3 lần Tống Giang dùng 'độc kế', ép tướng tài lên Lương Sơn Bạc làm cướp
Trước mặt các đầu lĩnh trên Lương Sơn Bạc, Tống Giang thường dùng chiêu bài 'nhân nghĩa', 'huynh đệ bốn bể là nhà' để thu phục lòng người. Nhưng sau lưng họ, 'Tống Công Minh' đã làm những chuyện gì?
Theo Qulishi, để thu phục tướng tài cho Lương Sơn, Tống Giang và quân sư Ngô Dụng không ít lần bày mưu kế thâm độc, thậm chí là bất nhân, đẩy một số “hảo hán” vào cảnh tan nhà nát cửa.
1. Tần Minh
Trong Thủy Hử truyện, tác giả Thi Nại Am miêu tả trên Lương Sơn Bạc có 108 vị anh hùng, hầu hết đều có võ nghệ cao cường, “mỗi người mỗi tuyệt chiêu”. Tuy nhiên, về khả năng cầm quân đánh trận, Lương Sơn Bạc chỉ có 5 hổ tướng là Quan Thắng, Lâm Xung, Hô Diên Chước, Đổng Bình và Tần Minh.
Về Tần Minh, tác giả miêu tả như sau: “Người này họ Tần tên Minh, quê ở Khai Châu, tính tình nóng nảy, tiếng to như sấm, người ta thường gọi là Tích Lịch Hỏa Tần Minh vốn dòng dõi võ quan. Tần Minh dùng cây lang nha bổng (chùy răng sói) sức khỏe muôn người khó địch”.
Ở hồi 33 Thủy Hử, Tần Minh vâng lệnh tri phủ Mộ Dung đi đánh nhóm người Hoa Vinh, Vương Nụy Hổ làm cướp trên núi Thanh Phong, nhưng thất bại. Dù bị bắt, Tần Minh thà chết chứ quyết không theo làm cướp như lời Tống Giang dụ dỗ.
“Tần Minh này sống làm người nhà Tống, chết làm ma nhà Tống. Triều đình đã phong cho chức Tổng quản, lại kiêm chức Thống chế Sứ quan. Xưa nay có điều chi phụ bạc với Tần Minh, mà tôi nỡ đem lòng bội bạc cho đành? Các vị hảo hán muốn giết tôi thì giết đi cho nhanh”, Tần Minh trả lời Tống Giang.
Không dụ dỗ được Tần Minh, Tống Giang liền bày độc kế. Ông ta cho người giả dạng Tần Minh, dẫn theo một toán cướp nửa đêm xông vào phủ Thanh Châu phóng hỏa, giết hại dân lành.
Quan tri phủ Mộ Dung tức giận, sai đem cả nhà Tần Minh ra chém bêu đầu.
Theo Qulishi, pháp luật thời Tống rất nghiêm, tội làm phản triều đình có thể bị tru di tam tộc (chém cả 3 họ).
Sáng ngày hôm sau, Tần Minh trở về đã thấy xác vợ con bị hành hình, trên thành quân lính bắn tên xuống như mưa, vu cho ông là phản tặc. Tần Minh uất ức, toan muốn tự tử thì gặp nhóm Tống Giang.
Tống Giang giải thích về việc mượn đao giết người như sau:
“Dám xin Tổng quản tha lỗi cho. Hôm trước Tổng quản không có lòng hạ cố, nhất định không chịu lưu lại sơn trại. Bởi vậy, Tống Giang nghĩ ra một kế, cho tên lâu la hơi giống tướng dạng, ăn mặc các đồ mũ giáp, cưỡi ngựa cầm khí giới của ngài, mà dẫn quân về đánh phủ Thanh Châu.
Tôi lại cho Yến Thuận, Vương Nụy Hổ đem năm mươi người đi giúp sức, giả làm Tổng quản định vào đánh thành để cướp lấy vợ con, rồi đốt nhà giết người, để dứt hẳn lối về của Tổng quản. Cái đó đều là tội của chúng tôi. Vậy nay chúng tôi mời ngài đến đây để xin tha thứ cho”.
Thủy Hử miêu tả, nỗi đau của Tần Minh như “xé đứt ruột gan”. Họ Tần đã muốn trả thù Tống Giang ngay nhưng phải cố nhịn vì khó địch lại số đông.
Cuối cùng, Tần Minh chỉ có thể thốt ra 2 chữ “độc địa” để mắng kẻ được xưng tụng là “Tống Công Minh”. Tần Minh chọn lên Lương Sơn Bạc làm cướp chỉ bởi không còn chốn dung thân.
Trong phần Hậu Thủy Hử, Tần Minh tham gia chiến dịch đánh Phương Lạp và bỏ mạng.
Theo Qulishi, Tống Giang chỉ dùng một kế nhỏ đã hại Tần Minh tan nhà nát cửa, từ một viên tướng của triều đình, hưởng đủ vinh hoa phú quý, lại phải lên núi làm cướp. Điều đáng trách hơn là Tống Giang còn cho đám lâu la phóng hỏa, giết hại người dân vô tội, không hề xứng với 4 chữ “thay trời hành đạo” mà ông ta chủ trương.
Tống Giang lúc này còn chưa trở thành thủ lĩnh Lương Sơn Bạc, đã “độc địa” như thế.
2. Lư Tuấn Nghĩa
Lư Tuấn Nghĩa, biệt hiệu “Ngọc Kỳ Lân”, từng suýt chết bởi âm mưu thâm hiểm của Tống Giang, Ngô Dụng.
Thủy Hử miêu tả, Lư Tuấn Nghĩa vốn là tướng tài của nhà Tống, vì bị Đồng Quán ganh ghét hãm hại, nên bị cách chức, đánh 50 trượng rồi cho “giải giáp quy điền” (cởi giáp về làm ruộng).
Dù mất chức, nhưng Lư Tuấn Nghĩa vẫn còn gia tài đồ sộ do ông cha để lại, trở thành một “viên ngoại nhàn rỗi” ở đất Hà Bắc (một tỉnh Trung Quốc).
“Ông ta vốn là một trưởng giả bậc nhất ở đất Hà Bắc”, Tống Giang nói về Lư Tuấn Nghĩa.
Không để cho Lư Tuấn Nghĩa yên thân, Tống Giang và Ngô Dụng bàn kế hãm hại, ép ông lên núi làm cướp.
“Tôi chỉ thi hành một kế cỏn con thì khả dĩ đưa được người ấy lên đây ngay có ngại gì”, Ngô Dụng nói với Tống Giang.
Trước hết, Ngô Dụng cải trang thành thầy tướng số, cảnh báo Lư Tuấn Nghĩa về nạn “đổ máu” sắp đến. Muốn tránh tai họa, Lư Tuấn Nghĩa phải đi về hướng đông nam 100 dặm, tức là bắt buộc phải đi qua vùng đầm nước Lương Sơn.
Mưu kế “cỏn con” của Ngô Dụng đầy rẫy sơ hở, đến nỗi Yến Thanh – nô bộc của Lư Tuấn Nghĩa – cũng phát giác ra được. Tuy nhiên, Lư Tuấn Nghĩa không nghe lời can ngăn của Yến Thanh, vẫn quyết tâm đi về hướng đông nam để “tránh nạn”.
Biết Lư Tuấn Nghĩa trúng kế, Tống Giang cho người bắt ông lên Lương Sơn rồi giam lỏng. Trong số những người bị bắt, có Lý Cố – quản gia của Lư Tuấn Nghĩa.
“Đầu lĩnh nói lạ thực? Tôi đây bình sinh không có tội gì, nhà cũng đủ ăn, không đến nỗi đói. Sống làm dân nhà Tống chết phải làm ma nhà Tống”, Lư Tuấn Nghĩa trả lời khi Tống Giang dụ dỗ nhập bọn.
Không lôi kéo được Lư Tuấn Nghĩa, Tống Giang và Ngô Dụng tiến hành bước thứ 2 của kế hoạch.
Tống Giang cho thả đám tùy tùng của Lư Tuấn Nghĩa về trước, riêng Lư Tuấn Nghĩa vẫn bị giam lỏng trên Lương Sơn. Về phần Lý Cố, ông ta bị Ngô Dụng khích bác cho phản chủ.
“Chủ nhân nhà anh đã bằng lòng nhập đảng với chúng ta, ngồi vào ghế thứ nhì rồi. Trước khi chưa đến đây, đã viết 4 câu thơ đề trên vách để tỏ rõ ý đó, anh đã biết chưa? Bốn câu thơ đó, mỗi câu lấy một chữ đầu tiên ghép lại sẽ thành ‘Lư Tuấn Nghĩa phản’, anh đã biết chưa?”, Ngô Dụng rỉ tai Lý Cố.
Kỳ thực, 4 câu thơ này do Ngô Dụng (trong khi cải trang thành thầy tướng số) đọc cho Lư Tuấn Nghĩa viết.
Vài ngày sau, nghe ngóng mọi việc đã êm xuôi, Tống Giang mới thả cho Lư Tuấn Nghĩa về. Lư Tuấn Nghĩa lập tức bị vu cáo là “phản tặc”, “thông đồng với giặc cướp Lương Sơn” và bị bắt hạ ngục. Lý Cố cũng chiếm hết gia tài và cả vợ của Lư Tuấn Nghĩa.
Đoạn Lư Tuấn Nghĩa bị tra tấn, Thủy Hử miêu tả như sau:
“Lưu Trung Thư truyền lệnh cho tra tấn. Tả hữu vâng lời, trói Lư Tuấn Nghĩa nằm vật ra đất, rồi đánh luôn một trận, bắn vọt máu tươi, chết ngất đi mấy lần mới tỉnh”.
Lư Tuấn Nghĩa nửa đời oai hùng, lại bị vu khống và tra tấn thảm hại đến nỗi “ai cũng thương tâm không nỡ xem”. Thảm cảnh của “Ngọc Kỳ Lân” đều do Tống Giang và Ngô Dụng gây ra.
Trên đường áp giải, Lư Tuấn Nghĩa còn bị 2 tên nha sai là Đổng Siêu và Tiết Bá ám hại. Nếu không có Yến Thanh xả thân ứng cứu, tính mạng của Lư Tuấn Nghĩa đã không còn.
Sau này, Tống Giang đem quân đánh Đại Danh phủ, cứu thoát Lư Tuấn Nghĩa. Họ Lư bị hại cho tan nhà nát cửa nhưng cũng không dám oán trách, còn phải bái tạ Tống Giang mà rằng:
“Tôi trên nhờ uy đức của huynh trưởng, dưới nhờ nghĩa khí của các đầu lĩnh hết lòng cứu vớt cho được tới đây, sau nầy biết lấy gì báo đáp cho phu công ấy?”.
Trong phần Hậu Thủy Hử, Lư Tuấn Nghĩa quy thuận triều đình và lập nhiều chiến công. Ông bị bọn gian thần là Cao Cầu, Đồng Quán và Sái Kinh lừa uống rượu độc nên bỏ mạng.
3. Chu Đồng
Một trường hợp khác cũng bị Tống Giang ép lên Lương Sơn là Chu Đồng, biệt hiệu Mỹ Nhiệm Công. Chu Đồng vì từng nhiều lần “đánh tháo” cho Tống Giang, Lôi Hoành thoát nạn nên bị quan huyện Vận Thành khép tội, bắt đi đày đến Thương Châu.
Ở Thương Châu, Chu Đồng được quan tri phủ mến mộ, đối đãi rất tử tế. Tri phủ Thương Châu còn tín nhiệm Chu Đồng đến mức giao đứa con 4 tuổi cho ông trông nom. Bản thân Chu Đồng cũng thích cuộc sống yên bình, có nhà cửa, vợ con đàng hoàng, không hề có ý định lên Lương Sơn làm cướp.
Để ép Chu Đồng nhập bọn, Tống Giang và Ngô Dụng bày ra “độc kế”, phái Lý Quỳ (kẻ thích giết chóc nổi tiếng Lương Sơn) bắt cóc cậu ấm 4 tuổi mà Chu Đồng trông nom rồi sát hại.
Thủy Hử miêu tả:
“Bấy giờ trời sáng trăng vằng vạc. Chu Đồng đi ngay vào rừng cây, tìm quanh tìm quẩn, mãi sau mới thấy cậu ấm nằm vật trên đất. Chu Đồng đưa tay đỡ cậu bé thì đã thấy đầu một nơi, thân một nẻo, nằm chết sõng soài ở đó”.
Chu Đồng nổi điên, truy đuổi Lý Quỳ từ đêm tới sáng.
“À à, anh định giết tôi hay sao? Đây là lệnh của Tiều Cái, Tống Giang chứ việc gì đến tôi đâu mà”, Lý Quỳ tức tối nói với Chu Đồng.
Để dàn xếp mâu thuẫn, Tống Giang ép Lý Quỳ lạy Chu Đồng 2 lạy. Điều đáng ngạc nhiên là Tống Giang không nhận lỗi mà còn “đổ vấy” tội trạng cho Ngô Dụng:
“Những việc dạo trước là vì quân sư Ngô Dụng thấy huynh trưởng không chịu đến đây, mới làm kế như vậy, thực không có liên quan gì đến Lý Quỳ cả”, Tống Giang nói với Chu Đồng.
Đến đoạn này, Kim Thánh Thán (nhà phê bình văn học thời Minh) phải phê rằng:
“Hồi này tả Tống Giang con người quyền trá, từng chỗ giở ngón gian hùng, lại rất gian ngoan. Từ khuyên can Lý Quý và Chu Đồng đến đổ vạ cho quân sư ra lệnh, cuối cùng ép Lý Quỳ lạy Chu Đồng. Đến đây đủ biết rằng, ngoài miệng như mây gió, trong lòng ghê gớm như yêu ma”.
Theo Sohu, vì muốn Chu Đồng gia nhập băng cướp Lương Sơn, Tống Giang đã ép ông trở thành kẻ bất nghĩa (với quan tri phủ Thương Châu). Đứa bé 4 tuổi không có tội tình gì, cũng trở thành “con mồi” trong kế hoạch thâm độc của Tống Giang. Điều này cho thấy Tống Giang coi mạng người như cỏ rác, không từ thủ đoạn để đạt được mục đích.
Ở hồi 49 Thủy Hử, Lý Quỳ thảm sát già trẻ lớn bé trong Hổ Gia Trang. Ngay cả Hổ Thái Công, cha của Hổ Tam Nương (một trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc) cũng chết dưới tay Lý Quỳ.
Tống Giang biết chuyện, cũng chỉ trách mắng Lý Quỳ qua loa.
Sau khi đánh bại nhà họ Chúc ở Chúc Gia Trang, Tống Giang còn đòi “làm cỏ cả thôn này”. May nhờ có Thạch Tú (một thủ lĩnh trên Lương Sơn Bạc) xin tha, người dân ở Chúc Gia Trang mới được yên ổn.