2024 là một trong những năm tồi tệ nhất với trẻ em trên thế giới

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa đưa ra lời cảnh báo rằng 2024 là một trong những năm tồi tệ nhất đối với trẻ em khi có tới gần 1/5 số trẻ em trên thế giới sống ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và xung đột.

Trẻ em bị bắt đi lính trong các cuộc xung đột ở châu Phi

Trẻ em bị bắt đi lính trong các cuộc xung đột ở châu Phi

473 triệu trẻ em phải đối mặt với tình trạng bạo lực

Theo Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell, 2024 là một trong những năm tồi tệ nhất được ghi nhận đối với trẻ em trong xung đột, xét về cả số lượng trẻ em bị ảnh hưởng và mức độ tác động đến cuộc sống của các em. UNICEF cho biết 473 triệu trẻ em phải đối mặt với tình trạng bạo lực tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai, con số này đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 1990.

Nhìn lại năm 2024, bạo lực và chiến tranh vẫn diễn ra trên quy mô chưa từng thấy từ Á sang Âu, gây ra thương vong khủng khiếp và làm lung lay các nỗ lực kiến tạo hòa bình. Theo dữ liệu Trung tâm dữ liệu sự kiện và vị trí xung đột vũ trang (ACLED), tính đến cuối năm 2024, số vụ bạo lực được ghi nhận là khoảng 200 nghìn vụ, cao hơn khoảng 25% so với năm 2023 và gấp đôi so với 5 năm trước. Trong đó bạo lực gia tăng mạnh ở Lebanon (tăng 958%) sau khi căng thẳng giữa nhóm vũ trang Hezbollah và Israel bùng phát. Nga và Ukraine cũng chứng kiến số vụ bạo lực tăng 349% trong bối cảnh xung đột giữa hai nước tiếp diễn.

Có một thực tế là cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cường quốc và sự trỗi dậy của các cường quốc cấp trung, những quốc gia đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, đã thúc đẩy quá trình quốc tế hóa xung đột. Điều này cũng kéo theo xu hướng đáng lo ngại là xung đột bạo lực sau khi bùng phát sẽ không bao giờ kết thúc mà chỉ tạm thời lắng xuống để chờ cơ hội bùng lên.

Báo cáo Chỉ số hòa bình toàn cầu (GPI) năm 2024 thì cho thấy các cuộc xung đột đang trở nên quốc tế hóa hơn, với hơn 90 quốc gia hiện đang tham gia vào một cuộc xung đột vượt ra ngoài biên giới của họ, nhiều nhất kể từ khi GPI ra đời vào năm 2008. Điều này làm phức tạp các quá trình đàm phán để đạt được hòa bình lâu dài và kéo dài các cuộc xung đột. Báo cáo GPI cũng cho thấy năm 2024, số lượng các cuộc xung đột kết thúc với chiến thắng rõ ràng cho một bên đã giảm từ 49% trong những năm 1970 xuống còn 9% trong những năm 2010, trong khi các cuộc xung đột kết thúc thông qua các thỏa thuận hòa bình đã giảm từ 23% xuống còn 4% trong cùng kỳ.

Hệ quả là chỉ riêng trong năm 2024, số người thiệt mạng trong các cuộc xung đột tăng 30% so với năm trước, từ 179.099 người lên 233.597. Còn theo Chỉ số cường độ xung đột (CII) mới nhất, các cuộc chiến đã lan rộng và gia tăng, gây ra những tác động sâu rộng đến tăng trưởng kinh tế và an ninh lương thực toàn cầu. Các khu vực bị nhấn chìm trong xung đột trên toàn thế giới đã tăng 65% (tương đương gần gấp đôi diện tích của Ấn Độ) trong vòng ba năm qua. Ukraine, Myanmar, Trung Đông và một “hành lang xung đột” quanh khu vực Sahel của châu Phi đã chứng kiến chiến tranh và bất ổn lan rộng và gia tăng kể từ năm 2021.

Trong bối cảnh chiến tranh và xung đột gia tăng, trẻ em đương nhiên là đối tượng chịu ảnh hưởng nhất của tình trạng này. UNICEF đã xác định được 32.990 vụ vi phạm nghiêm trọng đối với 22.557 trẻ em, con số cao nhất từng được ghi nhận. Theo cơ quan này, khoảng 44% trong số gần 45.000 nạn nhân của cuộc xung đột ở Gaza là trẻ em, trong khi có nhiều thương vong ở trẻ em trong cuộc chiến ở Ukraine.

Ngoài ra, trẻ lớn lên ở khu vực xung đột có nhiều khả năng phải nghỉ học, suy dinh dưỡng hoặc bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, thường xuyên và liên tục so với một trẻ sống ở những nơi hòa bình. Suy dinh dưỡng cũng là nguyên nhân chính gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em ở các vùng xung đột. UNICEF đặc biệt tập trung vào tác động của nó ở Sudan và Gaza. UNICEF cho biết thêm rằng hơn 52 triệu trẻ em không được tiếp cận giáo dục, trong đó Gaza và Sudan một lần nữa là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng này. Ngoài ra, theo UNICEF, tình trạng bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái đã gia tăng đáng kể, đồng thời nhấn mạnh đến sự gia tăng đột biến ở Haiti, nơi các vụ hiếp dâm và tấn công tình dục đã tăng 1.000% vào năm 2024.

Không được để xung đột chà đạp lên quyền trẻ em

Ðể trẻ em không tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy các cuộc xung đột và là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia tăng là trách nhiệm của cả cộng đồng quốc tế. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từng khẳng định: “Xung đột không phải là nơi dành cho trẻ em và chúng ta không được để xung đột chà đạp lên quyền trẻ em”. Còn Phó Giám đốc điều hành UNICEF Kitty van der Heijden thì nhấn mạnh trẻ em không gây ra chiến tranh hoặc có khả năng ngăn chặn chiến tranh, nhưng chúng lại bị ảnh hưởng bởi chiến tranh nhiều hơn bất kỳ ai khác. Do đó, trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế là “phải đảm bảo trẻ em được sống sót và phát triển”.

Ðể hiện thực hóa mục tiêu đó, nhiều nỗ lực đã được thế giới đưa ra. LHQ khẳng định bảo vệ trẻ em cần được đặt ở vị trí trung tâm của hoạt động gìn giữ hòa bình của tổ chức này và lồng ghép trong chức năng hoạt động của các phái bộ trên thực địa. LHQ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột, nhất là trường học và bệnh viện; đồng thời kêu gọi các nước tiếp tục thực hiện các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an LHQ và tham gia Tuyên bố trường học an toàn nhằm cam kết duy trì giáo dục an toàn cho trẻ em trong xung đột vũ trang.

Đi vào các biện pháp cụ thể, Hội đồng bảo an LHQ từng ra quyết định giám sát 50 chính phủ và nhóm nổi dậy bị cáo buộc vi phạm quyền trẻ em và áp đặt các biện pháp trừng phạt những tổ chức không chấm dứt hành động vi phạm này. Hội đồng Bảo an buộc các chính phủ và tổ chức nêu trên phải thực hiện các kế hoạch hành động cụ thể để chấm dứt các hành động xâm phạm trẻ em. Trong số các hành vi vi phạm quyền trẻ em có việc sát hại hoặc làm trẻ em bị thương tật, bắt trẻ em đi lính và lạm dụng tình dục.

Trong vai trò là tổ chức quốc tế có tôn chỉ mục đích là bảo vệ và phục vụ các nhu cầu về sự sống còn, tồn tại và phát triển của trẻ em trên toàn thế giới, UNICEF đã thúc giục cộng đồng quốc tế và các bên liên quan cuộc xung đột ưu tiên bảo vệ trẻ em thông qua tìm kiếm giải pháp hòa bình và chấm dứt bạo lực, tuân thủ các cam kết quốc tế về bảo vệ trẻ em một cách vô điều kiện trong xung đột. UNICEF kêu gọi tất cả các bên tham gia xung đột cam kết thực hiện các kế hoạch hành động cụ thể để bảo vệ trẻ em như ngăn chặn tình trạng vi phạm quyền trẻ em, giải phóng trẻ em khỏi các nhóm vũ trang, chấm dứt các cuộc tấn công vào bệnh viện và trường học...

Cuối cùng, biện pháp tốt nhất để bảo vệ người dân và trẻ em là ngăn ngừa chiến tranh, xung đột và giải quyết tận gốc nguyên nhân của xung đột và căng thẳng xã hội là đói nghèo và chậm phát triển về kinh tế. Để đạt mục tiêu này, các nước cần xây dựng mối quan hệ tôn trọng, thân thiện giữa con người với con người; xây dựng mối quan hệ hiểu biết, bình đẳng, hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc và các quốc gia trên thế giới. Khi có bất đồng thì phải tìm cách giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, không đe dọa và không dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/2024-la-mot-trong-nhung-nam-toi-te-nhat-voi-tre-em-tren-the-gioi-post599771.antd
Zalo