30 nguy cơ, thách thức đe dọa an ninh phi truyền thống

Sáng 21-11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm 'Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước những thách thức toàn cầu'.

Khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: VGP

Khách mời tham dự tọa đàm. Ảnh: VGP

Các khách mời tham dự, gồm: Ông Lưu Văn Vinh, chuyên gia an ninh kinh tế, nguyên Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an thành phố Hải Phòng; ông Nguyễn Văn Sự, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại tá, TS Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang.

Các đánh giá cho thấy, an ninh phi truyền thống đang là thách thức đặt ra đối với toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Có khoảng 30 nguy cơ, thách thức, mối đe dọa an ninh phi truyền thống hiện hữu ngày càng rõ nét hơn và tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực từ kinh tế, xã hội, văn hóa đến quốc phòng, an ninh.

Một biểu hiện rõ ràng nhất, đó là trong năm 2024, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều nguy cơ an ninh phi truyền thống mà gần đây nhất là thiên tai, bão lũ, vấn đề môi trường, an ninh nguồn nước xảy ra trong tháng 9 liên quan đến cơn bão số 3 đi qua các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Nội và nhiều địa phương khác. Chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều cuộc tấn công mạng rất dữ dội nhằm vào các tập đoàn kinh tế lớn, ngoài ra còn rất nhiều vấn đề an ninh khác.

Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề an ninh phi truyền thống ở Việt Nam đang được triển khai ở nhiều nơi, với mỗi bộ, ngành chịu trách nhiệm một lĩnh vực riêng lẻ. Điều này dẫn đến sự phân tán và thiếu kết nối trong công tác quản lý và ứng phó. GS.TS Nguyễn Xuân Yêm đề xuất, Nhà nước, trực tiếp là Bộ Khoa học và Công nghệ cần quan tâm và triển khai một chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia về an ninh phi truyền thống. Chương trình này không chỉ tạo cơ sở khoa học vững chắc để nghiên cứu sâu hơn, mà còn thúc đẩy việc xây dựng các chính sách, chiến lược mang tính bền vững, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và sự phát triển ổn định trong bối cảnh mới.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác là cần tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Việc nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt để ứng phó hiệu quả với những thách thức mới trong bối cảnh an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp.

"Việt Nam không thể tự mình giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống mà cần tăng cường hợp tác quốc tế, đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong nước. Chỉ khi có sự hợp lực ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, chúng ta mới có thể chủ động ứng phó với các nguy cơ đang ngày càng phức tạp và khó lường", ông Nguyễn Xuân Yêm nhấn mạnh.

Ở góc nhìn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Văn Sự phân tích, khi hệ thống cơ sở vật chất vì biến đổi khí hậu tác động hay những sự cố mất an toàn tại kho, cảng… đều ảnh hưởng đến xăng dầu. Vì vậy trong quá trình đầu tư, đơn vị cố gắng đầu tư những công nghệ hiện đại nhất phù hợp với quy hoạch. Công nghệ phải hiện đại để trong mọi tình huống chúng ta có thể tránh được rủi ro xảy ra. Ví dụ, vừa qua bão số 3 gây ảnh hưởng lớn tại Hải Phòng và Quảng Ninh nhưng rất may mắn cầu tàu của Petrolimex và những cầu xuất, nhập đương đầu với gió bão cấp 12-13 vẫn không bị ảnh hưởng, bảo đảm nguồn cung thông suốt.

Bên cạnh hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, thông suốt từ kho, cảng đến cửa hàng xăng dầu, đơn vị rất quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, trong đó bao gồm cả nhận thức, tư duy, trình độ, đi từ thực tiễn, có những chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu. Làm chủ, bình tĩnh ứng phó trước mọi tình huống, dự báo từ an toàn thông tin, an toàn phòng, chống cháy nổ…

Các thể chế, quy định hiện nay phải cụ thể và nhận thức về vấn đề này xuyên suốt từ lãnh đạo cao nhất đến người lao động; phải có quy chế kiểm tra, kiểm soát, thực hiện tốt sẽ khen thưởng, vi phạm sẽ khiển trách, phê bình và có những hình thức xử lý phù hợp. Như vậy, cả hệ thống trên dưới một lòng cùng với hệ thống cơ sở vật chất tốt, hiện đại, với tổ hợp của 3 yếu tố này như kiềng 3 chân sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/30-nguy-co-thach-thuc-de-doa-an-ninh-phi-truyen-thong-685166.html
Zalo