24 nhà băng phối hợp với Bộ Công an về làm sạch dữ liệu khách hàng

Việc tấn công mạng vào ngành ngân hàng và lừa đảo trực tuyến để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngày càng gia tăng, Bộ Công an và Bộ TT&TT sẽ có những giải pháp bảo mật để đảm bảo an toàn trong thanh toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tăng cường bảo vệ dữ liệu cho khách hàng

Phát biểu tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024 diễn ra sáng 8/5 tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thông tin, đến nay, hơn 87% người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.

Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm.

Cùng với đó, hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: SBV

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: SBV

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), cho biết thêm, ngành ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai Đề án 06 để làm sạch, xác thực khách hàng và hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ.

Về làm sạch dữ liệu, 24 tổ chức tín dụng (TCTD) đã ký kết với C06 (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng theo phương thức offline; 19 TCTD đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng; 7 TCTD đã và đang triển khai giải pháp chấm điểm khả tín.

Hệ thống công nghệ thông tin của các TCTD đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); đồng thời đạt các chứng chỉ quốc tế về đảm bảo an toàn bảo mật, tăng cường khả năng phòng, chống các rủi ro tấn công an ninh mạng.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, việc thúc đẩy ngân hàng chuyển đổi số theo lộ trình sẽ gắn với việc triển khai dữ liệu dân cư, căn cước công dân (CCCD), định danh và xác thực điện tử.

“Với việc cấp 86 triệu thẻ CCCD gắn chip, thu nhận trên 75,1 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt 53,88 triệu tài khoản, đã có 8 tiện ích của người dân với 29,4 triệu lượt người truy cập ứng dụng VNEID.

Tới đây sẽ tiếp tục công bố và đưa vào khai thác 14 tính năng mới trên VNEID, trong đó có nhiều tính năng liên kết với ngành ngân hàng, tiến tới đưa tài khoản định danh điện tử VNEID trở thành phương thức duy nhất để thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia”, Thứ trưởng Ngọc nói.

Về công tác bảo mật, Thứ trưởng Ngọc cho hay các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Bộ TT&TT sẽ đưa ra những giải pháp bảo mật để đảm bảo tốt các tiện ích cũng như an toàn trong thanh toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Việc này sẽ giúp cho ngành ngân hàng đẩy mạnh hơn nữa việc cho vay tín chấp thông qua chấm điểm tín dụng của công dân.

Cần đi đầu trong khai thác hiệu quả dữ liệu

Đánh giá cao công tác chuyển đổi số của ngành ngân hàng thời gian qua song Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cũng đưa ra những gợi ý về xu hướng chuyển đổi số của ngành ngân hàng cần được xem xét, thúc đẩy trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long. Ảnh: TBNH.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long. Ảnh: TBNH.

Đầu tiên là vấn đề dữ liệu - yếu tố sản xuất quan trọng của nền kinh tế. Thứ trưởng Long nhấn mạnh, ngân hàng là ngành có nhiều dữ liệu nhất, việc khai thác hiệu quả dữ liệu sẽ tạo thêm nhiều giá trị cho ngành ngân hàng nói riêng và các ngành, các hoạt động của nền kinh tế nói chung.

“Những năm qua, ngành ngân hàng đã đi đầu trong việc tạo lập dữ liệu, giai đoạn tiếp theo cần đi đầu trong việc khai thác hiệu quả dữ liệu; xây dựng các căn cứ pháp lý để bộ dữ liệu trở nên khả dụng; xây dựng các kịch bản sử dụng bộ dữ liệu; thí điểm và nhân rộng các mô hình khai thác cơ sở dữ liệu. Việc ứng dụng toàn diện công nghệ số trong ngành ngân hàng là phương tiện kỹ thuật quan trọng trong chuyển đổi số của ngành sang quản trị số”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.

Thứ hai, đại diện Bộ TT&TT đề nghị NHNN xem xét ứng dụng AI trong hoạt động của mình để điều hành một cách linh hoạt hơn.

Việc sử dụng AI và dữ liệu không chỉ là cung cấp dịch vụ ngân hàng tốt hơn cho khách hàng mà còn để xây dựng các mô hình phân tích, dự báo phục vụ nhiệm vụ điều hành hành, giải pháp trong chính sách tiền tệ, trong hoạt động của ngân hàng và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thúc đẩy cả nền kinh tế phát triển.

Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ sự phát triển nhanh, bền vững. Hoạt động của ngân hàng trong bối cảnh yêu cầu sự linh hoạt, hiệu quả và tối ưu chi phí ngày càng quan trọng.

Ngoài ra, ông Long cũng đặc biệt lưu ý về thực trạng tấn công bằng mã hóa, chiếm quyền sử dụng các hệ thống thông tin tăng mạnh hiện nay.

“Điều này rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Ngành ngân hàng cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro, bảo vệ dữ liệu khách hàng, hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng để xây dựng hệ sinh thái số an toàn, lành mạnh”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.

Cập nhật số liệu mới nhất về giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt 3 tháng đầu năm 2024, theo NHNN, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 56,6% về số lượng và trên 31,3% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 48,8% và 25,7%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 58,7% và 33,1%.

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/24-nha-bang-phoi-hop-voi-bo-cong-an-ve-lam-sach-du-lieu-khach-hang-2278494.html
Zalo