30 ngày đặc biệt của y tế TP.HCM

Trong suốt 1 tháng kể từ khi TP.HCM công bố dịch sởi, toàn thành phố bước vào chuỗi ngày dồn lực kiểm soát virus lây lan trong từng con phố, ngõ hẻm.

Trong suốt 1 tháng kể từ khi TP.HCM công bố dịch sởi, toàn thành phố bước vào chuỗi ngày dồn lực kiểm soát virus lây lan trong từng con phố, ngõ hẻm.

- Bác sĩ ơi, giúp con tôi với...!

- Bác sĩ ơi, giúp con tôi với...!

Người phụ nữ lao ra khỏi phòng cách ly, hô lớn tìm sự trợ giúp. Nằm trên giường bệnh, cơ thể Hồng Vân run lên từng cơn. Cố gồng mình lại, nhưng cả tay và chân em đều không nghe lời, cứ run lên không kiểm soát.

Bác sĩ Trương Huỳnh Bảo Trân và điều dưỡng lập tức có mặt. Các thao tác gỡ dây truyền kháng sinh khỏi ven, dùng khăn lau người hạ sốt được thực hiện một cách nhanh chóng.

Tay chân run bần bật, miệng Vân cố bập bẹ vài tiếng trấn an: “Không sao đâu, không sao đâu, mẹ!”.

Đứa trẻ lớn nhất phòng bệnh

Vân lả đi sau nửa giờ đánh vật với cơn run. Sự mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt chi chít những đốm ban đỏ. Chị Hồng (41 tuổi, quê Long An) cặm cụi dùng khăn lau lưng, nách vẫn còn nóng hôi hổi của con gái để hạ sốt.

“Lớn như thế này rồi mà còn nằm viện vì bệnh sởi”, chị Hồng nhìn quanh phòng bệnh, ngậm ngùi nói.

15 tuổi tròn, Vân là bệnh nhi lớn nhất đang được điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1. Năm đứa trẻ khác nằm cùng phòng, bé lớn nhất năm nay vừa vào mẫu giáo, đứa nhỏ nhất chỉ vỏn vẹn hơn 4 tháng tuổi.

 Hồng Vân (15 tuổi) là đứa trẻ lớn nhất nằm trong phòng cách ly, điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Hồng Vân (15 tuổi) là đứa trẻ lớn nhất nằm trong phòng cách ly, điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Vài tháng trước, thấy con gái có dấu hiệu bất thường, chị Hồng đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để khám. Bé Vân được thông báo mắc lupus ban đỏ. Tính đến nay, cô bé đã ra vào viện tái khám 3 lần.

Buổi sáng như ngày thường, Vân lại đột nhiên sốt cao. Nghĩ con bị bệnh "hành", chị Hồng bắt xe từ Long An đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khám để an tâm. Bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh sởi, cả hai mẹ con đều ngơ ngác.

Xế chiều, Vân được chuyển đến phòng cách ly bệnh nặng để truyền thuốc. Khi nửa chai kháng sinh được truyền vào cơ thể cũng là lúc tay chân em bắt đầu run một cách mất kiểm soát, môi tái nhợt.

 Chị Hồng (áo xanh, mẹ của Vân) đứng cạnh nghe chỉ dẫn của bác sĩ, lo lắng khi nhìn con gái run lên từng cơn bần bật.

Chị Hồng (áo xanh, mẹ của Vân) đứng cạnh nghe chỉ dẫn của bác sĩ, lo lắng khi nhìn con gái run lên từng cơn bần bật.

Là “chị cả” của phòng cách ly, Vân có cách bày tỏ cảm xúc của riêng mình. Không khóc lóc hay kháng cự, mỗi lần được hỏi thăm, cô bé đều lắc đầu bảo “Không đau, không mệt”.

Tối muộn, trên người chị Hồng vẫn còn nguyên áo đồng phục công nhân để chuẩn bị cho ca làm buổi sáng. Chiếc balo vốn để đựng sách vở nay được thay thế bằng hai bộ quần áo và vài chiếc khăn nhỏ. Chẳng ai trong hai mẹ con sẵn sàng cho kỳ nhập viện dài ngày này.

“Cứ tưởng con bị bệnh nhẹ thôi, nào ngờ lại phải nhập viện thế này. Chẳng biết những ngày tới sẽ ra sao”, chị Hồng trầm ngâm.

Buổi tối tại nơi điều trị bệnh sởi lớn nhất TP.HCM

Là “điểm nóng” điều trị bệnh sởi tại TP.HCM, nhiều tháng nay, khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, sáng đèn 24/24h để tiếp nhận trẻ mắc bệnh sởi.

Phía sau tấm biển “Khu vực cách ly, cấm vào”, 3 phòng cách ly bệnh nhẹ, 1 phòng cách ly bệnh nặng, hầu như luôn đầy ắp bệnh nhi.

 Ngày cao điểm, khu vực cách ly của Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận hàng chục ca mắc sởi nặng, cần theo dõi điều trị 24/24h.

Ngày cao điểm, khu vực cách ly của Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận hàng chục ca mắc sởi nặng, cần theo dõi điều trị 24/24h.

Đêm đến, thời điểm ca bệnh vẫn liên tục đổ về khiến cường độ làm việc của các nhân viên y tế càng tăng cao. Hôm 13/9, kíp trực buổi tối với 4 bác sĩ, 5 điều dưỡng căng mình chăm sóc cho 110 bệnh nhi tại khoa Nhiễm - Thần kinh, và 40 đứa trẻ mắc bệnh sởi.

 Cơn sốt, ho dai dẳng kèm tiếng khóc của những đứa trẻ khiến các phòng bệnh sởi sáng đèn suốt đêm.

Cơn sốt, ho dai dẳng kèm tiếng khóc của những đứa trẻ khiến các phòng bệnh sởi sáng đèn suốt đêm.

“Đợt này, các điều dưỡng làm việc hết công suất, kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua gần như không ngơi tay”, vừa nói, tay nữ điều dưỡng thoăn thoắt phân thuốc cho từng bệnh nhi. Công việc này được các điều dưỡng thực hiện đều đặn 4-5 lần/ngày.

Cơn sốt đêm chẳng những dày vò đứa trẻ vốn đã yếu ớt mà còn tăng thêm nỗi nhọc nhằn, bất an cho bố mẹ.

 Buổi tối, tại khoa Nhiễm - Thần kinh có khoảng 4 bác sĩ, 5 điều dưỡng liên tục theo dõi, tiêm thuốc cho hàng chục bệnh nhi.

Buổi tối, tại khoa Nhiễm - Thần kinh có khoảng 4 bác sĩ, 5 điều dưỡng liên tục theo dõi, tiêm thuốc cho hàng chục bệnh nhi.

"Oe oe oe..."

Tiếng khóc yếu ớt của đứa trẻ vang lên, người đàn ông bật dậy sau chưa đầy một phút gục đầu lên giường bệnh.

Anh Trần Đình Văn (29 tuổi, Bình Thuận) khẽ vỗ vào chân con trai, miệng ngân nga tất cả những câu hát ru mà anh biết. Bé Thóc cựa quậy đôi chút rồi lại đi vào giấc ngủ, mặc kệ ngoài kia là tiếng mưa rả rích hòa cùng tiếng còi xe inh ỏi.

 Anh Trần Đình Văn (ngụ Bình Thuận) gục đầu bên giường bệnh con trai - đứa bé sinh non, mắc bệnh lý võng mạc và giờ thêm cả sởi.

Anh Trần Đình Văn (ngụ Bình Thuận) gục đầu bên giường bệnh con trai - đứa bé sinh non, mắc bệnh lý võng mạc và giờ thêm cả sởi.

Không có đèn lồng trung thu hay đồ chơi như những đứa trẻ cùng phòng, đầu giường của Thóc là cơ man thuốc. Một lọ thuốc dùng để nhỏ mắt, một lọ thuốc nhỏ mũi. Chăng từ phía đầu giường đến giữa giường bệnh là dây nối với máy thở oxy.

Anh Văn gọi Thóc là “đứa trẻ lớn lên trong bệnh viện”. Lọt lòng khi mới ở tháng thứ 6 thai kỳ, Thóc được giữ trong lồng ấp suốt 2 tháng đầu đời để bảo vệ cơ thể non nớt. 2 tháng tuổi, em lại nhập viện do bệnh lý võng mạc.

 Không khí trong khoa lúc nào cũng căng thẳng nhưng bác sĩ, điều dưỡng và bố mẹ vẫn cố để cho những đứa trẻ đón một trung thu với đèn lồng, quà bánh.

Không khí trong khoa lúc nào cũng căng thẳng nhưng bác sĩ, điều dưỡng và bố mẹ vẫn cố để cho những đứa trẻ đón một trung thu với đèn lồng, quà bánh.

Chưa đầy nửa tháng sau, anh Văn lại hối hả ôm con đến bệnh viện vì cả người nổi u nhọt. Về nhà chưa được bao lâu thì Thóc lại sốt cao, người nổi ban lốm đốm, lại một lần nữa đứa trẻ phải nằm viện với bệnh sởi.

Thóc cũng chưa một lần được gặp mẹ.

Mẹ Thóc bị viêm màng não, phải nằm viện suốt nhiều tháng ròng. Đứa trẻ sinh non, còi cọc lại thiếu dòng sữa nóng và hơi ấm của mẹ. “Bác sĩ chưa nói khi nào được về. Chắc cũng còn khá lâu”, anh Văn nói.

Chiến dịch tiêm chủng cho tất cả trẻ 1-10 tuổi

Trước khi công bố dịch sởi vào ngày 27/8, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã nhận thấy khoảng trống miễn dịch, gây nguy cơ cho đợt bùng phát lớn nếu không nhanh chóng "vá lỗ thủng". Hàng loạt cuộc họp chuyên môn để tìm phương án đối phó đã diễn ra.

Qua đánh giá tình hình thực tế, ghi nhận ý kiến chuyên gia, ngành y tế định hướng phương án mũi nhọn để chống dịch sởi lần này là tiêm vaccine cho trẻ em toàn thành phố. Mục tiêu cuối cùng là tạo được miễn dịch cộng đồng càng nhanh càng tốt.

 TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu (áo xanh), Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trực tiếp đến điểm tiêm vaccine sởi tại phường An Lạc (quận Bình Tân) trong ngày đầu của Chiến dịch.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu (áo xanh), Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trực tiếp đến điểm tiêm vaccine sởi tại phường An Lạc (quận Bình Tân) trong ngày đầu của Chiến dịch.

Ngày 31/8, đồng loạt 310 điểm tiêm ở các quận huyện, TP Thủ Đức ra quân thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Chiến dịch diễn ra trong một tháng, hoàn toàn miễn phí, đợt đầu sẽ tiêm cho trẻ từ 1-5 tuổi.

Đợt tiêm thứ 2 sẽ tiêm bù cho trẻ từ 6-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi. Ước tính có khoảng 125.000 trẻ cần được tiêm vaccine.

 Với mục tiêu miễn dịch cộng đồng trên 95%, các điểm tiêm chủng ở trạm y tế luôn đông kín phụ huynh và trẻ nhỏ.

Với mục tiêu miễn dịch cộng đồng trên 95%, các điểm tiêm chủng ở trạm y tế luôn đông kín phụ huynh và trẻ nhỏ.

Ôm chặt con gái đang mếu máo sau mũi tiêm, chị Lữ Thị Thúy An (38 tuổi, quê An Giang) vuốt ve, cố xoa dịu tiếng khóc của đứa trẻ.

Chị An cho hay con gái đã tiêm một mũi vaccine sởi khi 9 tháng tuổi, vợ chồng dự tính đưa bé đi tiêm mũi thứ 2 khi con đủ 18 tháng. Khi được thông báo tiêm ngay mũi 2, chị liền thu xếp công việc đưa con đi.

Giống như nhiều phụ huynh khác, chị An cũng lo lắng sau khi tiêm con sẽ bị phản ứng phụ. Tuy nhiên, cân nhắc giữa việc con có thể mắc bệnh sởi trong đợt dịch này và diễn tiến nặng với phản ứng phụ hiếm khi xảy ra, chị lựa chọn cho con tiêm vaccine.

 Chị Thúy An đưa con gái đi tiêm tại Trạm Y tế phường An Lạc (Bình Tân) trong Chiến dịch tiêm vaccine sởi của Sở Y tế TP.HCM.

Chị Thúy An đưa con gái đi tiêm tại Trạm Y tế phường An Lạc (Bình Tân) trong Chiến dịch tiêm vaccine sởi của Sở Y tế TP.HCM.

Với số lượng ước tính ban đầu 125.000 trẻ độ tuổi 1-10 cần tiêm vaccine, nhưng sau một tuần triển khai Chiến dịch, cả thành phố chỉ đạt 20.000 mũi tiêm.

Từ ngày 7/9, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục khởi động chiến dịch tiêm tại trường học, mặc dù vậy, tiến độ tiêm vẫn chậm, trong khi nguồn vaccine và các đội tiêm không thiếu.

Điều này khiến lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM "sốt ruột", yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.

 Công tác tiêm chủng khẩn trương tại Trạm y tế phường Tân Tạo A (quận Bình Tân) sáng 31/8.

Công tác tiêm chủng khẩn trương tại Trạm y tế phường Tân Tạo A (quận Bình Tân) sáng 31/8.

Ngày 16/9, Chiến dịch tiêm vaccine của Sở Y tế TP.HCM bước sang cột mốc mới khi các đơn vị tiêm chủng tư nhân tham gia đồng hành.

Ba cơ sở gồm Hệ thống VNVC, FPT Long Châu, Phòng khám 315 với tổng cộng 112 điểm tiêm chủng đã giúp người dân có thêm lựa chọn thuận tiện để đưa trẻ đi tiêm.

Trong cuộc họp giao ban phòng, chống dịch sởi trên địa bàn chiều 18/9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy đề nghị các địa phương tiếp tục khẩn trương rà soát trẻ chưa tiêm vaccine sởi và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch trong trường học.

 Phụ huynh đưa con đi tiêm vaccine sởi tại Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Phụ huynh đưa con đi tiêm vaccine sởi tại Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Đến cơ sở tiêm chủng VNVC từ sáng sớm, ngồi đợi hơn 10 phút, anh Nguyễn Thành Trung bế con trai vừa tròn 10 tháng tuổi vào phòng tiêm. Đây là mũi vaccine sởi đầu tiên của bé.

Anh Trung chia sẻ lúc con đủ 9 tháng tuổi có đưa đi tiêm phòng sởi ở cơ sở y tế khác nhưng được báo hết vaccine. Do vậy, bé được tiêm vaccine viêm não Nhật Bản trước. Một tháng sau, vợ chồng anh đưa con đi tiêm vaccine sởi, lúc này cũng là thời điểm số ca mắc bệnh tăng cao.

“Nếu không chủng ngừa thì nguy cơ mắc bệnh sởi và bị các biến chứng nguy hiểm hơn, nên tôi chủ động cho con đi tiêm”, anh Trung cho hay.

 Gia đình anh Nguyễn Thành Trung đưa cậu con trai 10 tháng tuổi đi tiêm vaccine tại cơ sở tiêm chủng VNVC.

Gia đình anh Nguyễn Thành Trung đưa cậu con trai 10 tháng tuổi đi tiêm vaccine tại cơ sở tiêm chủng VNVC.

Với sự vào cuộc của các đơn vị công lập và tư nhân, tính đến hết ngày 25/9, TP.HCM đã tiêm tổng cộng 169.330 mũi vaccine sởi.

Trong đó, trẻ từ 1-5 tuổi đã tiêm được 38.283/47.015 mũi (đạt 80,58%). Trẻ từ 6-10 tuổi là 119.598/154.101 mũi (đạt 77,61%). Chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi đạt 78% theo kế hoạch.

 Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, là điểm nóng điều trị sởi tại TP.HCM.

Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, là điểm nóng điều trị sởi tại TP.HCM.

Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định dịch sởi ở TP.HCM đang chững lại. Điều này cho thấy chiến dịch tiêm vaccine đã có hiệu quả.

 Phòng cách ly, điều trị sởi ở Bệnh viện Nhi đồng 1 những ngày cuối tháng 9 cũng đã thoáng hơn, im ắng hơn.

Phòng cách ly, điều trị sởi ở Bệnh viện Nhi đồng 1 những ngày cuối tháng 9 cũng đã thoáng hơn, im ắng hơn.

Sau gần một tháng nỗ lực, ngành y tế TP.HCM vẫn đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng chiến dịch, hướng đến mục tiêu công bố hết dịch sởi vào giữa tháng 10.

Song, ngành y tế còn nhiều việc phải làm. Trong đó, điều quan trọng nhất là tiếp tục rà soát tiêm vét chặc chẽ hơn nữa, vì hiện nay một số quận, huyện công bố tỷ lệ tiêm chủng đạt 100% nhưng trong trường học, ca bệnh vẫn còn lác đác xuất hiện.

Thuận Nguyễn - Kỳ Duyên - Khương Nguyễn - Duy Hiệu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/30-ngay-dac-biet-cua-y-te-tphcm-post1499365.html
Zalo