3 sản phẩm AI tạo sinh được dùng nhiều nhất ở Trung Quốc: ChatGPT và Google Gemini xếp sau Ernie Bot

Ernie Bot của gã khổng lồ công nghệ Baidu là sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh được người dùng Trung Quốc sử dụng thường xuyên nhất, với 11,5% thị phần.

Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, số lượng người dùng AI tạo sinh tại Trung Quốc đã đạt 230 triệu vào cuối tháng 6, khi một nhóm công ty khởi nghiệp và hãng công nghệ lớn nhanh chóng cung cấp mô hình ngôn ngữ lớn của họ.

Điều đó đồng nghĩa cứ 6 người dùng Trung Quốc (thị trường internet lớn nhất thế giới) thì có khoảng 1 người đang sử dụng sản phẩm AI tạo sinh, theo báo cáo do Trung tâm Thông tin mạng internet Trung Quốc (CNNIC) công bố hôm 1.12.

Ernie Bot của Baidu (được gọi là Wenxiaoyan trong tiếng Trung) là sản phẩm AI tạo sinh được người dùng Trung Quốc sử dụng thường xuyên nhất, với thị phần 11,5%, theo CNNIC. Tiếp theo là ChatGPT của OpenAI và Gemini của Google, với thị phần lần lượt là 7% và 3,8%, dù hai dịch vụ Mỹ này không chính thức có mặt tại Trung Quốc đại lục.

AI tạo sinh đề cập đến các thuật toán có thể được sử dụng để tạo nội dung mới, gồm âm thanh, mã lập trình, hình ảnh, văn bản, mô phỏng và video. Mô hình ngôn ngữ lớn là công nghệ đằng sau các dịch vụ AI tạo sinh như Ernie Bot, ChatGPT...

Báo cáo cho thấy gần 2/3 người dùng AI tạo sinh tại Trung Quốc sử dụng dịch vụ mô hình ngôn ngữ lớn để trả lời các câu hỏi, trong khi 1/3 dựa vào chúng, chẳng hạn trợ lý AI, để tạo biên bản cuộc họp và slide trình chiếu.

Tính đến tháng 11, hơn 309 sản phẩm AI tạo sinh đã đăng ký mô hình ngôn ngữ lớn của họ với cơ quan quản lý internet Trung Quốc, trong đó thủ đô Bắc Kinh chiếm 96 và Thượng Hải chiếm 84, theo CNNIC.

Trong số những cái tên đã đăng ký, hơn 190 dịch vụ được phê duyệt và cung cấp dịch vụ thương mại cho công chúng tính đến tháng 7, theo dữ liệu từ Cơ quan giám sát internet Trung Quốc, Cục Quản lý Không gian mạng, được trích dẫn trong báo cáo của CNNIC.

Số lượng người dùng AI tạo sinh tại Trung Quốc làm nổi bật việc áp dụng ngày càng rộng rãi mô hình ngôn ngữ lớn tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi các công ty trong nước chạy đua để thu hẹp khoảng cách với Mỹ sau khi OpenAI tạo nên cơn sốt toàn cầu với việc phát hành ChatGPT cuối tháng 11.2022.

Tất cả hãng công nghệ lớn tại Trung Quốc đều đã tung ra các mô hình ngôn ngữ lớn riêng cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp. Trong khi sự trỗi dậy của các công ty khởi nghiệp, gồm 4 cái tên được gọi là "con hổ AI" gồm Baichuan, Zhipu AI, Moonshot AI và MiniMax, đang thu hút sự chú ý ngày càng tăng từ người dùng và nhà đầu tư.

Gần 200 mô hình ngôn ngữ lớn thương mại có sẵn tại Trung Quốc đã thu hút hơn 600 triệu người dùng đăng ký, theo số liệu thống kê được một quan chức Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc trích dẫn vào tháng 10.

Ernie Bot của là sản phẩm AI tạo sinh được người dùng Trung Quốc sử dụng thường xuyên nhất, trên ChatGPT và Google Gemini - Ảnh: Shutterstock Images

Ernie Bot của là sản phẩm AI tạo sinh được người dùng Trung Quốc sử dụng thường xuyên nhất, trên ChatGPT và Google Gemini - Ảnh: Shutterstock Images

Các công ty AI Trung Quốc phải đối mặt với trở ngại chung về phần cứng vì Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến. Các công ty Mỹ như Nvidia, AMD không được bán chip AI tiến cho Trung Quốc.

Theo hai nguồn tin của Reuters, Mỹ sẽ tiến hành đợt trừng phạt thứ ba trong vòng 3 năm qua với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc vào hôm 2.12, hạn chế xuất khẩu đến 140 công ty, gồm cả nhà sản xuất thiết bị chip Naura Technology Group.

Nỗ lực từ Mỹ nhằm cản trở tham vọng sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến nhà cung cấp thiết bị tạo chip Piotech và SiCarrier Technology với hạn chế xuất khẩu mới.

Gói biện pháp mới này sẽ ngăn vận chuyển chip nhớ tiên tiến và các công cụ sản xuất chip khác từ Mỹ đến Trung Quốc.

Động thái đó đánh dấu một trong những nỗ lực quy mô lớn cuối cùng từ chính quyền Biden nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận và sản xuất chip AI có thể hỗ trợ các ứng dụng quân sự hoặc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

Việc này diễn ra chỉ vài tuần trước lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump vào tháng 1.2025. Dự kiến ông Trump sẽ duy trì nhiều biện pháp cứng rắn với Trung Quốc như thời chính quyền Biden.

Theo hãng tin Reuters, gói trừng phạt mới của Mỹ với Trung Quốc gồm hạn chế vận chuyển chip nhớ băng thông cao (HBM) vốn rất quan trọng cho các ứng dụng cao cấp như đào tạo mô hình AI; hạn chế bổ sung với 24 công cụ sản xuất chip và 3 phần mềm; hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất chip từ Malaysia, Singapore, Israel, Đài Loan và Hàn Quốc.

Các biện pháp kiểm soát công cụ sản xuất chip có thể sẽ gây tổn hại cho ba công ty Mỹ là Lam Research, KLA và Applied Materials, cũng như hãng nước ngoài như ASM International (Hà Lan).

Trong số các hãng Trung Quốc phải đối mặt với lệnh hạn chế mới từ Mỹ có gần hai tá công ty bán dẫn, hai hãng đầu tư vào ngành chip và hơn 100 nhà cung cấp công cụ sản xuất chip, theo các nguồn tin của Reuters.

Các nhà làm luật Mỹ cho rằng một số công ty Trung Quốc, gồm cả Swaysure Technology Co, Qingdao SiEn và Shenzhen Pensun Technology Co, hợp tác với gã khổng lồ viễn thông Huawei. Bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại từ năm 2019, Huawei hiện là trung tâm thiết kế và sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc.

Với các công ty Trung Quốc bị thêm vào danh sách thực thể, nhà cung cấp Mỹ sẽ không thể giao hàng đến họ nếu không nhận được giấy phép đặc biệt trước từ chính phủ.

Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực tự cung tự cấp trong lĩnh vực bán dẫn những năm gần đây, vì bị Mỹ và các quốc gia khác hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến cùng các công cụ sản xuất chúng. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tụt hậu nhiều năm so với các công ty dẫn đầu ngành chip như Nvidia (hãng chip AI số 1 thế giới của Mỹ) và ASML (nhà cung cấp thiết bị sản xuất thiết bị chip hàng đầu thế giới ở Hà Lan).

Mỹ cũng dự kiến áp đặt thêm hạn chế với SMIC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc), vốn đã nằm trong danh sách đen thương mại từ năm 2020 nhưng vẫn được cấp phép hàng tỉ USD giá trị hàng hóa được xuất khẩu.

Lần đầu tiên, Mỹ sẽ thêm hai công ty Trung Quốc đầu tư vào ngành chip trong danh sách đen thương mại. Đó là công ty cổ phần tư nhân Wise Road Capital và hãng công nghệ Wingtech Technology Co.

Các công ty xin giấy phép giao hàng đến thực thể trong danh sách đen của Mỹ thường bị từ chối.

Một khía cạnh của gói biện pháp mới liên quan đến quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài có thể ảnh hưởng đến một số đồng minh với Mỹ, do hạn chế những gì các công ty nước này có thể giao đến Trung Quốc.

Quy tắc mới sẽ mở rộng quyền hạn của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu thiết bị chip từ các công ty Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan được tạo ra tại nơi khác trên thế giới sang một số nhà máy chip nhất định tại Trung Quốc.

Thiết bị chip được sản xuất tại Malaysia, Singapore, Israel, Đài Loan và Hàn Quốc phải tuân theo quy tắc này, trong khi Hà Lan và Nhật Bản sẽ được miễn trừ.

Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài mở rộng sẽ áp dụng cho 16 công ty trong danh sách đen thương mại được coi là quan trọng nhất với tham vọng sản xuất chip tiên tiến nhất của Trung Quốc.

Quy định cũng sẽ giảm xuống mức bằng 0 lượng nội dung của Mỹ để xác định khi nào một số mặt hàng nước ngoài chịu sự kiểm soát từ nước này. Điều đó cho phép Mỹ kiểm soát bất kỳ mặt hàng nào được vận chuyển đến Trung Quốc từ nước ngoài nếu chứa bất kỳ con chip nào của Mỹ.

Các quy tắc mới được ban hành sau các cuộc thảo luận kéo dài giữa Mỹ với Nhật Bản và Hà Lan. Hiện hai nước này cùng Mỹ thống trị việc cung cấp thiết bị sản xuất chip tiên tiến.

Một quy định khác trong gói biện pháp này từ Mỹ sẽ hạn chế bộ nhớ được sử dụng trong chip AI tương ứng công nghệ HBM 2 và cao hơn, được sản xuất bởi Samsung và SK Hynix (hai hãng chip nhớ hàng đầu thế giới ở Hàn Quốc) cùng Micron Technology (hãng chip nhớ số 1 Mỹ).

Các quy định mới nhất là gói hạn chế xuất khẩu chip lớn thứ ba với Trung Quốc được thực hiện dưới thời chính quyền Biden. Vào tháng 10.2022, Mỹ đã công bố hàng loạt biện pháp kiểm soát sâu rộng nhằm hạn chế việc bán và sản xuất một số loại chip cao cấp. Động thái này được coi là sự thay đổi lớn nhất trong chính sách công nghệ của Mỹ với Trung Quốc kể từ những năm 1990.

Phạm vi của lệnh cấm đó đã được mở rộng hồi tháng 10.2023 và một lần nữa vào tháng 9.2024 để bao gồm cả các chất bán dẫn bổ sung, như chip chơi game hiệu suất cao và chip trung tâm dữ liệu cấp thấp hơn.

Sức mạnh tính toán và AI, được thúc đẩy bởi các chip tiên tiến, đã trở thành chiến trường cạnh tranh quan trọng giữa hai siêu cường, khi cả hai đều nỗ lực thống trị sản xuất các loại chip có kích thước dưới 10 nanomet.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/3-san-pham-ai-tao-sinh-duoc-dung-nhieu-nhat-o-trung-quoc-chatgpt-va-google-gemini-xep-sau-ernie-bot-226652.html
Zalo