2025 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp Trái đất có nền nhiệt nóng nhất lịch sử
Theo chuyên gia, mặc dù năm nay là năm trung tính (ENSO) nhưng nền nhiệt vẫn được dự báo là nóng hơn trung bình nhiều năm. Điều đó cho thấy khả năng cao vừa có nắng nóng vừa có mưa nhiều.
Khả năng xuất hiện nắng nóng gay gắt hơn trung bình nhiều năm
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, giai đoạn 19/4-22/4 được dự báo sẽ xảy ra nắng nóng với nền nhiệt cực đại buổi trưa và chiều các tỉnh lân cận Hà Nội lên đến 36 độ C, có ngày 22/4 lên đến 38 độ C. Nắng đầu mùa nên buổi tối ít om nhiệt mà chủ yếu nóng buổi chiều.
Khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có nền nhiệt cực đại từ 37-39 độ C, có nơi ở phía Tây Nghệ An lên đến 40 độ C.
Khu vực TPHCM và vùng Đông Nam Bộ có nền nhiệt từ 36-38 độ C trong khoảng thời gian này.

Dự báo năm 2025 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp Trái đất có nền nhiệt nóng nhất lịch sử.
Khoảng tối 22/4 hoặc ngày 23/4 mới có mưa về từ Tây Bắc, lan dần đến các tỉnh Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Cơn mưa dông kết thúc nhanh, sau đó khu vực lại chuyển nắng nóng.
TS Nguyễn Ngọc Huy chia sẻ thông tin từ Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), năm 2025 sẽ là năm thứ 3 liên tiếp Trái đất có nền nhiệt nóng nhất lịch sử (tính trên phạm vi toàn cầu).
Các mô hình dự báo khí tượng thời hạn vừa và thời hạn dài đều cho thấy nhiệt độ trung bình ở các vùng của Việt Nam đều cao hơn trung bình cùng thời kỳ từ 0.5 độ C đến 1 độ C.
"Mặc dù năm nay là năm trung tính (ENSO) nhưng nền nhiệt vẫn được dự báo là nóng hơn trung bình nhiều năm. Điều đó cho thấy khả năng cao vừa có nắng nóng vừa có mưa nhiều. Những cơn mưa rào cục bộ với lượng mưa lớn trong quãng thời gian ngắn sẽ thường xuyên xuất hiện", TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết.
Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2025 dự báo có thể nằm trong nhóm những năm nóng nhất từng ghi nhận, với nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể cao hơn 1,29-1,53 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Tại Việt Nam, nhiệt độ vẫn duy trì ở mức cao nhưng ít có khả năng phá kỷ lục năm 2024. Hiện nay, ENSO đang từ La Nina suy yếu và có thể trạng thái trung tính vào giữa năm, làm tăng nguy cơ mưa lớn cục bộ, ngập úng đô thị, lũ quét và sạt lở đất.
Biển Đông có thể đón 11-13 cơn bão, trong đó 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, với nguy cơ xuất hiện bão mạnh cấp 12 trở lên vẫn cao.
Cũng theo cơ quan dự báo khí tượng của Việt Nam, những dự báo về tác động của biến đổi khí hậu đang trở thành hiện thực. Trái đất đang nóng lên nhanh chóng với những con số đáng báo động; mỗi một trong mười năm gần đây đều là năm nóng nhất trong lịch sử quan trắc.
Nhiệt độ đại dương đang phá kỷ lục, và mọi quốc gia đều cảm nhận được tác động bởi các hiện tượng thiên tai khốc liệt như nắng nóng, lũ lụt, bão mạnh và siêu bão.
Chuẩn bị kịch bản phòng ngừa thời tiết cực đoan
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tại Việt Nam, một quốc gia chịu rất nhiều ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là bão, lũ lụt và hạn hán, dự báo khí tượng thủy văn không chỉ là một công tác kỹ thuật mà còn là sứ mệnh bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Mai Văn Khiêm, cho biết trước mắt, trong giai đoạn giao mùa, chuyển mùa (tháng Tư và tháng Năm), các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh có thể xảy ra, đặc biệt vào chiều tối.
Từ nay đến tháng 10/2025, dự báo trên phạm vi cả nước sẽ xảy ra các hiện thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, gió giật mạnh. Cùng với đó, nắng nóng gay gắt dự báo sẽ xuất hiện trên toàn quốc trong tháng 5.
Từ tháng 5-7/2025, hiện tượng ENSO có khả năng duy trì trạng thái trung tính với xác suất từ 70-90%. Với xu thế trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo thời gian tới, tình hình thời tiết trên phạm vi cả nước sẽ có nhiều biến động.
Ngoài ra, trong tháng 4 và tháng 5, nhiều khả năng nắng nóng xảy ra trên diện rộng cũng có thể gây tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ, cháy rừng và ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt.
Cùng với nắng nóng, từ tháng 5-7/2025, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (cụ thể là trên Biển Đông xuất hiện khoảng 3,2 cơn; đổ bộ vào đất liền 1,2 cơn).
Trong giai đoạn tiếp theo từ tháng 8-10/2025, hiện tượng ENSO có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính với xác suất từ 55-65%. Theo đó, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và đổ bộ ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm (cụ thể là trên Biển Đông xảy ra khoảng 6,8 cơn; trong đó đổ bộ vào đất liền 2,8 cơn).
Hiện nay, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia gồm hơn 217 trạm khí tượng bề mặt, gần 2.000 trạm đo mưa tự động, 426 trạm thủy văn, 27 trạm khí tượng hải văn, cùng 10 trạm radar thời tiết hiện đại.
Hệ thống này giúp theo dõi, giám sát, dự báo và cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến như hệ thống siêu máy tính Cray XC40 để tăng cường năng lực dự báo, đồng thời triển khai công nghệ đồng hóa số liệu từ vệ tinh, radar và quan trắc bề mặt, giúp cải thiện độ chính xác trong dự báo mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất. Hệ thống cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đã được chi tiết đến cấp huyện, hỗ trợ chính quyền và người dân chủ động ứng phó.