27 điểm vẫn trượt đại học: Thi được điểm cao khiến thí sinh rơi vào 'an tâm ảo'

Việc không đăng ký nguyện vọng phù hợp, tìm kiếm đa dạng các nhóm trường là những nguyên nhân khiến cho thí sinh 27 điểm vẫn trượt nguyện vọng yêu thích.

Bắt đầu từ sau 17h ngày 17/8, nhiều trường đại học trên cả nước đã chính thức công bố điểm trúng tuyển năm 2024. Trước mức điểm chuẩn năm nay, việc nhiều thí sinh được 27 điểm vẫn trượt nguyện vọng yêu thích lại xảy ra ở nhiều khối ngành.

Trên thực tế, ngoài nỗ lực có số điểm cao, để đỗ đại học vào ngành mong muốn các em cần có sự tính toán, sắp xếp nguyện vọng phù hợp. Nếu không, việc trượt hết tất cả các trường là điều có thể xảy ra.

Không hiểu rõ nguyên tắc xét tuyển

Trao đổi với Người Đưa Tin, TS. Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng đánh giá: "Nguyên tắc xét tuyển đại học đã được công khai và đảm bảo công bằng, mọi chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh đã được thông tin sớm theo đề án tuyển sinh của các trường. Thông qua rất nhiều kênh, các trường đã lưu ý các em cần nắm rõ thông tin, nguyên tắc xét tuyển nhằm tránh không đỗ nguyện vọng mong muốn".

Việc xét tuyển lấy thí sinh từ cao xuống thấp là quy luật diễn ra nhiều năm, ở nhiều kỳ thi, đây thậm chí còn được hiểu là thông lệ.

"Như vậy, chúng ta tưởng 27 điểm là cao nhưng có bạn điểm còn cao hơn và do chỉ tiêu hạn chế nên nhiều bạn điểm thấp hơn sẽ không có cơ hội dù lực học rất ổn", ông Hà đánh giá.

Về phương thức xét tuyển và chỉ tiêu của mỗi phương thức, ông Trần Mạnh Hà cho rằng hiện nay, các trường tự chủ sử dụng đa dạng các phương thức xét tuyển. Cùng với đó, thí sinh cần tính toán chọn phương thức xét tuyển nào phù hợp nhất với năng lực và điều kiện.

TS. Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng.

TS. Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng.

"Học viện Ngân hàng dành 50% chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp THPT, các thí sinh đều có cơ hội như nhau. Phương thức nữa là xét học bạ chiếm 10-15%. Phương thức khác như điểm thi đánh giá năng lực, chứng chỉ ngoại ngữ chỉ chiếm chỉ tiêu rất nhỏ và những bạn đủ điểm xét tuyển sớm vào Học viện Ngân hàng cũng đều xứng đáng", TS. Trần Mạnh Hà bày tỏ.

Trước những trường hợp điểm cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng yêu thích, ông Hà cho hay: "Đứng dưới góc độ phụ huynh, chúng tôi rất chia sẻ bởi mức điểm 27 đã phản ánh các em đều có năng lực học tập tốt nhưng trong quá trình đăng ký nguyện vọng chưa phù hợp khiến gặp sự cạnh tranh với nhiều thí sinh khác có thành tích vượt trội.

Mặc dù vậy, cánh cửa này khép lại có cánh cửa khác mở ra, các bạn không nên quá buồn vì vẫn có cơ hội ở các trường khác hay ngành hoặc cố gắng ôn luyện năm 2025 thi lại".

Thiếu phương án an toàn khi sắp xếp nguyện vọng

Đưa ra những lý do mà học sinh mắc sai lầm trong việc đăng ký xét tuyển, ông Phạm Quốc Toản – Giáo viên luyện thi môn Vật lý lưu ý cho các thí sinh tham dự kỳ thi từ năm 2025.

Theo đó, ông Toản cho rằng thi được điểm cao khiến thí sinh rơi vào "an tâm ảo".

"Với cách xét tuyển không giới hạn nguyện vọng hiện nay, việc trúng tuyển khi các em có mức điểm cao hay đơn giản là "đỗ được vào đại học" không phải là quá khó khăn, nếu thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng dự phòng với mức điểm thấp hơn điểm mà mình có", ông Toản cho hay.

Việc đạt mức điểm cao, khiến các thí sinh và phụ huynh rơi vào trạng thái chủ quan, an tâm "ảo". Các em chỉ chăm chăm vào những nguyện vọng mà điểm chuẩn năm ngoái loanh quanh tổng điểm thi mình có, trong khi cần chuẩn bị phương án an toàn ở những trường top dưới.

Nhiều phương án để thí sinh đỗ đại học (Ảnh: Hữu Thắng).

Nhiều phương án để thí sinh đỗ đại học (Ảnh: Hữu Thắng).

Nguyên nhân thứ 3 cũng nhiều em mắc phải đó là không hiểu đúng về cách tính điểm.

Mỗi trường sẽ có quy tắc tính điểm riêng mà các em cần phải nắm rõ. Ở đây, thầy giáo lấy ví dụ nếu một thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 gồm Toán 9,2; Vật lý 10 và Hóa 10 thì vẫn trượt ngành Công nghệ thông tin - Khoa học máy tính của Đại học Bách Khoa dù mức điểm chuẩn công bố là 29,04.

"Nếu nhìn qua với cách tính thông thường, tổng điểm 3 môn của thí sinh này đến 29,2 cao hơn hẳn con số 29,04.

Tuy nhiên thí sinh có điểm cao này lại bị trượt bởi yếu tố môn chính theo cách tính điểm xét tuyển riêng mà nhà trường đưa ra", ông Phạm Quốc Toản cho hay.

Các em cần có phương án xét tuyển tối ưu (Ảnh: Hữu Thắng).

Các em cần có phương án xét tuyển tối ưu (Ảnh: Hữu Thắng).

Hầu hết các ngành học của Đại học Bách khoa thêm yếu tố là môn chính kèm theo mức điểm chuẩn của từng ngành. Như vậy, theo phương án mà trường đưa ra, cách tính điểm xét tuyển đối với tổ hợp môn có môn chính là ĐXT= (Môn 1 + Môn 2 + Môn 3 + Môn chính) x 3/4) + Điểm ưu tiên.

Với cách tính này, nếu thí sinh không có điểm ưu tiên, điểm xét tuyển (Giả sư môn Toán là Môn chính) thì ĐXT = ((9,2 + 10 + 10 + 9,2)x3/4) + 0 = 28,8. Như vậy, thí sinh trượt do thấp hơn mức điểm chuẩn 29,04.

Số khác thí sinh thì dù có điểm bằng mức điểm chuẩn nhưng trượt bởi tiêu chí phụ mà các trường đưa ra đơn giản chỉ vì để chọn thí sinh cùng mức điểm cho vừa chỉ tiêu.

Cuối cùng, theo thầy giáo các em cũng gặp phải sự cạnh tranh cao tại phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/27-diem-van-truot-nguyen-vong-thi-duoc-diem-cao-khien-thi-sinh-roi-vao-an-tam-ao-20424082016165388.htm
Zalo