3 khung tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp bộ máy
Theo hướng dẫn của UBND tỉnh Hải Dương, có 3 khung tiêu chí đánh giá 3 nhóm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế.

UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành hướng dẫn, thang điểm cụ thể đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc khối chính quyền (ảnh minh họa)
Thang điểm đánh giá cụ thể với từng đối tượng
UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành hướng dẫn tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc khối chính quyền để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chế độ chính sách theo quy định.
Theo hướng dẫn, đối tượng đánh giá là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP.
Về nguyên tắc thực hiện, tập thể lãnh đạo cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quyết định việc đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ việc theo thẩm quyền gắn với việc cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý.
Việc đánh giá được thực hiện theo các tiêu chí của từng nhóm vị trí
việc làm (vị trí lãnh đạo quản lý, vị trí nghiệp vụ chuyên ngành, vị trí nghiệp vụ chuyên môn dùng chung, vị trí hỗ trợ phục vụ) phù hợp với đặc điểm tình hình và thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Kết quả đánh giá là căn cứ để thực hiện chính sách đối với người có phẩm chất, tài năng, năng lực nổi trội, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tiếp tục giữ lại công tác; người cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của vị trí việc làm; đồng thời xác định đúng đối tượng nghỉ việc (nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc) được hưởng chính sách theo quy định thông qua việc sàng lọc, sắp xếp thứ tự cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Một số tiêu chí đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp sở và tương đương
Việc giải quyết cho nghỉ việc đối với các trường hợp có đơn tự nguyện phải được người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đồng ý. Nếu không đồng ý thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Chưa xem xét, giải quyết đối với các trường hợp có đơn tự nguyện nghỉ việc nhưng được đánh giá có phẩm chất, năng lực nổi trội, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, có thành tích tiêu biểu, mang lại lợi ích cho cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đã có văn bản không đồng ý cho nghỉ việc đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có đơn tự nguyện xin nghỉ, nhưng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vẫn có nguyện vọng xin nghỉ thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết cho nghỉ thôi việc ngay và không được hưởng chế độ theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP.
Theo hướng dẫn, có 3 khung tiêu chí với 3 nhóm đối tượng, gồm: cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp sở và tương đương; cấp phòng và tương đương và cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ quản lý. Thang điểm tối đa cho mỗi khung là 100.
Xem chi tiết thang điểm với từng nhóm đối tượng tại các khung tiêu chí:
Khung tiêu chí đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp sở và tương đương
Khung tiêu chí đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương.
Khung tiêu chí đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý
Đối với người lao động, căn cứ các tiêu chí tại khung tiêu chí đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, các cơ quan, đơn vị xây dựng tiêu chí cụ thể phù hợp với công việc theo hợp đồng lao động.
Bảo đảm số lượng giảm, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải nghỉ
Việc đánh giá được thực hiện tại thời điểm trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thực hiện chính sách đối với các trường hợp có năng lực, phẩm chất, tài năng nổi trội, các trường hợp cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ sau sắp xếp (nếu có) và xem xét, giải quyết đối tượng nghỉ việc hưởng chế độ chính sách theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ.
Căn cứ điểm số đánh giá đối với từng cá nhân theo thứ tự từ thấp lên cao và tỷ lệ giảm tối thiểu theo quy định tại Công văn số 31/CV-BCĐTKNQ18 và các quy định liên quan, cấp có thẩm quyền quyết định đối tượng phải nghỉ việc do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, thực hiện theo định mức quy định (xác định dôi dư) và kết quả đánh giá theo nhóm vị trí việc làm (bao gồm cả cấp trưởng và cấp phó).
Đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn lại phải nghỉ (sau khi đã trừ đi số lượng cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý) giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, đơn vị phù hợp với lộ trình giải quyết chính sách quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Trình tự thực hiện đánh giá
Bước 1: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị lấy ý kiến tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cùng cấp để ban hành tiêu chí đánh giá và thang điểm đối với các tiêu chí thành phần đảm bảo phù hợp với đặc thù của cơ quan, đơn vị. Thực hiện phổ biến, quán triệt công khai đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị.
Bước 2: Trên cơ sở tiêu chí đánh giá của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tự đánh giá, chấm điểm.
Bước 3. Tập thể phòng và tương đương nơi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tác tổ chức cuộc họp để nhận xét, đánh giá đối với từng cán bộ, công chức, viên chức và tổng hợp kết quả báo cáo lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định.
Bước 4: Căn cứ kết quả đánh giá tại bước 2, bước 3 người đứng đầu cơ quan, đơn vị xin ý kiến cấp ủy, tập thể lãnh đạo, công đoàn cùng cấp về kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Bước 5. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định kết quả đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ hoặc trình cấp có thẩm quyền đánh giá theo phân cấp quản lý về công tác cán bộ; thực hiện thông báo công khai kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Bước 6: Lập danh sách, dự toán số tiền và hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền thực hiện chế độ chính sách theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, Nghị định số 67/2025/NĐ-CP.