3 vướng mắc điển hình đối với doanh nghiệp về quy định 'Made in Vietnam'

Cho rằng cộng đồng doanh nghiệp có nhu cầu trong việc xác định xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước, Bộ Công Thương đã nêu 3 trường hợp điển hình doanh nghiệp vướng mắc về vấn đề này.

Bộ Công Thương vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Với hàng hóa sản xuất trong nước, bao gồm cả hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được thể hiện "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Hiện chưa có quy định như thế nào thì được thể hiện "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" cho hàng hóa sản xuất trong nước.

Hiện chưa có quy định như thế nào thì được thể hiện "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" cho hàng hóa sản xuất trong nước.

Việc thiếu vắng các quy định về cách xác định như thế nào là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ hay nguồn gốc trên nhãn sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Bộ Công Thương nêu 3 trường hợp điển hình doanh nghiệp gặp vướng mắc trong việc xác định xuất xứ hàng hóa lưu thông trong nước.

Trường hợp 1: Công ty thực hiện lắp ráp một số mặt hàng điện tử với linh kiện nhập khẩu từ ngước ngoài và/hoặc mua trong nước với tỷ lệ là 90%. Trong đó, đối với sản phẩm tivi, công ty thực hiện thiết kế sản phẩm, thiết kế bo mạch điện tử, hiệu chỉnh phần mềm, xây dựng ứng dụng cho sản phẩm, sau đó mua linh kiện từ nhà cung cấp hoặc nhập khẩu để lắp ráp tại Việt Nam.

Với quy trình sản xuất như vậy, khi các sản phẩm được bán, tiêu thụ và bảo hành tại thị trường Việt Nam thì công ty cần ghi xuất xứ trên sản phẩm như thế nào?

Trường hợp 2: Công ty thực hiện nhập khẩu màng lọc RO, là linh kiện trong sản phẩm máy lọc nước RO của công ty, từ Mỹ và tiến hành đóng gói, tạo sản phẩm hoàn chỉnh tại nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm được bán tại thị trường Việt Nam có cấu thành như sau: màng lọc RO nhập khẩu (86,3%), vỏ màng bọc nhập khẩu (12,2%), còn lại là chi phí sản xuất tại Việt Nam (nhân công, máy móc, đóng gói...).

Với tỷ lệ cấu thành như trên của màng lọc RO thì công ty sẽ thông tin xuất xứ Mỹ hay Việt Nam trên bao bì và tem nhãn sản phẩm khi sản phẩm được bán tại thị trường Việt Nam?

Trường hợp 3: Công ty sản xuất đồ chơi trẻ em để bán tại thị trường Việt Nam. Công đoạn cắt, may đầu tiên được thực hiện tại Trung Quốc, sau đó nhập khẩu về Việt Nam và nhà máy sản xuất tại Việt Nam thực hiện tiếp các công đoạn may, khâu, đính nhãn, nhồi bông, lộn bề mặt sản phẩm, khâu phần móc...

Với những công đoạn thực hiện ở Việt Nam như vậy thì sản phẩm đồ chơi của công ty có thể được xác định và gắn nhãn “Made in Vietnam” không? Nếu không đáp ứng để được gắn nhãn “Made in Vietnam” thì công đoạn nào trong quy trình sản xuất bắt buộc phải thực hiện tại Việt Nam? Tỷ lệ giá trị nội địa của sản phẩm đạt trên 30% thì có được ghi nhãn “Made in Vietnam” không?

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

Trường hợp điển hình như vụ việc xảy ra vào cuối năm 2017, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện trong cửa hàng của hệ thống Khai Silk có việc giả mạo xuất xứ, cụ thể là hàng khăn lụa Trung Quốc thay thành mác “Made in Vietnam”.

Hay như Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo nhập khẩu các linh kiện điện tử từ Trung Quốc về Việt Nam lắp ráp, sau đó đưa ra thị trường Việt Nam với nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam.

Bên cạnh đó, tình trạng hàng hóa nước ngoài chỉ trải qua công đoạn gia công đơn giản, đóng gói tại Việt Nam nhưng cũng dán nhãn “Made in Vietnam” rồi xuất khẩu đi nước thứ ba tiềm ẩn nguy cơ về gian lận xuất xứ. Mặc dù nhãn “Made in Vietnam” không có giá trị thay thế cho chứng từ chứng nhận xuất xứ, nhưng việc ghi nhãn như vậy có thể gây hiểu nhầm hoặc nhận biết sai về hàng hóa của Việt Nam, dẫn đến việc nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp hạn chế hàng hóa của Việt Nam.

Xuất phát từ thực tế này, Bộ Công Thương cho rằng, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định bộ tiêu chí để các doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó xác định chính xác hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, tránh phát sinh tranh cãi, thậm chí thiệt hại không đáng có.

Dự kiến, Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thông qua đề nghị xây dựng Nghị định vào tháng 11/2024. Tổ chức soạn thảo và lấy ý kiến các bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan từ tháng 12/2024 đến tháng 5/2025.

Dự thảo nghị định sẽ được hoàn thiện vào tháng 6, 7/2025. Sau đó, gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 8/2025, hoàn thiện dự thảo nghị định theo ý kiến thẩm định vào tháng 9/2025 trước khi trình Chính phủ ban hành Nghị định vào tháng 10/2025.

Trong báo cáo gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8/2023, Bộ Công Thương nêu hàng loạt vướng mắc, giải thích nguyên do sau 5 năm vẫn chưa thể đưa ra quy định, điều kiện thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam) với hàng hóa lưu thông trong nước.

Bộ Công Thương cho rằng, việc ban hành quy định, điều kiện mới, có khả năng phát sinh chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp là chưa phù hợp. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng Bộ Tư pháp và các bộ, ngành nghiên cứu, xử lý những vướng mắc về thẩm quyền ban hành thông tư và xem xét ban hành quy định này theo thẩm quyền tại thời điểm thích hợp để hạn chế tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/3-vuong-mac-dien-hinh-doi-voi-doanh-nghiep-ve-quy-dinh-made-in-vietnam/20240816022803883
Zalo