21 triệu cử tri Malaysia bắt đầu bỏ phiếu tổng tuyển cử
Người Malaysia sẽ phải chọn từ con số kỷ lục 945 ứng cử viên trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 để tìm ra lực lượng chính trị sẽ lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới.
Ngày 19/11, người Malaysia bắt đầu đi bỏ phiếu để chọn ra lực lượng chính trị sẽ lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới, trong bối cảnh lo ngại về chi phí sinh hoạt gia tăng gắn liền với lạm phát leo thang và nỗi sợ hãi về sự tái hiện của trận lũ thảm khốc năm ngoái.
Đây là cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15 của Malaysia. Cuộc tổng tuyển cử vốn dự kiến diễn ra vào tháng 9/2023, nhưng Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob - dưới áp lực ngày càng tăng từ một số phe phái trong liên minh cầm quyền của mình - đã phải tuyên bố giải tán Hạ viện hôm 10/10 để mở đường cho bầu cử sớm.
Đây có thể sẽ là cuộc cạnh tranh gay gắt nhất mà quốc gia Đông Nam Á này từng chứng kiến, chủ yếu giữa đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) - một trụ cột trong liên minh cầm quyền Malaysia Barisan National, đảng Pakatan Harapan (Liên minh Hy vọng), và đảng Perikatan Nasional.
UMNO - đảng thống trị chính trường Malaysia trong suốt hơn 60 năm kể từ khi độc lập - đã chịu thất bại nặng nề trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018 sau vụ bê bối tham nhũng tại Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB) gây thất thoát hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, 2 chính phủ kế nhiệm UMNO đã vướng phải đấu đá nội bộ, tạo cơ hội cho UMNO trở lại nắm quyền vào năm ngoái. Bây giờ, đảng này đang tìm cách củng cố quyền lực của mình trong liên minh cầm quyền thông qua cuộc tổng tuyển cử.
Các đảng đối lập cho biết họ lo ngại các cáo buộc tham nhũng đối với các quan chức lãnh đạo UMNO có thể được bãi bỏ nếu đảng này giành chiến thắng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cuộc đua này quá sít sao, và chưa thấy rõ liên minh nào có khả năng vươn lên dẫn đầu để giành đủ 112 ghế trong Quốc hội 222 ghế của Malaysia.
Người Malaysia sẽ chọn từ con số kỷ lục 945 ứng cử viên trên khắp quốc gia có đa số người theo đạo Hồi, bao gồm cả các bang Sabah và Sarawak trên đảo Borneo.
“Có quá nhiều ứng viên và các ứng viên có vị trí tương tự nhau đến mức cử tri sẽ khó đưa ra quyết định”, ông Oh Ei Sun thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thái Bình Dương của Malaysia cho biết.
Số lượng cử tri đủ điều kiện đi bỏ phiếu đã tăng từ 18 triệu của 4 năm trước, lên hơn 21 triệu sau khi tuổi bầu cử được hạ xuống vào năm 2021. Khoảng 1,4 triệu cử tri mới bổ sung là cử tri lần đầu trong độ tuổi từ 18 đến 20. Phần lớn cử tri sống ở các vùng nông thôn.
Các nhà phân tích cho biết, quốc gia Đông Nam Á sẽ rơi vào tình trạng bất ổn chính trị hơn nữa nếu không có liên minh nào giành được đa số rõ ràng trong cuộc tổng tuyển cử này.
“Các cử tri có thể sẽ chứng kiến một bối cảnh chính trị bị phân mảnh tương tự sau cuộc tổng tuyển cử, với việc các đảng phái phải vật lộn để thành lập liên minh cầm quyền tiếp theo”, ông Oh nói với hãng tin AFP.
Cuộc bầu cử diễn ra khi người dân Malaysia phải đối mặt với giá lương thực tăng cao và một số khu vực của đất nước tiếp tục bị tàn phá bởi lũ quét do mưa lớn trong mùa gió mùa.
Tháng 12 năm ngoái, hàng chục người chết và hàng nghìn người phải sơ tán sau trận lũ lụt “trăm năm mới có một lần” tấn công các khu vực đông dân cư ở Selangor - bang giàu có nhất quốc gia - và các vùng khác của đất nước.
Minh Đức (Theo AsiaOne, TRT World)