25 năm tái lập huyện Lâm Thao: Những điểm sáng trong hành trình đổi mới và phát triển

Sau 22 năm hợp nhất với huyện Phù Ninh thành huyện Phong Châu, ngày 01/9/1999, huyện Lâm Thao chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. 25 năm qua, vượt qua những khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong huyện đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đưa kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh và toàn diện, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao...

Các đồng chí lãnh đạo huyện Lâm Thao thăm gian trưng bày sản phẩm nông sản của huyện dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Lâm Thao thăm gian trưng bày sản phẩm nông sản của huyện dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.

Thành tựu sau 25 năm tái lập huyện

Thời điểm mới tái lập, huyện có xuất phát điểm kinh tế thấp; kết cấu hạ tầng xuống cấp và thiếu đồng bộ, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ manh mún, năng suất, sản lượng thấp. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, tạo điều kiện của MTTQ, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền huyện Lâm Thao đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp thành các Nghị quyết chuyên đề, lần lượt thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Sau 25 năm thành lập lại, Lâm Thao trở thành huyện có tốc độ phát triển nhanh và toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tiến bộ.

Tỷ trọng lĩnh vực CN-TTCN và dịch vụ, thương mại tăng mạnh từ 43,5% lên 80%, tỷ trọng lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm nhanh từ 56,5% xuống còn 20%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 10 triệu đồng (năm 2000) lên 63 triệu đồng (năm 2023). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,2% (năm 2000) xuống còn 1,55% (năm 2024).

Thu ngân sách trên địa bàn huyện hằng năm cơ bản đạt cao, trong đó có 3 năm liên tiếp (2021-2023) đạt mức trên 500 tỷ đồng, cao gấp 34 lần so với năm 1999. Năm 2024, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3.000 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư khá đồng bộ.

Thời điểm tái lập huyện, tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa đạt khoảng 5%; đến nay, 100% các tuyến đường được mở rộng, cải tạo, nâng cấp và cứng hóa, nhiều tuyến giao thông huyết mạch, đối ngoại được đầu tư đồng bộ, hiện đại như: Đường Đền Hùng - cầu Phong Châu; Quốc lộ 2D; tuyến tránh QL 32C đoạn Việt Trì- cầu Phong Châu, đường tỉnh 325B, đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho Nhân dân.

Đặc biệt, Lâm Thao là điểm sáng của tỉnh và khu vực trong xây dựng nông thôn mới khi là huyện thứ 13 của cả nước và là huyện đầu tiên của tỉnh Phú Thọ và các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới năm 2015. Đến nay, huyện tiếp tục dẫn đầu toàn tỉnh về số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, số khu dân cư kiểu mẫu, thông minh với 5/10 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao (trong đó có 3 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu); 48,9% số khu dân cư toàn huyện đã được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm tỷ lệ 44% tổng số khu kiểu mẫu toàn tỉnh. Diện mạo nông thôn thay đổi căn bản, toàn diện, dần trở thành những “miền quê đáng sống” theo hướng khang trang, hiện đại.

Bên cạnh đó, huyện tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa cận đô thị, thực hiện dồn đổi ruộng đất, hình thành cánh đồng mẫu lớn, ban hành cơ chế riêng của huyện khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa vào sản xuất 90% diện tích lúa chất lượng cao; chuyển đổi, hình thành các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, chuyên canh; xây dựng 16 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn... nâng giá trị thu nhập bình quân/ha canh tác từ 23,6 triệu đồng (năm 2000) lên 167 triệu đồng (năm 2023). Xây dựng 22 sản phẩm Ocop, trong đó có 02 phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Nhằm phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hiến, cách mạng của quê hương “Đất lúa - Đất văn”, huyện đã đề ra nhiều giải pháp xây dựng phát huy giá trị văn hóa, con người Lâm Thao; chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo. 100% các xã, thị trấn được trang bị hệ thống truyền thanh thông minh. 100% các khu dân cư có nhà văn hóa với đầy đủ các thiết chế đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng.

Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp và duy trì thường xuyên. 100% di tích lịch sử văn hóa được số hóa và tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng; có thêm 1 bảo vật quốc gia, 10 di tích lịch sử văn hóa được công nhận cấp Quốc gia và 21 di tích lịch sử văn hóa được công nhận cấp tỉnh.

Giáo dục - đào tạo phát triển cả về quy mô, loại hình và chất lượng, Lâm Thao là huyện đầu tiên của tỉnh có 100% trường học đạt chuẩn quốc gia (năm 2015); đến nay có 60% số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đầu tư trên 5 tỷ đồng xây dựng phòng học thông minh, lớp chất lượng cao.

Chất lượng giáo dục dẫn đầu toàn tỉnh, có nhiều học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Quan tâm nâng cao đời sống giáo viên, nhân viên trường học, hỗ trợ kinh phí cho các giáo viên mầm non hợp đồng. Năm 2023, thành lập Quỹ Khuyến học, Khuyến tài Trạng nguyên Vũ Duệ huyện Lâm Thao với số dư quỹ đạt gần 9 tỷ đồng, đã kịp thời tổ chức tuyên dương, khen thưởng cho hàng trăm nhà giáo, học sinh có thành tích xuất sắc trị giá trên 1,2 tỷ đồng.

Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư ngày càng hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh; 100% trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%; ứng phó sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các biện pháp sớm khống chế thành công đợt bùng phát dịch COVID-19 năm 2021. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, củng cố vững chắc, tạo môi trường thuận lợi để huyện thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác tư tưởng, lý luận chính trị của Đảng được chỉ đạo đúng hướng, kịp thời gắn với triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh. Đảng bộ huyện đã kết nạp thêm 3.755 quần chúng ưu tú vào Đảng; tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt trên 90%. Công tác quy hoạch, giới thiệu, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện đồng bộ, quyết liệt gắn với thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng; kỷ luật, kỷ cương của Đảng đi vào chiều sâu và thực chất.

Phong trào “Dân vận khéo” phát triển sâu rộng, góp phần thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết, thi đua, tham gia vào các nhiệm vụ chính trị của huyện đạt hiệu quả cao.

Với những nỗ lực của các thế hệ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và Nhân dân trong huyện, giai đoạn vừa qua, huyện Lâm Thao đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì. Nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh trao tặng cờ, danh hiệu thi đua và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Lãnh đạo UBND huyện Lâm Thao kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án tại xã Sơn Vi.

Lãnh đạo UBND huyện Lâm Thao kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án tại xã Sơn Vi.

Những bài học kinh nghiệm

Trên cơ sở những thành tựu đạt được sau 25 năm tái lập, Đảng bộ, chính quyền huyện Lâm Thao rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trước hết đó là sự đoàn kết thống nhất, vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu phải quyết liệt, năng động, sáng tạo, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn thử thách và hành động vì lợi ích chung, vì dân, vì nước.

Đó là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chính quyền; khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hiến, cách mạng và khát vọng xây dựng quê hương giàu mạnh trong mỗi người dân Lâm Thao, đi đôi với thực hiện tốt việc công khai, minh bạch từ chủ trương, kế hoạch, biện pháp thực hiện để Nhân dân được biết, được bàn, được làm, được đóng góp và được hưởng thụ thành quả... đây là yếu tố quyết định sự thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thời gian vừa qua.

Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan tỉnh; thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài và phát huy nguồn nội lực. Chú trọng làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy vai trò trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Tự hào về những thành tựu đã đạt được sau 25 năm tái lập huyện, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân trong huyện càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, không ngừng phấn đấu vươn lên, tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, xây dựng huyện Lâm Thao ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, phấn đấu năm 2025 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

Nguyễn Quang Anh

TUV, Bí thư Huyện ủy Lâm Thao

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/25-nam-tai-lap-huyen-lam-thao-nhung-diem-sang-trong-hanh-trinh-doi-moi-va-phat-trien-217918.htm
Zalo