254 bị cáo hầu tòa trong ngày đầu xét xử đầu tiên đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam

Sáng 18-7, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã khai mạc phiên tòa xét xử đối với 254 bị cáo trong vụ án tiêu cực tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm tại TP Hồ Chí Minh và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Hội đồng xét xử gồm: Thẩm phán Huỳnh Văn Trực, Phó chánh Tòa hình sự Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh làm chủ tọa và thẩm phán Trần Minh Châu cùng 3 hội thẩm nhân dân. Đại diện viện kiểm sát tham gia phiên tòa gồm các kiểm sát viên: Trần Thị Liên, Nguyễn Vũ Mai Diễm, Lê Trương Hà Linh, Phạm Văn Hiền.

Phiên tòa còn có sự tham gia của hơn 200 luật sư bào chữa, gần 60 cá nhân, tổ chức là bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng các lực lượng bảo vệ an ninh. Dự kiến phiên xét xử sơ thẩm đại án đăng kiểm sẽ kéo dài 3 tháng từ ngày 18-7 đến 18-10.

 Các bị cáo trong đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam tại phiên tòa sáng nay.

Các bị cáo trong đại án Cục Đăng kiểm Việt Nam tại phiên tòa sáng nay.

Tại phiên tòa, 254 bị cáo bị xét xử về 11 tội danh gồm: Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ; giả mạo trong công tác; sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tham ô tài sản.

Trong đó, cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình (thời gian công tác từ tháng 1-2014 đến tháng 7-2021) bị đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ theo điểm a Khoản 4 Điều 354 BLHS với khung hình phạt cao nhất là tử hình và tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điểm b Khoản 2 Điều 356 BLHS với khung hình phạt 5-10 năm tù.

Cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà (thời gian công tác từ tháng 8-2021 đến tháng 12-2022) bị đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ theo Khoản 4 Điều 354 BLHS với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Đối với trường hợp của bị cáo Đỗ Trung Học (cựu trưởng phòng Tàu sông thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) đang bị truy nã và sẽ xét xử vắng mặt. TAND TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thủ tục tống đạt, niêm yết theo quy định pháp luật.

 Các bị cáo tại ngoại và người liên quan được bố trí ngồi tại sảnh chính và phòng xử lớn, nối liền với phòng xử các bị cáo trọng điểm.

Các bị cáo tại ngoại và người liên quan được bố trí ngồi tại sảnh chính và phòng xử lớn, nối liền với phòng xử các bị cáo trọng điểm.

Tại phiên tòa sáng nay, mọi công tác chuẩn bị xét xử đã được tòa án phối hợp chặt chẽ với các lực lượng an ninh, công an, y tế... nhằm bảo đảm phiên tòa diễn ra xuyên suốt, an toàn. Trước đó 2 ngày, do số lượng nhân tố tham gia quá đông, tòa án đã sử dụng 2 phòng xử lớn và sảnh chính để bố trí bàn ghế, sắp xếp chỗ ngồi, các đường truyền âm thanh, hình ảnh và màn hình tivi, máy chiếu để người tham dự phiên tòa theo dõi xuyên suốt. Cơ quan báo chí sẽ có khu vực tác nghiệp riêng và theo dõi qua màn hình.

 Hội đồng xét xử và thư ký phiên tòa.

Hội đồng xét xử và thư ký phiên tòa.

Vụ án được xét xử trực tiếp tại trụ sở tòa án và kết hợp truyền dẫn hình ảnh, âm thanh tại điểm cầu trại giam T30 - Công an TP Hồ Chí Minh (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh). Hội đồng xét xử sẽ xét hỏi, thẩm tra đối với từng nhóm tội danh và nhóm hành vi, khi đến lịch thẩm tra, xét hỏi đối với nhóm bị cáo nào thì sẽ được trích xuất, dẫn giải đến tòa để thẩm vấn trực tiếp, các bị cáo thuộc nhóm còn lại sẽ được theo dõi phiên xử qua đường truyền.

Tin, ảnh: THÁI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/tin-tuc/254-bi-cao-hau-toa-trong-ngay-dau-xet-xu-dau-tien-dai-an-cuc-dang-kiem-viet-nam-785868
Zalo