2025 là năm lớn với các sứ mệnh Mặt trăng thương mại

Ngay cuối tháng 2, một tàu đổ bộ sẽ khởi hành từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ (NASA) lên Mặt trăng. Tàu đem theo loạt thiết bị khám phá những gì bên dưới vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất.

Đây là sứ mệnh Mặt trăng thứ 3 chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm nay. Nếu 2024 là năm thiết lập hiện diện thương mại trên tiểu hành tinh này, thì 2025 là năm nỗ lực được đẩy mạnh hơn nữa. Mặt trăng sắp bận rộn đón nhiều thiết bị khám phá hơn nữa.

Năm ngoái bắt đầu bằng vụ phóng tàu đổ bộ Peregrine do công ty tư nhân Astrobotics phát triển - đánh dấu sứ mệnh đầu tiên trong số nhiều sứ mệnh mà họ thực hiện theo hợp đồng trị giá hàng triệu USD thuộc khuôn khổ chương trình Dịch vụ tải trọng Mặt trăng thương mại NASA (CLPS). Không may Peregrine không thể đến đích vì bị rò rỉ nhiên liệu sau khi phóng. Nhưng vài tuần sau đó Công ty Intuitive Machines thành công đưa tàu đổ bộ Odysseus lên Mặt trăng. Mặc dù bị lật lúc chạm đất, Odysseus vẫn thu thập và truyền dữ liệu về Trái đất.

Sang năm nay NASA có ít nhất nửa tá sứ mệnh CLPS. Sứ mệnh đầu tiên mang tên Blue Ghost Mission 1 của Công ty Firefly Aerospace, được phóng vào ngày 15.1 bởi tên lửa đẩy SpaceX Falcon 9. Cùng tên lửa đó mang theo tàu đổ bộ do công ty Nhật iSpace phát triển. Đơn vị này cũng đang xúc tiến sứ mệnh Hakuto-R thứ 2.

Tàu đổ bộ do Firefly Aerospace mang tên Blue Ghost, dự kiến đáp xuống khu vực Mare Crisium vào ngày 2.3. Phương tiện hoạt động bằng năng lượng mặt trời và đem theo hệ thống lá chắn bụi mới để chứng minh cách các sứ mệnh tương lai có thể ngăn chặn tích tụ bụi, vài thiết bị thu thập mẫu lẫn định vị dựa trên hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) cùng máy tính chịu được bức xạ. Theo NASA: “Mục tiêu của sứ mệnh là nghiên cứu luồng nhiệt từ bên trong Mặt trăng, tương tác giữa mây với bề mặt, trường điện từ cũng như chụp ảnh X-quang từ quyển Trái đất”.

Tàu đổ bộ Resilience được phát triển bởi iSpace đi theo con đường khác, dùng ít năng lượng hơn và cuối tháng 5 - đầu tháng 6 mới đến khu vực Mare Frigoris. Phương tiện này đem theo xe tự hành Tenacious phụ trách thám hiểm, thu thập vật liệu bề mặt, chuyển tiếp dữ liệu. Ngoài ra trên Resilience còn có thiết bị điện phân nước, đầu dò bức xạ không gian sâu, module thử nghiệm sản xuất thực phẩm.

Intuitive Machines lên kế hoạch thực hiện sứ mệnh CLPS thứ 2 vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3. Tàu đổ bộ IM-2 Nova-C sẽ hướng đến cực nam Mặt trăng với mũi khoan cùng máy quang phổ để lấy mẫu băng. Đặc biệt IM-2 còn giúp đưa tàu quỹ đạo Lunar Trailblazer đến đích, nghiên cứu tình trạng phân bổ nước cũng như quan hệ giữa nước với địa chất. Mảng phản xạ laser Micro-Nova Hopper của Intuitive Machines cùng Lunar Surface Communication System của Nokia. Hai công ty này ôm tham vọng thiết lập mạng di động đầu tiên trên Mặt trăng.

Tàu đổ bộ Blue Moon Mark 1 của Blue Origin cũng chuẩn bị cất cánh vào mùa xuân hoặc hè. Tháng trước tên lửa đẩy New Glenn dùng cho sứ mệnh này vừa hoàn thành chuyến bay đầu tiên. NASA chọn Blue Origin làm đơn vị vận chuyển hệ thống camera SCALPSS đến cực nam Mặt trăng phục vụ sứ mệnh Artemis đưa phi hành gia quay trở lại.

Sang mùa thu sẽ đến lượt Astrobotics cố gắng phóng tàu đổ bộ lần nữa. Tàu đổ bộ Griffin 1 dự kiến đem xe tự hành Volatiles lên khu vực gần cực nam Mặt trăng.

Trước lúc hết năm, Intuitive Machines thực hiện thêm một sứ mệnh nữa: phóng tàu đổ bộ IM-3 đem thiết bị nghiên cứu từ tính và plasma của xoáy Mặt trăng Reiner Gamma. Xe tự hành MAPP, máy phản xạ laser MoonLIGHT, kính thiên văn LUSEM cũng sẽ đồng hành.

Điểm chung của tất cả sứ mệnh năm nay là không có con người. Sứ mệnh Artemis II có phi hành gia phải đến tháng 4.2026 mới được thực hiện.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/2025-la-nam-lon-voi-cac-su-menh-mat-trang-thuong-mai-229142.html
Zalo