3 thảm kịch chết người xảy ra ở châu Á chỉ trong một tháng

Chuyên gia cho rằng 3 thảm kịch chết người liên quan đến đám đông trong tháng 10 ở châu Á là lời nhắc nhở về việc giới chức phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn công cộng.

Hơn 400 người đã thiệt mạng trong một loạt thảm kịch liên quan đến đám đông ở châu Á vào tháng 10.

Tại Ấn Độ, ít nhất 141 người đã qua đời sau khi một cây cầu treo chật kín người bị sập ở thị trấn Morbi, bang Gujarat, theo AP. Trong khi đó, 156 người đã thiệt mạng sau thảm kịch giẫm đạp ở Itaewon (Seoul) khi đến đây tham dự lễ hội Haloween.

Trước đó, một vụ bạo loạn sân cỏ ở Indonesia cũng cướp đi sinh mạng của hơn 130 người, theo Reuters. Tổng thống Indonesia sau đó đã yêu cầu phá dỡ sân vận động này và “xây dựng lại theo tiêu chuẩn của FIFA”.

Nguyên nhân của ba tình huống là khác nhau, dù các chuyên gia cho rằng yếu kém trong công tác kiểm soát đám đông đã góp phần gây ra thảm họa ở Indonesia và Hàn Quốc. Tại Ấn Độ, nhà chức trách đang điều tra xem liệu cây cầu, vốn được sửa chữa gần đây, có được nghiệm thu đúng cách hay không.

Giẫm đạp chết chóc ở Hàn Quốc

Tại Seoul (Hàn Quốc), 156 người đã thiệt mạng khi hơn 100.000 người đổ về khu phố đêm Itaewon vào hôm 29/10 để tham dự lễ Halloween. Đây là lễ hội Halloween đầu tiên được tổ chức kể từ khi các quy định Covid-19 nghiêm ngặt của quốc gia này được dỡ bỏ.

Các con hẻm nhỏ và dốc trở nên chật cứng người qua lại, dẫn đến tình trạng “đám đông hỗn loạn”. Tình trạng này xảy ra khi mọi người tập trung đông đến mức họ không có toàn quyền kiểm soát các chuyển động của mình và đám đông đi lại liên tục như thể thống nhất.

 Đội cứu hộ và lính cứu hỏa làm việc tại nơi xảy ra vụ giẫm đạp vào tối 30/10. Ảnh: Reuters.

Đội cứu hộ và lính cứu hỏa làm việc tại nơi xảy ra vụ giẫm đạp vào tối 30/10. Ảnh: Reuters.

Milad Haghani, một nhà nghiên cứu tại Đại học New South Wales (Sydney), nhận định trong trường hợp đó, không ai được có hành vi gây hấn hay cố ý chèn ép.

Ông Haghani, người đã nghiên cứu hơn 275 thảm kịch liên quan đến đám đông từ năm 1902, cho biết khi mật độ đám đông đạt đến mức ước tính trong tối 29/10 ở Itaewon, nhiều người có thể ngã xuống, từ đó gây ra hiệu ứng domino.

Tuy nhiên, điều đó cũng có thể được phòng ngừa, ông nói.

Chính quyền Seoul đã hứng chỉ trích vì chỉ có 137 cảnh sát được bố trí khu vực này để đối phó với đám đông lớn như vậy. Trong khi đó, các quan chức thường xuyên điều động thêm nhiều cảnh sát để kiểm soát những cuộc tuần hành ở thủ đô.

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 1/11, Cảnh sát trưởng quốc gia Yoon Hee Keun cho biết ông cảm thấy "trách nhiệm nặng nề" trước thiệt hại lớn về nhân mạng như vậy.

Qua việc nhìn lại những lễ hội trong quá khứ và tính đến yếu tố các hạn chế liên quan đến Covid-19 đã được dỡ bỏ, giới chức có thể dễ dàng đoán trước được đám đông sẽ lớn tới mức như vậy, ông Haghani nói.

Theo ông, điều quan trọng hơn cả là việc điều động bổ sung cảnh sát.

Hong Ki Hyun, lãnh đạo bộ phận quản lý trật tự công cộng của cảnh sát quốc gia Hàn Quốc thừa nhận lực lượng này không lường trước được con số thương vong lớn trong thảm họa giẫm đạp tại Itaewon hôm 29/10, theo Korea Times.

Bạo loạn sân cỏ ở Indonesia

Trong khi đó, Indonesia vẫn đang điều tra thảm kịch ngày 1/10 tại một sân vận động bóng đá, khiến 135 người chết, trong đó có hàng chục trẻ em. Cảnh sát đã bắn hơi cay vào sân vận động sau khi đám đông tràn vào sân. Nhiều người đã đổ xô về phía lối ra, gây ra vụ chen lấn xô đẩy.

Soehatman Ramli, Chủ tịch Tổ chức An toàn Thế giới ở Indonesia, khẳng định vụ việc cho thấy điều gì có thể xảy ra nếu không có kế hoạch quản lý rủi ro thích hợp cùng kế hoạch hành động trong trường hợp khẩn cấp.

 Cảnh bạo loạn tại sân vận động ở Indonesia hồi đầu tháng 10. Ảnh: Reuters.

Cảnh bạo loạn tại sân vận động ở Indonesia hồi đầu tháng 10. Ảnh: Reuters.

“Các kế hoạch này nên bao gồm các tuyến đường sơ tán và quản lý đám đông để kiểm soát những tình huống hoảng loạn”, ông Ramli nói.

Theo Reuters, mức độ nghiêm trọng của thảm họa sân cỏ này là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm việc sân vận động vượt quá sức chứa, yếu kém trong lập kế hoạch đảm bảo an toàn, cũng như thiếu liên lạc giữa ban tổ chức và cảnh sát.

Các nhà chức trách đã cách chức cảnh sát trưởng của tỉnh Đông Java và thành phố Malang, đồng thời đình chỉ các sĩ quan khác vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Đội điều tra do Tổng thống Indonesia Joko Widodo thành lập đã kết luận hơi cay là nguyên nhân chính của thảm kịch. Theo ông Haghani, kết luận này không có gì đáng ngạc nhiên.

Ông Haghani chỉ ra rằng các kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy hơi cay trong sân vận động thể thao là nguyên nhân sẽ gây ra thảm họa. Nó kích động, tạo ra xu hướng chống trả trong đám đông và có thể dẫn tới những hành vi hung hăng hơn.

Thảm kịch sập cầu ở Ấn Độ

Tại Ấn Độ, một vụ sập cầu treo ở bang Gujarat đã khiến 141 người thiệt mạng. Các nhà chức trách đã thông báo bắt giữ 9 chín người, trong đó có nhà quản lý điều hành cây cầu.

Cây cầu 143 tuổi đã mở cửa trở lại 4 ngày trước vụ sập hôm 31/10 dưới sức nặng của hàng trăm người đang ăn mừng trong mùa lễ hội của người Hindu.

Một video cho thấy cây cầu đã rung lắc dữ dội. Mọi người cố gắng giữ chặt dây cáp và hàng rào kim loại trước khi cây cầu bị sập.

 Cây cầu treo ở thị trấn Morbi (Ấn Độ) bị sập hôm 31/10. Ảnh: Reuters.

Cây cầu treo ở thị trấn Morbi (Ấn Độ) bị sập hôm 31/10. Ảnh: Reuters.

Các nhà chức trách vẫn đang điều tra về vụ việc. Tâm lý phẫn nộ đang ngày một lớn dần ở Ấn Độ trước những cáo buộc cho rằng tham nhũng là nguyên nhân gây ra vụ sập cây cầu.

Người dân Ấn Độ đã rất kinh ngạc khi phát hiện ra rằng chính quyền bang Gujarat đã giao hợp đồng sửa chữa cây cầu treo này cho một công ty địa phương mang tên Oreva - công ty chuyên sản xuất đồng hồ và đèn chiếu sáng.

Không có bằng chứng nào cho thấy Oreva có kinh nghiệm sửa chữa cầu hoặc bất kỳ cơ sở hạ tầng nào khác.

Dirk Helbing, giáo sư khoa học xã hội tại Đại học ETH Zurich, nhận định cả ba thảm họa trong tháng 10 đều là lời nhắc nhở về cách nhà chức trách phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn công cộng.

Hẻm tử thần ở Itaewon sau thảm kịch 154 người thiệt mạng Sau vụ giẫm đạp khiến hơn 150 người chết ở Itaewon, hiện trường thảm kịch đã được cảnh sát quây kín. Vật dụng cá nhân của nạn nhân vẫn ngổn ngang dọc con hẻm, theo Korea Times.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/3-tham-kich-chet-nguoi-xay-ra-o-chau-a-chi-trong-mot-thang-post1371297.html
Zalo