3 tuần thực hiện Nghị định 168: Xử phạt giảm, ý thức tăng

Theo Bộ Công an, Tổ chức Y tế Thế giới (Bà Angela Pratt, đại diện WHO tại Hà Nội) đã hoan nghênh, đánh giá thành công của Việt Nam trong việc cải thiện an toàn giao thông là đã áp dụng một cách tiếp cận toàn diện.

Bộ Công an cho biết, sau gần 3 tuần thực hiện Nghị định số 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (Nghị định 168), lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý 230.672 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ. So với thời gian trước liền kề, xử phạt giảm 18.122 trường hợp (-7,3%).

Qua tổng hợp, đánh giá cho thấy, số vi phạm đã giảm rõ rệt, đặc biệt là nhóm các vi phạm dễ dẫn tới tai nạn giao thông như: không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông giảm 7,3%, vi phạm tốc độ giảm 28%, vi phạm nồng độ cồn giảm 13,5%, vi phạm tải trọng, cơi nới thành thùng xe giảm 34,5%.

Tình hình TNGT cũng đã có chuyển biến tích cực, trong đó TNGT đường bộ giảm trên cả 03 tiêu chí là số vụ, số người chết và số người bị thương.

Theo Bộ Công an, sau 3 tuần thực hiện Nghị định 168, tình trạng xử phạt vi phạm trật tự ATGT có xu hướng giảm khi ý thức người tham gia giao thông đã được cải thiện.

Theo Bộ Công an, sau 3 tuần thực hiện Nghị định 168, tình trạng xử phạt vi phạm trật tự ATGT có xu hướng giảm khi ý thức người tham gia giao thông đã được cải thiện.

Cũng theo Bộ Công an, bộ mặt giao thông đã thay đổi với những tín hiệu đáng mừng, tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều của đường một chiều…đã giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn.

Người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng CSGT kiểm tra, kiểm soát, đã dần thay đổi về nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng công dân, từng bước hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, tạo hình ảnh giao thông văn minh.

Nghị định 168 không chỉ tập trung vào việc xử phạt vi phạm mà còn thể hiện tính nhân văn trong việc bảo vệ quyền lợi, sức khỏe và an toàn của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là người già và trẻ em (như: quy định nhường đường cho người đi bộ, quy định về việc sử dụng ghế ngồi an toàn cho trẻ em trong ô tô…), từ đó, góp phần xây dựng một xã hội an toàn hơn cho tất cả mọi người.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công an việc trừ điểm trên Giấy phép lái xe đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp tục điều khiển phương tiện khi có hành vi vi phạm giao thông mà chưa bị trừ hết điểm, đảm bảo cuộc sống hằng ngày, vừa tự quản lý, ý thức về số điểm còn lại để tham gia giao thông một cách chủ động, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng và xã hội.

Tổ chức Y tế Thế giới (Bà Angela Pratt, đại diện WHO tại Hà Nội) đã hoan nghênh, đánh giá thành công của Việt Nam trong việc cải thiện an toàn giao thông là đã áp dụng một cách tiếp cận toàn diện đối với các vấn đề: luật pháp, thực thi pháp luật, cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn an toàn phương tiện…

Các báo chí trong nước và nước ngoài đánh giá quyết tâm của Việt Nam trong thiết lập an toàn giao thông, khẳng định an toàn giao thông chính là một hình thức quảng cáo kêu gọi đầu tư nước ngoài, quảng bá du lịch, "giữ chân" khách du lịch và thúc đẩy khách du lịch quay trở lại Việt Nam.

Tại các nút giao, người dân đã tuân thủ nghiêm chỉnh hiệu lệnh của đèn tín hiệu, xếp hàng trật tự, không còn tình trạng điều khiển phương tiện tùy tiện, dừng đỗ chen lấn vào các làn đường, chiều đường… Từ đó, tình trạng ùn ứ giao thông không kéo dài, chỉ xuất hiện cục bộ, sau từ 2 đến 3 nhịp đèn tín hiệu thì có thể lưu thông.

Việc ùn tắc giao thông tại các nút giao hiện nay giống tình trạng ở các nước tiên tiến hoặc các nước trong khu vực. Ví dụ như Thái Lan, tuy ùn tắc nhưng rất trật tự, không có tình trạng chen lấn, "điền vào chỗ trống"... Việc điều tiết, phân luồng giao thông để giải tỏa ùn tắc giao thông sẽ thuận tiện hơn rất nhiều, khách quốc tế đến Việt Nam đánh giá cao việc chấp hành của người dân và cho rằng nếu thực hiện tốt sẽ tiệm cận với các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Nghị định 168 là quy định mới, tác động lớn đến người dân (nhất là việc tăng nặng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm), quá trình triển khai thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến đèn tín hiệu, biển báo hiệu; một số các đối tượng lợi dụng trang mạng xã hội đưa những thông tin sai lệch, trái chiều...

Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, quá trình thực hiện, lực lượng CSGT vừa hướng dẫn, vừa tuyên truyền, xử lý giúp người dân hiểu, đồng thuận, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về TTATGT.

Cục CSGT đã và đang tiếp tục phối hợp với Ngành giao thông vận tải rà soát cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ (đèn tín hiệu giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, các điểm dừng đỗ…), công tác tổ chức giao thông để kiến nghị, khắc phục ngay những điểm bất hợp lý.

Lực lượng CSGT sẽ nghiêm túc, quyết liệt trong xử lý vi phạm, với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ";đồng thời, cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và của Bộ Công an; ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm có hành vi chống đối, chống người thi hành công vụ...

Minh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/3-tuan-thuc-hien-nghi-dinh-168-xu-phat-giam-y-thuc-tang-169250121194505788.htm
Zalo