu cụ thể.

Lý Hoàng Nam là "VĐV triệu đô" của thể thao Việt Nam.

Lý Hoàng Nam là "VĐV triệu đô" của thể thao Việt Nam.

Rời lò Becamex Bình Dương, Lý Hoàng Nam đến một đơn vị mới ở Tây Ninh. Lý Hoàng Nam được đầu tư còn lớn hơn so với kinh phí của đơn vị cũ. So với Ánh Viên, kinh phí dành cho Lý Hoàng Nam nhiều hơn do có thời gian dài đến hiện tại. Ánh Viên chỉ diễn ra từ năm 2012 đến 2019.

Thành tích của Lý Hoàng Nam là vô cùng ấn tượng. Hoàng Nam có hai lần liên tiếp vô địch SEA Games, giành chức vô địch Wimbledon trẻ. Trong lịch sử quần vợt Việt Nam, Hoàng Nam là người đầu tiên vô địch SEA Games.

3. Khoảng đầu tư nhiều tỷ mỗi năm cho Lý Hoàng Nam đến 30 tỷ của Ánh Viên cho thấy rằng, một tài năng xuất chúng trong thể thao rất khó tìm nhưng muốn họ vươn tới đỉnh cao thì cần thêm điều kiện phải có rất nhiều tiền. Thể thao Việt Nam muốn có những VĐV đẳng cấp thì câu chuyện tiền là yếu tố rất quan trọng.

Nhìn ra Đông Nam Á, tấm huy chương vàng Olympic 2016 của kình ngư Joseph Schooling là lịch sử không chỉ riêng Singapore mà cả châu Á tự hào. Carlos Yulo (Philippines) giành 2 HCV Olympic 2024 là cột mốc lịch sử. Điểm chung của Joseph Schooling và Carlos Yulo là được đầu tư rất lớn.

Kình ngư Joseph Schooling giành HCV Olympic 2016.

Kình ngư Joseph Schooling giành HCV Olympic 2016.

Thể thao đỉnh cao cần có sự đầu tư lớn và VĐV muốn vươn tầm thế giới phải được đầu tư trọng điểm. Đây là câu chuyện quan trọng của thể thao Việt Nam nếu muốn "cất cánh" khỏi ao làng.

Văn Nhân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sao-sport/anh-vien-va-chuyen-nhieu-ty-dong-cua-vdv-trieu-do-202408211116585884.html
Zalo