30 năm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long

Từ khi được UNESCO vinh danh lần đầu tiên vào năm 1994, vịnh Hạ Long luôn được quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Tập thể Ban Quản lý vịnh Hạ Long - những con người luôn thể hiện trách nhiệm cao với công tác bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị vịnh Hạ Long (Ảnh: Ban quản lý vịnh Hạ Long)

Tập thể Ban Quản lý vịnh Hạ Long - những con người luôn thể hiện trách nhiệm cao với công tác bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị vịnh Hạ Long (Ảnh: Ban quản lý vịnh Hạ Long)

Những giá trị vô giá

Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào năm 1994 về giá trị cảnh quan tự nhiên và mở rộng tiêu chí địa chất - địa mạo vào năm 2000. Năm 2009, vịnh Hạ Long cùng với 9 địa danh khác được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2011, vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Năm 2023, tại Kỳ họp thường niên lần thứ 45, Ủy ban Di sản thế giới đã ban hành Quyết định số 45 COM 8B.3 phê duyệt mở rộng ranh giới Di sản thế giới vịnh Hạ Long bao gồm cả quần đảo Cát Bà (TP. Hải Phòng).

Thế giới luôn ghi nhận giá trị thẩm mỹ cảnh quan vịnh Hạ Long - một tác phẩm điêu khắc kỳ vĩ của tự nhiên với hàng ngàn đảo đá vôi lớn, nhỏ nhô lên từ mặt biển, với muôn hình vạn trạng, tạo nên một cảnh quan hoang sơ tuyệt mỹ. Nét nổi bật của vịnh Hạ Long chính là những đảo, tháp đá vôi tuyệt đẹp cùng hệ thống hang động, hàm ếch độc đáo.

Trong giá trị địa chất - địa mạo, vịnh Hạ Long được khẳng định là một cảnh quan karst trưởng thành trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm bị biển xâm lấn, biến cải nhiều lần và hiện vẫn ngập chìm trong nước biển. Đây là nơi quy tụ gần như đầy đủ các dạng cơ bản của địa hình karst như đồng bằng karst, phễu và thung lũng, chóp và tháp karst cùng hệ thống các hang động đa dạng về quy mô và nguồn gốc hình thành.

Trên vịnh Hạ Long hiện có 8 hành trình tham quan, du lịch và 5 cụm, điểm lưu trú nghỉ đêm. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên vịnh gồm: tham quan hang động, ngắm cảnh; lưu trú nghỉ đêm; vui chơi giải trí, tắm biển; chèo kayak, chèo đò...

Có 502 tàu du lịch đăng ký hoạt động trên vịnh, trong đó có 323 tàu tham quan, 177 tàu lưu trú, 4 tàu nhà hàng và 7 du thuyền khám phá. Ngoài ra, có 590 kayak, 100 đò chèo tay, 31 xuồng cao tốc và 134 tender chuyển tải khách tham quan.

Từ năm 1996 đến hết tháng 9/2024, vịnh Hạ Long đã đón tiếp trên 56,3 triệu lượt khách (30,5 triệu lượt khách nước ngoài), thu phí tham quan đạt gần 8.600 tỷ đồng.

Vịnh Hạ Long còn được đánh giá là khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao với trên 3.000 loài động thực vật sinh sống trong nhiều kiểu hệ sinh thái đa dạng đặc thù của vùng biển núi đá vôi. Đó là hệ sinh thái tùng, áng, hang động, rạn san hô, rừng ngập mặn, rừng thường xanh trên núi đá vôi...

Với đất nước ta, vịnh Hạ Long còn có giá trị vô giá về văn hóa - lịch sử. Từ những di chỉ, di vật được tìm thấy, các nhà khoa học đã nhận định, vịnh Hạ Long là nơi cư trú của người Việt cổ có niên đại cách ngày nay 18.000 - 3.500 năm.

Vịnh Hạ Long được quản lý, bảo tồn tốt

Từ khi vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh lần đầu tiên, Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung đã làm rất tốt nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới đúng với luật pháp Việt Nam cũng như Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Những cơ chế, chính sách và mô hình, nguồn nhân lực quản lý di sản đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai tích cực. Việc thành lập Ban Quản lý vịnh Hạ Long và ban hành Quy chế tạm thời quản lý vịnh Hạ Long đã được triển khai ngay từ năm 1995. Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020.

Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ di sản, như: Luật Di sản văn hóa, Nghị định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. Tỉnh Quảng Ninh ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long. Mô hình, cơ chế quản lý di sản thường xuyên được nghiên cứu, điều chỉnh nhằm quản lý, bảo tồn di sản hiệu quả nhất, phát huy tối đa chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, trong đó có Ban Quản lý vịnh Hạ Long - cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh, chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các hoạt động bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long.

Trong những năm qua, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã độc lập nghiên cứu và chủ động phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước xây dựng và triển khai thực hiện gần 20 đề tài nghiên cứu khoa học về các giá trị tiêu biểu của vịnh Hạ Long.

“Các đề tài nghiên cứu đã từng bước làm sáng tỏ những giá trị của vịnh Hạ Long, làm cơ sở đưa ra giải pháp quản lý, bảo tồn hiệu quả, phục vụ tốt công tác phát huy, khai thác giá trị của di sản. Bên cạnh đó, giá trị di sản còn thường xuyên được giám sát, đánh giá trước tác động, biến đổi của môi trường, khí hậu và ảnh hưởng từ các hoạt động kinh tế - xã hội. Mô hình quản lý 24/24h được phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ, giám sát nguồn tài nguyên di sản”, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng ban Ban quản lý vịnh Hạ Long khẳng định.

Trong thời gian qua, nhiều giải pháp mang tính tiên phong, đột phá thể hiện sự quyết tâm, ưu tiên bảo tồn nguyên vẹn các giá trị di sản, bảo vệ đa dạng sinh học được triển khai thực hiện, đó là di dời các hộ dân làng chài trên vịnh lên bờ sinh sống từ năm 2014, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi cho người dân...

Quảng Ninh thường xuyên triển khai các hoạt động khảo sát, lập hồ sơ các giá trị di sản nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bền vững luôn đi đôi với kiểm soát và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Việc thu gom, xử lý rác thải rất được coi trọng, đẩy mạnh. Công tác thu gom, xử lý nước thải khi thải ra môi trường có kết quả rất tích cực. Quảng Ninh đã giảm được 90% lượng rác thải nhựa dùng 1 lần phải thu gom tại các điểm tham quan trên vịnh, thay thế được 94% phao xốp trên các công trình nổi trên vịnh.

Hoạt động tuyên truyền, quảng bá vịnh Hạ Long được đa dạng hóa về hình thức, phong phú về nội dung và nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Điển hình là việc đưa chương trình giáo dục bảo vệ di sản vào trường học từ năm học 2000 - 2001; tổ chức thành công mô hình giáo dục con thuyền sinh thái Ecoboat - một hoạt động ngoại khóa về bảo vệ môi trường trên vịnh Hạ Long từ năm 2005; xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn giáo dục bảo vệ môi trường sinh thái vịnh Hạ Long, bộ quy tắc ứng xử “Văn minh du lịch”, “Nụ cười Hạ Long”...

Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trên vịnh Hạ Long được quản lý chặt chẽ. Cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động trên vịnh được tăng cường. Cơ sở hạ tầng tại các điểm tham quan, điểm lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long được chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo theo Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long.

Ngoài ra, Ban Quản lý vịnh Hạ Long tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng với Văn phòng UNESCO Hà Nội, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… trong chương trình đào tạo, tập huấn về di sản, bảo vệ môi trường.

Du lịch trên vịnh Hạ Long luôn gắn với việc bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới (Ảnh:T.Tân)

Du lịch trên vịnh Hạ Long luôn gắn với việc bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới (Ảnh:T.Tân)

Phát huy giá trị di sản vịnh Hạ long

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương, việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản theo tinh thần Công ước Di sản thế giới và tuân thủ luật pháp của Việt Nam luôn là một nhiệm vụ quan trọng. Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, mở ra những triển vọng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo ông Vũ Kiên Cường, để làm tốt hơn nữa việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, cần thực thi nghiêm túc, đồng bộ các cam kết bảo tồn di sản theo công ước quốc tế, bám sát các quy định của pháp luật về quản lý di sản; kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý di sản cũng như tăng cường vai trò, trách nhiệm, sự hợp tác chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ di sản thế giới giữa các cơ quan, đơn vị liên quan, giữa tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng.

Quảng Ninh sẽ hoàn thiện Quy hoạch Bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Kế hoạch Quản lý di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch Phát triển du lịch bền vững di sản thế giới vịnh Hạ Long giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát thực tế việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mới đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao như: phát triển các bãi tắm, tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật thời gian ngắn tại các hang động. Mở rộng không gian du lịch, kết nối vịnh Hạ Long với các khu vực lân cận nhằm điều tiết lượng khách tham quan vịnh Hạ Long.

Hải Long

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/30-nam-quan-ly-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-vinh-ha-long-d237771.html
Zalo