3 thách thức lớn của ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh trong năm học mới

Ngành giáo dục của Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phải đối mặt với những thách thức: Thiếu giáo viên, thiếu phòng học và thiếu trang thiết bị dạy học tối thiểu.

Hôm nay, ngày 5/9/2023, cùng với học sinh của cả nước, hơn 1,7 triệu học sinh các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chính thức bước vào năm học mới 2023 – 2024.

Trước thực trạng học sinh của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tăng rất cao qua từng năm học, thì năm học này, ngành giáo dục của thành phố đứng trước rất nhiều thách thức cần được giải quyết triệt để.

Thiếu hơn 3.300 giáo viên

Thông tin do ông Tống Phước Lộc – Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến cuối tháng 8/2023, đã có 12 quận, huyện của thành phố hoàn thành công tác tuyển dụng giáo viên cho năm học mới sắp đến, với chỉ tiêu tuyển được là 1.243 giáo viên.

Một số địa phương đang trong thời gian thực hiện quy trình tuyển dụng, chờ báo cáo kết quả là Quận 4,5,6,10,11, Bình Thạnh, Gò Vấp và thành phố Thủ Đức.

Riêng đối với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt 1 Sở đã tuyển được 165 giáo viên cho các trường trung học phổ thông trực thuộc.

Thế nhưng, theo báo cáo từ các quận, huyện và thành phố Thủ Đức thì trong năm học 2023 – 2024, ngành giáo dục thành phố cần tuyển đến 4.721 giáo viên ở tất cả các cấp học (từ mầm non đến trung học phổ thông).

Trong đó, khối trung học phổ thông cần tuyển 255 giáo viên, còn các quận, huyện cần tuyển 4.466 giáo viên, gồm nhiều nhất là giáo viên bậc trung học cơ sở với 1.748 người, giáo viên tiểu học cần tuyển là 1.667 người, còn lại là giáo viên mầm non và giáo viên chuyên biệt.

Như vậy, so với số lượng giáo viên đã tuyển được và căn cứ với số lượng cần giáo viên cần có theo báo cáo, tính đến ngày khai giảng năm học mới, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn thiếu khoảng 3.300 giáo viên các cấp học.

Năm học mới, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thiếu nhiều giáo viên (ảnh minh họa: V.D)

Năm học mới, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thiếu nhiều giáo viên (ảnh minh họa: V.D)

Nhận định về thực trạng thiếu giáo viên, theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, do áp lực công việc của giáo viên cao, số lượng giáo viên được đào tạo từ các cơ sở giáo dục đại học chưa đáp ứng đủ nhu cầu trường lớp, mức lương chưa thực sự cạnh tranh với cơ sở giáo dục tư thục và quốc tế.

Nói về việc này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, ngay trong hè, Sở đã làm việc với Thường trực các Quận ủy, Huyện ủy, các địa phương để đưa ra một số giải pháp khắc phục.

Trước mắt là sẽ cùng nhau thống nhất thời gian công bố kết quả tuyển dụng giáo viên, để tránh tình trạng dữ liệu ảo, khi một số quận huyện đã tuyển dụng xong, lại có những địa phương thực hiện việc tuyển dụng sau, có giáo viên trúng tuyển rồi vẫn tham gia dự tuyển ở các quận huyện khác gây khó khăn cho công tác sử dụng lao động.

Vẫn thiếu trầm trọng phòng học

So với năm học trước, trong năm học 2023 – 2024 sắp đến, số học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng hơn 35.000 em.

Dịp ngày 5/9, thành phố sẽ đưa vào sử dụng 27 dự án xây dựng trường học, với 441 phòng học (số phòng học tăng thêm là 282 phòng).

Đến hết năm nay, thành phố tiếp tục hoàn thành, đưa vào sử dụng thêm 21 dự án trường học, với 231 phòng học, tăng thêm 89 phòng học mới.

Như vậy, tính chung cho cả năm học 2023 – 2024 sắp đến, thành phố sẽ đưa vào sử dụng thêm 371 phòng học mới, trong đó nhiều nhất là cấp tiểu học với 190 phòng học mới, mầm non 70 phòng học mới, trung học cơ sở là 53 phòng học mới và 58 phòng học dành cho các loại hình khác.

Trong năm học mới, số học sinh thành phố tăng hơn 35.000 em so với năm học cũ (ảnh: V.D)

Trong năm học mới, số học sinh thành phố tăng hơn 35.000 em so với năm học cũ (ảnh: V.D)

Nếu căn cứ theo báo cáo, số học sinh ở cấp trung học cơ sở trong năm học mới tăng hơn 34.000 em, thì cần khoảng 379 phòng học mới (học sinh chỉ học 1 buổi/ngày).

Thực tế, thành phố chỉ xây thêm 53 phòng học mới cho cấp trung học cơ sở, đáp ứng cho khoảng hơn 4.700 em học sinh, nếu so với số học sinh tăng thêm ở cấp học này (hơn 34.000 em) thì rõ ràng là thành phố đang thiếu trầm trọng phòng học.

Để giải quyết được bài toán thiếu phòng học cho học sinh, một số địa phương đã áp dụng giải pháp là dồn lớp, tăng sĩ số học sinh/lớp, giảm tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày, tận dụng tối đa các phòng chức năng không sử dụng trong trường học để chuyển đổi thành phòng học.

Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, theo Quyết định 02/2003/QĐ-UB ngày 3/1/2003 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học của ngành giáo dục thành phố đến năm 2020, thì thành phố phải có đến gần 2.000 ha đất dành cho giáo dục, nhưng khi tổng kết lại thì chỉ có hơn 1.000 ha đất dành cho trường học, chỉ đạt được khoảng hơn 50% của quyết định 02.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, nguồn quy hoạch đất dành cho giáo dục tại thành phố là hết sức khó khăn, trong đó đất sạch, đất sẵn sàng để xây dựng trường học là rất khó.

Ngoài ra, tại một số địa phương vùng ven có tốc độ gia tăng dân số nhanh, như có những xã tại huyện Bình Chánh dân số lên đến hơn 160.000 người, đã phá vỡ hết mọi quy hoạch về dân cư cũng như trường học.

Nhằm chào mừng 50 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh quyết định sẽ xây dựng thêm 4.500 phòng học mới, trong đó ngân sách thành phố sẽ đầu tư khoảng 3.000 phòng học mới, còn lại là sẽ kêu gọi từ các nhà đầu tư, xã hội hóa từ doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đây cũng sẽ là một trong những công trình trọng điểm của thành phố.

Thiếu trang thiết bị dạy học tối thiểu

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, trong năm học 2023 – 2024, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học tối thiểu, đáp ứng nhu cầu dạy và học ở các cấp học của thành phố vẫn chưa đạt 100%.

Tính từ cấp học tiểu học đến trung học phổ thông, bàn ghế ở cấp trung học phổ thông chỉ đáp ứng được 95% nhu cầu tối thiểu (cao nhất trong các cấp học), còn thấp nhất là cấp tiểu học (52% nhu cầu tối thiểu).

Các thiết bị dạy học tối thiểu chỉ được trang bị đạt xấp xỉ gần 80% so với nhu cầu, nhất là đối với các thiết bị dành cho việc dạy và học ngoại ngữ vẫn đạt chưa cao so với nhu cầu trên thực tế.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, hiện Sở đang yêu cầu số hóa tất cả các trang thiết bị dạy và học, là điều kiện dạy và học trong nhà trường để có sự quản lý, dự báo về trang thiết bị cho phù hợp, số hóa tài liệu, sách giáo khoa, thư viện số, kế hoạch dạy học số...để chia sẻ tất cả các bài học hay cho tất cả học sinh ở mọi vùng miền trong thành phố.

Đồng thời, việc này còn giúp cho Sở và các Phòng Giáo dục, Đào tạo địa phương nắm bắt được các cơ sở giáo dục sử dụng thiết bị dạy học như thế nào, khấu hao ra sao, còn thiết thiết bị nào để mà phân bổ cho phù hợp nhất.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/3-thach-thuc-lon-cua-nganh-giao-duc-thanh-pho-ho-chi-minh-trong-nam-hoc-moi-post237769.gd
Zalo