2025 - thời điểm đưa các mục tiêu năng lượng toàn cầu trở lại đúng hướng
Năm 2024 chứng kiến bước thụt lùi của các mục tiêu tiếp cận năng lượng. Báo cáo Theo dõi SDG7 (Mục tiêu Phát triển bền vững thứ 7 về phát triển năng lượng sạch với chi phí hợp lý) cho thấy, lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, khả năng tiếp cận điện không theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số.
Phân tích của tổ chức Năng lượng Bền vững cho tất cả (SEforALL) cũng chỉ ra, ngoài tiến bộ ở một số ít quốc gia, việc cung cấp công nghệ và nhiên liệu nấu ăn sạch cũng đang thụt lùi. Để đạt được SDG7 vào năm 2030, thế giới cần cung cấp khả năng tiếp cận điện cho 157 triệu người/năm; đồng thời tăng khả năng tiếp cận công nghệ và nhiên liệu nấu ăn sạch cho 334 triệu người/năm. “Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhưng không phải là không thể vượt qua”, SEforALL nhận định.
Đây cũng là lý do tại sao Sứ mệnh 300, một sáng kiến được Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) công bố hồi tháng 4/2024, cùng sự hợp tác với SEforALL, Quỹ Liên minh năng lượng toàn cầu cho con người và hành tinh (GEAPP) và Quỹ Rockefeller mang ý nghĩa quan trọng.
Sáng kiến này sẽ giảm một nửa số người không được tiếp cận điện ở khu vực châu Phi cận Sahara, và đáp ứng nhu cầu của 43% số người không được tiếp cận điện trên toàn cầu.
Ngoài ra, Sứ mệnh 300 sẽ giúp thúc đẩy các thị trường năng lượng sạch ở những quốc gia đang đối mặt với tình trạng nghèo năng lượng lan rộng, qua đó giúp mang lại lợi ích về giá cả, mô hình kinh doanh và cơ chế phân phối ở quy mô lớn.
Một cơ chế đáng chú ý khác hướng tới giải quyết thách thức về tiếp cận năng lượng là các Hiệp ước Năng lượng do Chương trình Hành động năng lượng Liên hợp quốc (UN - Energy) tổ chức, và được SEforALL bảo trợ. Tổng số tiền tài trợ được cam kết thông qua các Hiệp ước Năng lượng đã tăng từ 400 tỷ USD vào năm 2021 lên 1,4 nghìn tỷ USD trong năm 2024.
Thông qua đó, các Hiệp ước Năng lượng sẽ thúc đẩy hành động đáng kể, bao gồm loại bỏ dần điện than, giảm phát thải carbon cho các hệ thống năng lượng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, qua đó đóng góp mạnh mẽ vào chương trình nghị sự toàn cầu nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030.
Cũng trong năm 2024, đầu tư năng lượng toàn cầu ước tính vượt mức 3 nghìn tỷ USD, trong đó 2 nghìn tỷ USD được phân bổ cho các công nghệ năng lượng sạch. Năm 2025 được dự báo sẽ là thời điểm mà các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo tiếp tục vượt xa các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch mới. Đồng thời, các bên chủ chốt sẽ hướng nhiều khoản đầu tư hơn vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, điều này cho thấy một xu hướng mới đầy tiềm năng.
Năng lượng là trọng tâm của thách thức về khí hậu, và cũng là chìa khóa cho các giải pháp. Trong năm 2024, nhiệt độ toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến người dân ở mọi nơi trên thế giới. “Trước mối đe dọa hiện hữu này đối với hành tinh, năm 2025 cần là thời điểm để cộng đồng toàn cầu tăng gấp đôi nỗ lực giảm phát thải và hạn chế nhiệt độ tăng”, SEforALL lưu ý.
Trong đó, các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), là những kế hoạch hành động về khí hậu quốc gia, sẽ đóng vai trò trung tâm. Các NDC hiện tại hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức từ 2,4 - 2,6 độ C, tương đương với mức giảm 5,3% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Tuy nhiên, theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc, cần mức giảm 43% để hạn chế nhiệt độ tăng.
Chính vì vậy, lần cập nhật NDC lần thứ 3 (NDC 3.0) sẽ kết thúc vào tháng 2/2025 sẽ là một thời điểm quan trọng, với hy vọng có những cam kết mạnh mẽ và phản ứng chủ động.
Cuối cùng, có một xu hướng ngày càng tăng là các quốc gia đang phát triển đang thể hiện vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế khi nói đến các vấn đề về khí hậu, phát triển và năng lượng. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2025, khi các quốc gia này nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận năng lượng cho người dân, đồng thời đóng góp vào cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cộng đồng toàn cầu cần tiếp tục hợp tác với các quốc gia đang phát triển và cung cấp tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cần thiết. Với số lượng dân số trẻ ngày càng tăng, nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và những cải thiện liên tục về chính sách, những quốc gia này có thể mở ra con đường cho một thế giới bao trùm hơn, xanh hơn và thịnh vượng hơn. Đó là động lực và cũng là quyết tâm cho năm 2025.