3 ngày hỗn loạn của một CEO gửi tiền tại SVB

Một CEO startup công nghệ gửi cả tiền tiết kiệm cá nhân lẫn của 2 công ty vào SVB. Sự sụp đổ của ngân hàng này đã mang tới 3 ngày hỗn loạn.

 SVB - ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ, xương sống của giới startup công nghệ - vừa sụp đổ. Ảnh: Bloomberg.

SVB - ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ, xương sống của giới startup công nghệ - vừa sụp đổ. Ảnh: Bloomberg.

Khi Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ chỉ trong vài ngày, Alexander Torrenegra - chủ một startup - đã chia sẻ trên Twitter về 3 ngày hỗn loạn của mình. Anh cho biết mình đổ rất nhiều tiền vào ngân hàng.

Từ ngày 9 đến 11/3, cảm xúc của anh chuyển từ hoảng sợ, lo lắng đến buông bỏ vì mọi thứ đã vượt tầm kiểm soát. Torrenegra không biết số phận khoản tiền gửi của công ty và cá nhân mình sẽ ra sao.

"Tôi đã sai ở đâu?", anh tự vấn khi ngân hàng bị cơ quan quản lý đóng cửa vào chiều 10/3.

3 ngày hoảng loạn

Torrenegra cho biết mọi thứ đã bắt đầu đảo lộn vào sáng 9/3. Tiền gửi của anh và 2 công ty đều nằm ở SVB.

Sáng hôm đó, trong một nhóm chat gồm 200 nhà sáng lập công nghệ mà anh tham gia, mọi người bắt đầu đặt câu hỏi về số phận của SVB. Các cuộc thảo luận xoay quanh việc ngân hàng bán khoản đầu tư trái phiếu, đề xuất tăng vốn cổ phần và quỹ Founders Fund của tỷ phú Peter Thiel đã rút tiền gửi khỏi nhà băng này.

"Tôi đã đọc các tin nhắn trong lúc ở trong nhà tắm. Ngay lập tức, tôi hủy bỏ cuộc họp và yêu cầu vợ tôi, Tania, chuyển tất cả tiền gửi cá nhân sang ngân hàng khác", anh kể lại.

"Tôi cũng gọi cho nhân viên, yêu cầu họ làm tương tự. Một trong số họ đang ở phòng khám răng và phải dừng mọi công việc để chạy về nhà", Torrenegra nói thêm.

Đến gần trưa, anh vẫn không thể rút được khoản tiết kiệm cá nhân khỏi tài khoản ở SVB. Cả hai vợ chồng Torrenegra đều không có tài khoản tại ngân hàng khác.

Anh thậm chí không thể truy cập vào tài khoản của công ty tại ngân hàng vì thông tin đăng nhập bị thay đổi. Theo Pitchbook, công ty của Torrenegra, Torre, đã huy động được tổng cộng 9,5 triệu USD.

Đến trưa, những cuộc trò chuyện giữa anh và các nhà sáng lập công nghệ khác tại Mỹ trở nên sôi nổi. Họ tin rằng một vụ bank run (tạm dịch: tháo chạy tiền khỏi ngân hàng) đang diễn ra.

Mất thời gian để lấy lại toàn bộ số tiền

Bất chấp sự hoảng loạn, chỉ một tiếng rưỡi sau đó, Torrenegra quyết định đầu tư vào ngân hàng. "Đó là một nhà băng vững mạnh. Tôi biết CEO Greg Becker, một người tuyệt vời", anh chia sẻ trên Twitter.

"Tôi cho rằng đây chỉ là một vấn đề tạm thời vì mọi người đang hoảng loạn. Họ sẽ phục hồi, và tôi mua cổ phiếu của SVB với mức giá rất thấp", anh giải thích.

Đến sáng hôm sau, giá cổ phiếu SVB lao dốc 60% và các cơ quan quản lý Mỹ nắm quyền kiểm soát ngân hàng. Torrenegra cho biết cổ phiếu mà anh nắm giữ đã trở nên "vô giá trị".

Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết các nhà đầu tư của ngân hàng "sẽ không được bảo vệ".

 Cổ phiếu SVB rớt mạnh trước khi bị dừng giao dịch. Ảnh: Bloomberg.

Cổ phiếu SVB rớt mạnh trước khi bị dừng giao dịch. Ảnh: Bloomberg.

Torrenegra dành cả một ngày thứ sáu để giải thích mọi chuyện cho các nhân viên và nhà đầu tư. Việc SVB phá sản khiến một số lãnh đạo đặt câu hỏi về việc duy trì hoạt động của công ty và trả lương cho nhân viên khi không biết khoản tiền gửi ra sao.

Đến 4h chiều, Torrenegra cho biết cả 2 công ty của anh đều an toàn vì phần lớn tiền gửi đã được chuyển khỏi SVB.

Nhưng chỉ một phần trong số khoản tiết kiệm cá nhân của anh được rút khỏi SVB. "Chúng tôi có thể lấy lại phần lớn tiền, nhưng vẫn chưa rõ tỷ lệ là bao nhiêu. Có khả năng mất nhiều năm để xử lý", Torrenegra chia sẻ.

Ngày hôm sau, vị CEO quyết định tạm quên đi những rắc rối từ SVB và quay trở lại công việc tại 2 startup của mình.

"Là một doanh nhân, một nhà đầu tư, chúng ta phải chịu trách nhiệm cho tất cả rủi ro mà chúng ta gặp phải. Đôi khi chúng ta thắng, đôi khi thua, đó là cuộc sống mà chúng ta chọn", anh chia sẻ.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/3-ngay-hon-loan-cua-mot-ceo-gui-tien-tai-svb-post1411911.html
Zalo